Căn nhà mùa xuân

Nguyễn Minh Hoa| 12/02/2021 21:09

Căn nhà mùa xuân

Từ xa xôi xuân sải cánh, rồi bước gần và thong dong trở lại. Xếp 4 mùa ấm lạnh đã qua để đón mùa xuân, đón Tết thật bâng khuâng, có khi là nuối tiếc, lại có khi là mong xuân ùa ập vào khuôn cửa. 

Người ta cứ bảo xuân của đất trời - không hẳn - cảm nhận thực thì xuân phải là trong căn nhà của mình - căn nhà buổi Tết. Như cái tổ của loài chim trên cao giữa mênh mông đất trời, chim chồng và chim vợ vừa kiếm ăn, vừa tha rác, nhặt lá về bện tổ trên cành, vất vả và mong manh là thế rồi cũng  đến ngày thành tổ - tổ ấm. Nắng mưa, bão giông ngoài kia chứ không phải sau tấm lá khô và những đường đan, bện này. Tổ ấm ấy đủ cho yêu thương và đôi trứng hồng được ấp nở thành đôi chim non. Phải chăng mái nhà của con người cũng thế, nên mới được gọi là tổ ấm.

Mỗi mùa xuân đến lại nhớ cái không khí hân hoan, lúc là sửa sang mái ngói, tường vôi, khi là sắm sanh đồ đạc mới… Dấu mốc “Tết năm ấy’’ luôn được nhắc và kể lại trong những buồn vui, sum vầy của gia đình. Có những hân hoan sau mấy chục năm, sau cả chặng dài hàng nửa thế kỉ và có khi xa hơn nữa vẫn còn trong đôi mắt ngấn nước của bà. Căn nhà đã cũ, nhưng câu chuyện của bà vẫn như nguyên vẹn niềm vui, nguyên vẹn những nếp nhà…

Xuân ở ngoài kia là đào, là quất, là những tíu tít bán mua. Trên những cánh đồng mạ đã xanh, đôi thửa cấy sớm cây lúa phất phơ. Mùa cấy trồng cũng là mùa âu lo. Trời còn lạnh, lo mạ có lên để cấy đúng vụ, lúa cấy xong lại lo rét phải giặm lại. Tết đến, lo trăm thứ phải tiêu pha, người đi xa thì lo sao kịp về nhà ăn Tết... Lo là thế nhưng hoa hải đường đã đầy đầu chợ, cành to, cành bé đã có người chọn mua. Cúc vàng, cúc tím với những chậu, những bình thế đã bày khắp phố. Đào rừng, đào bích, đào phai khoe sắc trong cái rét căm căm xứ Bắc. Thấy sắc hoa là thấy mùa xuân bên thềm.

Mùa xuân luôn là dấu mốc của một khởi đầu, có những điểm tựa, có những dự định mang tính quyết định, bứt phá, thành bại đều có trong hành trang, người khác có thể biết rồi quên, nhưng chủ nhân thì luôn nhớ, nhất là những ngày mùa xuân, gấp gáp đã sau khuôn cửa, chầm chậm nghĩ suy, tĩnh tâm nhớ lại, khi mà ta giăng phơi mọi ý nghĩ thành thật nhất với ta, với những người thân yêu ta nhất.

Nếu xuân vời vợi trong đất trời ngoài kia, thì Tết lại ấm áp trong mỗi nếp nhà. Người ta đem xuân qua khuôn cửa ấy là khi Tết đến, chứ không hẳn là con số trên cuốn lịch. Tết là khi cháu con đã thưa bẩm mời tiên tổ, tiền nhân về tới tư gia. Tết là khi tự mỗi người thấy khói hương mang theo những ý niệm thiêng liêng,  trang trọng. Bữa ăn gia đình tươm tất hơn và mang những hương vị khác. 

Bữa tất niên năm nay lại nhớ tất niên năm ngoái thế nào. Có khi vẫn món ấy mà tay người khác nấu, có khi lại trống một chỗ ngồi vì người xa khuất bóng, nhớ thương còn rưng rưng. Đường đời tưởng rộng dài, nhưng có những số phận có khi  mong manh, như cánh chim đã không về được tổ ấm. Căn nhà Tết vắng bóng người đã kém vui, chẳng biết làm sao, đành phải đợi thời gian khỏa lấp.

Mỗi nhà một cảnh, mỗi nhà đón những cái Tết của riêng mình. Căn nhà Tết nhiều khi không cần bày biện đủ như người ta vẫn thường trưng, mà nó chỉ cần một tấm áo mới cho con, một lời an ủi sau những bão giông, những rộn ràng xào nấu để có mâm cơm cúng tươm tất. Nhưng thực sự chủ nhân thấy bình yên và tin cậy. Căn nhà sẽ vẫn là nơi sum vầy sau khi tắt nắng, là nơi nói những lời thành thật, âu yếm. Để thấy bọn trẻ lớn khôn, để tính tuổi cha mẹ già yên ấm...  Ấy là xuân an lành, ấy là Tết bình an.

Đất giời vẫn vậy, chỉ có con người ta hối hả, để rồi ít người tĩnh tâm mà nhận ra, hay phải rất lâu sau, khi đã bạc tóc, khi thấy những bon chen hơn thua là vô nghĩa thì mới thấy căn nhà mùa xuân, nếp nhà Tết của mình mới thật ấm áp và vững chãi. Có không ít người phải trốn khỏi căn nhà của mình khi Tết đến. Tại trái tim chủ nhân không đủ những chân ái với đời với người hay tại người ta trong suốt những mùa qua đã không chi chút, soạn sửa tâm hồn để đón xuân về? 

Vậy nên, chẳng cứ phải đón mùa xuân từ những ý niệm hay phô phang mà hãy đón xuân tự lòng ta, an hòa, thuận lẽ. Gửi trao, nhờ mùa cất giữ những thiện lành mình gieo trồng, gây dựng hẳn sẽ đón nhận lại điều mình mong đợi. Giời đất mênh mang, mà chẳng vô tình, ước mơ sẽ hiện hữu trong căn nhà mùa xuân, theo tháng năm thành kí ức, là hành trang đem theo và tựa vào mỗi khi, để rồi ta lại nói “Tết năm ấy’’... như ông bà, mẹ cha ta đã từng rưng rưng kể. Và có lẽ lúc ấy ta mới thực hiểu về “căn nhà’’, “nếp nhà’’ của ta. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Căn nhà mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO