Chuyện của làng mình hay chuyện làng khác?

Hoàng Long| 07/07/2018 10:34

“Tôi và làng tôi” của nhà văn Lê Bá Thự đã đưa ta trở về với quá khứ những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm hòa bình lập lại, tại một làng quê nghèo ở Thanh Hóa, nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả.

Chuyện của làng mình hay chuyện làng khác?

Làng quê này có cái tên vừa đẹp vừa thơ mộng: Làng Nguyệt Lãng. Làng Nguyệt Lãng có dáng hình vầng trăng thượng huyền đại cỡ, với con đường độc đạo, rộng chừng sáu mét, chạy xuyên suốt từ đầu làng đến cuối làng, theo hướng Tây – Đông. Song song với con đường này là con sông đào mà người làng vẫn gọi là “Nông Giang”, xây dựng từ thời Pháp thuộc. Giữa làng tọa lạc một ngôi đình hướng Đông Nam, uy nghi, đồ sộ, với những hàng cột gỗ lim to đùng, kê trên nền những hòn đá tảng đại cỡ. Đầu làng, cuối làng và giữa rìa phía Đông Nam làng Nguyệt Lãng tọa lạc ba ngôi nghè lớn với những đồ tế khí sơn son thếp vàng sặc sỡ, dân làng  vẫn gọi ba công trình kiến trúc này là nghè trên, nghè dưới và nghè giữa. Nhìn từ trên cao xuống thấy rõ “vầng trăng thượng tuần Nguyệt Lãng” được bao bọc, che chở, bởi những công trình thờ tự linh thiêng. Đúng là một quần thể kiến trúc làng xã hoàn hảo của cha ông ta ngày trước.

Là người trong cuộc, am tỏ đến từng chân tơ kẽ tóc làng mình và người làng mình, bằng ngòi bút chân thực, sinh động, lắm khi dí dỏm và trào lộng, qua trên 300 trang sách, tác giả đã kể lại cho chúng ta nghe cuộc sống cực kỳ nghèo khổ và lam lũ, song cũng rất hồn nhiên, vô tư và lạc quan yêu đời của dân làng Nguyệt Lãng và của bản thân tác giả. Qua những câu chuyện kể người thực, việc thực, người đọc dễ dàng mường tượng cuộc sống của một làng xứ Thanh thời chống Pháp: Tăng gia sản xuất tự nuôi mình và cung cấp lương thực cho bộ đội ăn no đánh giặc, đóng thuế nông nghiệp, đi dân công tải đạn và tải gạo phục vụ các chiến dịch lớn, như chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch giải phóng Hòa Bình… Gian khổ và vất vả là vậy nhưng người dân làng Nguyệt Lãng vẫn lạc quan yêu đời, vẫn ca hát, vẫn nhảy múa. Sự tham gia hết sức hồ hởi và nhiệt tình của dân làng, kể cả các cụ già, trong “Tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô” là một thí dụ. Như nhà văn Lê Bá Thự viết: “Tháng hữu nghị Việt – Trung - Xô hồi đó đã mang lại cho làng tôi một bầu không khí tươi mới, lạc quan, cả làng cùng hát, cả làng cùng múa, cả làng cùng vui như Tết, đặc biệt các cụ già càng thêm yêu đời, thấy mình như trẻ lại, khỏe ra…” . Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Tuổi thơ của Lê Bá Thự cũng như tuổi thơ của hầu hết những người dân miền Bắc Việt Nam vào những năm 50, 60. Đó là bầu khí quyển trong vắt “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”. Nhìn đâu cũng thấy hoa. Đến đâu cũng có tiếng hát. Dù đời sống thực lại vô cùng đói rét và bần hàn. Khổ nhưng mà vui. Một niềm vui có phần bồng bột và nhuốm màu ảo tưởng. Đọc Lê Bá Thự, ta thấy thú vị cũng vì thế. Nhờ có những trang viết rất chân thực và sinh động của anh mà ta hiểu được một thời. Cái thời ấy hiện không còn nữa”.

Đọc “Tôi và làng tôi” ta dễ nhận ra, nhà văn Lê Bá Thự từng là một đứa trẻ chăn bò tinh ranh, lắm chiêu trò, từng là một lực điền, một nông dân thực thụ, một xã viên hợp tác xã biết làm và làm thành thạo mọi công việc nhà nông như: nhổ mạ, gánh phân, bừa ruộng, làm cỏ lúa, gặt, đập, từng là một thầy giáo dạy bổ túc văn hóa cho xã viên hợp tác xã nông nghiệp, nơi “học trò” gọi anh là “thằng”. Lê Bá Thự còn có tài kiếm cá, mò cua, bắt ốc, bắt ếch… đến độ được “tôn vinh” là “Con rái cá làng Nguyệt Lãng”. Người đọc lấy làm thích thú, thậm chí thán phục, khi đọc những trang anh kể rất tỉ mỉ, rất chi tiết và rất “chuyên nghiệp” về chuyện anh đã kiếm cá, đã bắt cá thành thạo như thế nào. Đó là úp nơm, cắm câu bắt cá quả, câu cá ngạo, kéo khẳng bắt cá diếc, câu và bắt cá rô, bắt ốc, đơm trúm, kéo te bắt tôm tép… Trong bài “Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi chăn bò có sướng hơn không?” tác giả cho ta cơ hội được sống lại thời  thơ ấu chăn trâu, cắt cỏ, nghịch ngợm, đầy hồn nhiên, nhiều thi vị và ắp đầy những kỷ niệm mà bây giờ chỉ còn biết tiếc nuối. Đọc các bài “Xem phim Bạch Mao Nữ”, “Tôi nuôi lợn ỉ”, “Tắm mưa, trận mưa đầu mùa, trận mưa ếch”, “Những trò chơi của trẻ con làng tôi”, “Tết trong nhà, Tết ngoài làng”, “Chợ Tết cầu may”, “Trường làng”, “Trường huyện”, “Trường tỉnh”…, mỗi người chúng ta dễ dàng nhận ra hình ảnh của chính mình trong đó. Tại vì, hồi nhỏ, mỗi người chúng ta, nhất là những người từng sống ở làng quê, ai cũng đã từng chơi những trò chơi của con trẻ ở làng mà tác giả đã kể trong sách, ai cũng từng đi xem chiếu bóng tại các bãi chiếu bóng ngoài trời, ai cũng đã từng tắm mưa, nuôi lợn, xay thóc, giã gạo, ai cũng đã từng ăn Tết ở làng, và lẽ dĩ nhiên ai cũng đã từng đi học trường làng, trường huyện, trường tỉnh với vô vàn những kỷ niệm. 

“Tôi và làng tôi” cho người đọc thấy, những trải nghiệm cuộc sống ở làng của Lê Bá Thự thật là phong phú và đa dạng, muôn màu muôn vẻ, lắm bất ngờ và nhiều thú vị. Có lẽ chính vì thế mà nhà văn đã thổ lộ: “Đó là thời kỳ tôi sống lam lũ, rất hồn nhiên, rất “tự nhiên” và rất “làng”. Sau này mỗi lần về thăm quê, tôi thường thích kể lại với bố mẹ tôi, với các em tôi và các cháu tôi, những câu chuyện cũ mà tôi là người trong cuộc, những câu chuyện cũ không bao giờ cũ đối với tôi”. “Bây giờ, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc làng”.  

Trong bài giới thiệu cuốn sách “Tôi và làng tôi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, Lê Bá Thự kể chuyện mình mà lại ra chuyện người. Chuyện của làng mình mà cũng là chuyện của nhiều làng quê khác. Đó là những vẻ đẹp đã “lùi vào cổ tích”. Nhưng nó là hồn vía của làng quê. Mà cái hồn vía ấy, hiện lại đang bị phiêu bạt. Cho nên nhà thơ mới bảo: “Nhà văn Lê Bá Thự, người “gọi hồn” làng”. “Và rồi nhờ tiếng “gọi” da diết của anh, những vẻ đẹp của làng quê, những hồn vía của làng quê xưa đã thấp thoáng trở về rồi lồng lộng hiện lên nguyên vẹn, sắc nét trong cuốn sách này. Không phải chỉ có làng Nguyệt Lãng của anh, mà cả làng Điền Trì của tôi, và còn rất nhiều làng quê khác trong suốt dải đồng bằng Bắc Bộ cũng đã thấp thoáng về đây, xum vầy quần tụ trong những trang sách này”. “Ai cũng như được gặp lại làng quê mình, tuổi thơ mình. Đó là biệt tài của Lê Bá Thự chăng?” Sau chót nhà thơ Trần Đăng Khoa kết luận: “Đây là một cuốn sách quý. Rất quý. Nó như một bảo tàng nho nhỏ, một bảo tàng riêng của Lê Bá Thự, lưu giữ những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê những năm 50, 60. Đó là bầu khí quyển trong vắt. Bầu khí quyển nông dân mà ta ngỡ chỉ có thể  tìm thấy ở nước thiên đàng…”. 
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyện của làng mình hay chuyện làng khác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO