Chuyện cổ dân gian ở làng Đơ

Yên Giang (sưu tầm & biên soạn)| 08/06/2017 09:58

Làng Đơ có tên gọi chữ là Cầu Đa (cầu đa phúc, đa lộc...) nằm bên hữu ngạn dòng Nhuệ Giang, trước kia thuộc Tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; nay là phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Làng Đơ có vị trí đặc biệt trong quá trình hình thành tỉnh Hà Đông (cũ). Đó là vào ngày 26/ 12/1896, địa bàn làng trở thành lỵ sở của tỉnh Hà Nội. Đến ngày 3/5/1902 tỉnh Hà Nội được đổi thành tỉnh Cầu Đơ. Sau đó vào tháng 6/1904, tỉnh Cầu Đơ lại đổi thành tỉnh Hà Đông.

Làng Đơ có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Về khoa bảng có 2 vị đỗ tiến sĩ, về các di tích văn hóa - lịch sử có cả một quần thể gồm đình, chùa, đền, miếu còn được bảo tồn nguyên vẹn, tiêu biểu là ngôi đình làng với lễ hội cổ truyền độc đáo. Trong sâu thẳm hồn làng còn truyền tụng nhiều câu chuyện dân gian nói về quá khứ giữ đất, lập làng, xây dựng quê hương và ca ngợi mối cố kết gắn bó cộng đồng.

Chuyện cổ dân gian ở làng Đơ
Lễ hội làng đình Đơ
1. Sự tích chiếc khăn thấm máu

Tương truyền ngày xưa trong khám hậu cung đình làng có lưu một chiếc khăn thấm máu. Đó là kỷ vật cuối cùng trước khi hóa của Đức thành hoàng.

Chuyện rằng: Thuở ấy, vào một buổi chiều u ám trên đầu Cầu Đơ qua sông Nhuệ (chỗ Cầu Trắng bây giờ), ngày xưa là cầu gỗ trên lợp mái, người ta gọi là thượng gia, hạ kiều, có cụ bà bán nước chè. Khi cụ sắp dọn hàng về thì xịch cái thấy một ông tướng ghìm ngựa ngay trước lều. Cụ chưa kịp định thần thì ông tướng đã cất tiếng:

- Chào cụ, cụ có thấy ai bị đứt cổ như ta mà sống được không?

Bấy giờ cụ mới nhìn kỹ thấy trên cổ ông thắt một chiếc khăn trắng đã loang máu đỏ. Chẳng hay cơ sự gì đã xảy ra với ông? Cụ thầm nghĩ vậy. Cụ đâu có biết mấy tháng nay trong thành có loạn (1). Cụ định tìm một lời an ủi, nhưng bản tính thật thà, cụ đành ái ngại nói:

- Thưa Ngài, già ngồi ở đây đã lâu, chưa thấy ai bị chém đứt cổ mà còn sống được!

Ông tướng nghe dứt, thở dài, lướt nhìn xung quanh hỏi tiếp:

- Đây là đâu?

- Thưa Ngài đây là làng Đơ ạ!

“Ta nhớ ra rồi, mảnh đất này đã có tình nghĩa với ta, nơi ta từng ém quân để tiến đánh giặc Minh trong trận Ba La Kiều”, nghĩ vậy, ông đưa tay cởi chiếc khăn trên cổ trao cho cụ và nói rõ từng lời:

- Ta cho giọt máu này đem về mà thờ!

Đoạn ông phi ngựa chạy tiếp về phía tây. Nghe nói khi đến Tốt Động, đúng nơi chiến trường xưa, thì hóa.

Vị tướng ấy là Đỗ Bí, một trong số những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo vào đầu thế kỷ 15.

Vì thế sau này cả làng Đơ, làng Tốt Động (huyện Chương Mỹ) đều thờ Ngài làm Thành hoàng làng.


2. Chuyện thằng câu ếch hay sự tích sinh lại dân làng Đơ

Ngày xửa ngày xưa, khi mới lập làng, dân thôn còn thưa vắng lắm. Người hiếm nên càng quý trọng nhau, cuộc sống tuy nghèo nhưng khá hòa thuận, yên vui.

Bỗng ngày nọ một tai họa tày trời đã chụp xuống đám dân lành.

Ấy là vào một hôm đẹp trời, ngoài đường quan xuất hiện đoàn người đông đúc với toàn quạt, cờ hiệu, kèn trống inh ỏi diễu qua. Hỏi ra mới biết đấy là họ đang hộ tống Bà Chúa từ Kinh thành đi du xuân.

Cùng lúc, ở bờ ao ven đường quan có một thằng câu ếch vốn người làng bên, đang mải quăng mồi. Vừa khi kiệu Bà Chúa đến thì con ếch cụ đớp mồi. Thằng câu ếch khoái chí ra sức văng mạnh cần câu. Trớ trêu thay, lưỡi câu không móc vào hàm ếch, mà lại bay lên móc vào yếm đào của Bà Chúa. Thằng câu ếch sợ quá, càng giật mạnh thì lưỡi càng móc sâu, đến độ rách toang vạt yếm để lộ cả đôi gò bồng đảo. Bị bất ngờ, vừa xấu hổ vừa tức giận, Bà vội lấy tay che ngực và hét toáng lên làm cả đám rước nhốn nháo. Lợi dụng tình thế ấy, thằng câu ếch vội vứt cả giỏ cả cần tẩu thoát.

Đoàn rước phải bỏ dở cuộc hành trình, quay vội về Kinh thành.

Chuyện gở đã qua đi ít ngày, làng xóm vẫn bình yên nhưng mấy cụ già trong làng chưa nguôi lo lắng. Họ kháo nhau:

- Thằng câu ếch làng bên đã mất tung tích. Họa này không khéo quýt làm cam chịu, rồi làng ta phải gánh đây. 

Lo thì lo vậy nhưng chẳng biết đâu mà lường, mà tránh.

Thế rồi điều gì đến cũng phải đến.

Nhằm đúng một ngày nông nhàn, trời lại sậm sụt mưa gió nên ít ai ra khỏi làng thì đùng một cái, giặc giã ở đâu ập tới, lùng sục khắp ngõ hẻm ngách sâu, gươm giáo sáng loáng, gặp ai giết nấy bất kể già trẻ gái trai. Ngập trời tiếng gào khóc la hét bi ai. Chẳng mấy chốc, bọn ác biến hết bỏ lại xác người ngập máu, nhà cửa đổ nát hoang tàn. Làng xóm câm lặng, có chăng chỉ vài tiếng quạ thấy mùi tử khí, quàng quạc trên không.

Mãi sau này, người ta mới biết đận ấy là đận Bà Chúa cho lính về trừng phạt dân làng Đơ về tội thằng câu ếch lếu láo gây ra. Nào có biết dân ấy đã bị tội oan.

Ai cũng tưởng dân làng Đơ đã bị tận diệt đận ấy.

May thay, trời còn có mắt nên họa lớn chưa cùng.

Chả là, mờ sáng cái hôm kinh hoàng ấy, có hai anh em nhà kia - anh trai, em gái, bố mẹ gọi dậy sớm, sai đi chợ Gốt bán rau lú bú - vốn là thứ rau đặc sản của đồng làng. Đến khi tan chợ trở về thì ôi thôi, anh em chỉ còn cách ôm nhau khóc ròng khóc rã đến mấy ngày trời.

Dù cảnh ngộ thế nào, cũng phải sống đã. Dần dà nỗi đau cũng nguôi ngoai, anh em nhà kia bảo nhau dựng lại nhà cửa, cày cấy lại ruộng đồng.

Thấm thoắt qua đi, họ đã đến tuổi trai tìm vợ, gái tìm chồng. Nhưng tìm đâu ra chứ. Làng xóm thì hết người, thiên hạ thì xa lạ?

Không biết hỏi ai, anh em họ đành sửa cái lễ mọn đặt giữa trời kêu hỏi các đấng thần linh. Lòng thành của họ đã thấu đến cao xanh. Người anh vừa dứt lời khấn, một ông Tiên phúc hậu đã hiện ra, ôn tồn nói:

- Này các con nghe ta dặn đây. Đúng giờ Tý đêm nay, hai con chia làm hai ngả cùng đi vòng quanh làng. Giữa đường các con gặp ai đầu tiên thì lấy người ấy làm chồng, làm vợ. Chúc các con ăn ở với nhau hòa thuận để sinh hạ lại dân làng.

Nói dứt lời ông tiên vụt biến mất, còn vương lại phảng phất hương thơm.

Nghe lời Tiên ông, chờ đúng nửa đêm, khi con cuốc ngoài bờ tre đã im tiếng, con dế dưới gốc bầu đã ngừng kêu, hai anh em lặng lẽ chia hai ngả để cùng bắt đầu cuộc hành trình cầu duyên linh thiêng. Và rồi, không thể là ai khác, anh em họ đã gặp nhau đúng nơi trước kia làng dựng miếu thần. Họ làm lễ tạ ơn thiên địa, rồi từ đó ăn ở với nhau, sinh năm đẻ bảy, lần nào cũng vuông tròn, suôn sẻ. Đời này tiếp đời kia, cứ thế, dân làng Đơ dần dần trở lại nhộn nhịp đông vui từ bao giờ chẳng mấy ai để ý.

Để ghi nhớ đại họa xưa, sau đó dân làng Đơ mỗi năm có chung một ngày giỗ, gọi là “Ngày giỗ trận”. Hôm ấy nhà nào cũng làm cỗ cúng tổ tiên và mời con cháu họ hàng ở xa về dự để cùng nhắc lại chuyện cũ, cũng là để nhắc nhau một câu cửa miệng:

Dân làng Đơ dù là họ Lưu, họ Nguyễn hay họ Lê họ Trần… tất cả đều là con cháu sinh ra từ một cội, phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau.



3. Chuyện cây đa thiêng

Ngôi đình cũ của làng Đơ trước kia ở gần  bờ  hữu dòng sông Nhuệ. Vào năm Bính Tuất (1866) ngôi đình ấy đã chuyển về xây mới ở chỗ hiện nay, dành đất cho việc quy hoạch xây dựng tỉnh lỵ Hà Đông - tỉnh mới được thành lập thời bấy giờ.

Câu chuyện này xảy ra ở nơi đình cũ.

Số là, trước mặt ngôi đình cũ có một cây đa cổ thụ, thân tầy mấy người ôm, tán xòe hàng mẫu đất. Đặc biệt, cây đa có bộ rễ phụ rất dày, cành vươn tới đâu rễ chen nhau buông xuống đến đấy, giăng mành lớp lớp, đung đưa trong gió, trông rất diệu huyền.

Người xưa vẫn truyền câu:

Rễ đa thâm thì nắng
Rễ đa trắng thì mưa.

Đúng thế! Trời đang nắng chang chang, bỗng nhiên vào cuối một chiều oi bức ngột ngạt, tạt vào bóng râm, thấy mút rễ đa bựt trắng, là thế nào ngày mai cũng mưa, mưa tầm mưa tã là chắc.

Nhìn rễ đa biết nắng mưa, cây đa nào chẳng thế, cây đa ở đâu chẳng thế! Có gì mà sinh chuyện chứ?

Vâng, nếu chỉ thế thì chẳng có gì mà kể thật.

Đằng này, cây đa ở làng Đơ có chuyện lạ đây.

Chuyện rằng:

Năm này qua năm khác, không biết cây đa đã bao nhiêu tuổi, lớp lớp rễ phụ của cây đa làng Đơ (cũng như những cây đa khác) thường buông rủ mành mành dưới tán lá, cũng có ít rễ bám vào thân cây.

Thế mà kỳ thay, vào năm ấy, ngày ấy, dân làng vô cùng ngạc nhiên khi thấy bao nhiêu rễ phụ của cây đa, chiều hôm trước còn buông mành đung đưa trước gió, sáng sớm hôm sau đã cuộn hết vào thân cây, từng vòng, từng vòng, y như đánh đai vậy. Người ta kháo nhau, kéo đến xem đông chật cửa đình. Chẳng ai biết cây đa đang báo trước điềm lành hay điềm dữ.

Dân tình còn chưa nguôi nỗi lo thì có tin vui từ Kinh thành truyền về: sỹ tử nhà họ Lưu đi thi đã đăng khoa Tiến sĩ (2). Ngày tân khoa vinh quy bái tổ, dân làng vui như mở hội.

Có người bảo: cây đa làng báo trước điềm lành đấy. Nhiều người không tin.

Bẵng đi hơn mười năm sau, những chùm rễ phụ của cây đa lại tái diễn cảnh cuốn chặt quanh thân cây như lần trước. Và trùng hợp làm sao, năm ấy sỹ tử họ Nguyễn lên kinh ứng thí đã báo tin về vừa đăng khoa Tiến sĩ (3). Ngày tân khoa vinh quy bái tổ, dân làng nghênh tiếp đông vui gấp mấy lần trước kia.

Sau lần này thì ai cũng tin rằng cây đa làng mình không chỉ dự báo tin thời tiết mà còn báo điềm lành khoa bảng. Đúng là cây đa thiêng.


4. Sự tích bốn hòn đá cõi

Trước kia ở bốn phía giáp ranh giữa đồng làng Đơ với đồng các làng lân cận có chôn bốn hòn đá cõi làm mốc giới. Ba hòn kia đã mất từ lâu. Hòn cuối cùng cắm ở bên này Cầu Cháy - mốc giới với đồng làng La Khê, khi xây lại cầu Chùa Ngòi (trên đường Ngô Thì Nhậm) bắc qua sông Đào cũng bị nhổ nốt.

Những hòn đá cõi ấy vốn là những ông Phỗng đá từng được bày xung quanh cây đa cổ thụ ở trước cửa ngôi đình cũ của làng.

Vì sao những ông Phỗng đá đang ngự đàng hoàng ở khuôn viên quanh gốc đa ở đình cũ lại bị đầy ra giãi dầu mưa nắng chốn đồng?

Duyên do như sau:

Từ lâu lắm rồi, khi dân làng Đơ còn quần tụ đông đúc hai bên đường thượng đạo - con đường thiên lý từ xứ Thanh ra kinh thành Thăng Long (nay là đường số 6), vào những đêm trăng thanh gió mát, các cô gái ở xóm Chợ (chỗ Ngân hàng nhà nước tỉnh Hà Tây cũ) thường rủ nhau lên gốc đa trước cửa đình hóng gió, vui chơi. Chẳng biết nguồn cơn vì đâu, sau đó, năm nào trong số các cô gái nọ cũng có mấy ả chửa hoang. Làng họp dân tra hỏi, các ả một mực kêu oan là chẳng làm gì mờ ám, vụng trộm. Rồi khi thai đến kỳ, chỉ đẻ ra một bọc nước.

Theo dõi mãi, cuối cùng người làng nghi là do mấy ông Phỗng đá gây nên. Thế là họ bảo nhau mang cuốc thuổng đập vỡ đầu rồi đày các ông Phỗng đá ra đồng cắm làm hòn đá cõi.

Cũng chẳng oan thật, kể từ ấy, những đêm gió mát trăng thanh, các cô gái xóm Chợ vẫn rủ nhau lên gốc đa cửa đình hóng gió vui chơi như trước mà không hề có ả nào mắc tội chửa hoang.
--------------------------------------
Chú thích: 
(1) Chỉ vụ mồng 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) Lê Nghi Dân nổi loạn, giết vua Lê Nhân Tông, tự xưng Vua. Một số trung thần chống lại, bị giết trong nhóm đó có Đỗ Bí. (theo Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức – Nxb VH-TT 1999).
(2)  Lưu Hy đỗ Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất (1478), niên hiệu Hồng Đức thứ 9 đời vua Lê Thánh Tông.
(2) Nguyễn Trang đỗ Tiến sĩ Khoa Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vua Lê Thánh Tông.
(Theo sách: Người Hà Tây trong làng Khoa bảng - Chủ biên Nguyễn Tá Nhí- Sở VHTT Hà Tây xuất bản năm 2001)
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cổ dân gian ở làng Đơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO