Để viết sử được bằng thơ

Nguyễn Hưng Hải| 04/09/2019 07:14

Đã là người cầm bút, ai chẳng muốn có tác phẩm để đời. Người viết văn xuôi, người làm thơ dù là chuyên hay không chuyên đều mong ước có được một bài thơ hay, thậm chí một vài câu thơ hay mà bất cứ bạn đọc nào cũng thuộc, cũng nhớ.

Đã là người cầm bút, ai chẳng muốn có tác phẩm để đời. Người viết văn xuôi, người làm thơ dù là chuyên hay không chuyên đều mong ước có được một bài thơ hay, thậm chí một vài câu thơ hay mà bất cứ bạn đọc nào cũng thuộc, cũng nhớ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chân tình nhắc tôi: "Chú nên viết chậm lại, cố gắng có được một bài thơ đi cùng năm tháng bất tử với thời gian”. Và tôi đã vâng dạ như là để đấy, vì để có được một bài thơ hay đâu phải dễ và ai cũng có thể may mắn có được. Đến ngay cả như nhà thơ Trần Đăng Khoa, bây giờ đọc lại, tôi thấy "Góc sân và khoảng trời" cũng đã bị thời gian sàng sảy đi rất nhiều. Những bài thơ hay trong đó như "Mưa", "Mẹ ốm", "Hạt gạo làng ta"... để qua được sự thử thách của thời gian ở những thế kỷ sau, tôi nghĩ, cũng có những câu cần phải sửa. Thế mới biết làm văn chương, chữ nghĩa khó nhọc đến chừng nào.

Dù thế, tôi vẫn đang phải cố gắng tự đập vỡ mình ra, làm mới lại thơ mình, những mong không phụ lòng mong đợi của những người thầy, của các bậc đàn anh và các cây bút cùng thế hệ đã cùng tôi đồng hành, chia sẻ suốt mấy chục năm cầm bút làm thơ.

Với lớp cha anh đi trước, trong nhiều tên tuổi lớn mà dường như ai cũng phải kính nể, tôi thực sự có hai người thầy là nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Hữu Thỉnh. Đọc hai ông, tôi thấy được cả thời đại mình đang sống, thấy được kiếp người và tôi học được cách làm người từ tác phẩm của các ông.

Còn thế hệ trưởng thành sau năm 1975, tôi đọc rất nhiều thơ của các cây bút ở khắp cả 3 miền đất nước, thích nhất vẫn là những tìm tòi đổi mới trong thơ của Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn. Tôi cũng rất thích cái đôn hậu, đằm thắm, hào sảng cùng rất nhiều can dự trong thơ Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Mai, Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Trần Hùng, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thanh Mừng, Trương Nam Hương, Đỗ Trọng Khơi, Dương Thuấn, Đoàn Hữu Nam… Lớp trẻ hơn, tôi hay tìm đọc thơ của Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Vũ Thị Huyền, Du An, Đinh Thị Như Thúy, Mã Anh Lâm, Lý Hữu Lương,… Và gần đây tôi thấy có Nguyễn Hải Yến, Vũ Thị Huyền Trang...

Sự đan xen và kế tiếp các thế hệ mà tôi mới chỉ điểm qua được một số gương mặt tiêu biểu trên đây đã làm cho thơ Việt không bị ngắt quãng và ngày càng trở nên phong phú, hùng hậu hơn. Mỗi người trong số họ tuy mức độ khác nhau nhưng đã đóng góp cho văn học Việt Nam, cho thơ  Việt Nam một giá trị mới với rất nhiều tìm tòi cả về giọng điệu và thi pháp. Tuy là đổi mới nhưng ý thức công dân trong từng sáng tác của họ luôn được đề cao, đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh trong buổi tổng kết lớp đào tạo bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa XII đã nhắc lại câu nói của Bác Hồ với những người cầm bút như một lời kết luận: "Viết cái gì, viết để cho ai, và viết để làm gì?"...

Nguyên tắc chung là vậy, còn để không lẫn vào nhau thì viết như thế để có được giọng điệu riêng, phong cách riêng thì có lắm người suốt đời không làm nổi.

Dù là truyền thống hay hiện đại, thơ trước hết phải là thơ đã. Nói thế, nghe có vẻ buồn cười, song gần đây tôi đọc một số tác phẩm của các bạn trẻ, thấy họ nói cho lấy được, họ viết cho "hả giận" chứ thông điệp thì cũng chẳng có gì mới lạ và tệ hại hơn, họ còn nhân danh đổi mới để tuyên ngôn cho một thứ thơ mà nhiều người gọi là rác chữ, thậm chí rất thô tục, uế tạp. Số ít a dua theo trào lưu đó, coi đó là những tác phẩm tuyệt bích, là hay cũng đã bị các nhà phê bình văn học có trách nhiệm lên tiếng chỉ trích.

Với tôi, một tác phẩm văn học được gọi là hay phải thực sự làm cho tôi xúc động đến ứa nước mắt hoặc có cảm giác "sởn da gà" khi đọc nó. Thơ cũng vậy thôi. Chính vì vậy mà tôi thích tính nhân văn, triết lý sống từ những thông điệp trong văn Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, trong thơ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật;  thích sự tài hoa, sâu sắc với rất nhiều vỉa tầng ý tưởng và tư tưởng trong thơ Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Trần Ninh Hồ, Trần Nhuận Minh,  Nguyễn Đức Mậu, Đỗ Trung Lai, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật,…

Đọc thơ văn của họ, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, thêm nhận thức mới, trải nghiệm mới để lật soi lại các giá trị và cẩn trọng hơn trong từng sáng tác.

Muốn có thơ hay thì phải sống thật, sống chăm chút với đời, thậm chí đôi khi càng trả giá lại càng viết được nhiều hơn và hay hơn.

Cái đích của văn chương như nhà thơ Hữu Thỉnh từng trăn trở là phải hay. Đã có lần ông nói, 1000 nhà văn Việt Nam so với 97 triệu dân là nhiều hay ít. Nếu không có tác phẩm hay, không viết được thì kết nạp thêm một hội viên như thế cũng là thừa. Còn nếu tất cả đều đạt tới tiêu chí hay thì số lượng ấy là quá ít. Vậy nên, tôi luôn tự vấn: Mình đang đứng ở đâu trong số 1000 hội viên và mình còn viết được gì nữa không? Và những bài thơ như "Đêm”, "Thị Mầu", "Viết cho con gái", "Chiều 30 Tết", "Gió đàn ông", "Nghĩa Lĩnh lúc 0 giờ", "Chi bộ xóm tôi" liệu có thật là những bài thơ hay như ai đó khen hay không? Tôi luôn sợ những lời khen giăng bẫy, gài mìn như là sợ thơ dở của mình làm mất thời gian và làm khổ bạn đọc vậy!

Giữa bao xu hướng tìm tòi đổi mới hiện nay, tôi tin vẫn có một dòng chủ lưu của văn học, dòng chủ lưu ấy vẫn là khát vọng của cả dân tộc vươn tới cái đẹp, cái thiện. Cứ đi tìm tòi, đổi mới ở đâu đâu mà quên mất số phận của nhân dân, dân tộc, quên mất những vui buồn, khổ đau, hạnh phúc của kiếp người, tôi cho là, đã đi chệch hướng. Mỗi người hãy tự tìm đúng thế mạnh của mình, chỉ có như vậy mới mong đi tới tận cùng của cái tôi để gặp cái ta (cái ta ở đây là số phận nhân dân, đất nước, của kiếp người).

Vì thế mạnh ấy mà thơ tôi thường bắt nguồn từ 3 hướng chủ đạo: Cảm xúc cội nguồn, Người lính và chiến tranh cách mạng và Đảng, Bác... Có người đã khuyên tôi, muốn tôi trở lại với mạch nguồn cảm xúc trong trẻo đầu đời với một số thành công khi lật soi các giá trị. Nhưng không phải vì thế mà tôi nản lòng, bởi với tôi, văn chương nói chung và thơ nói riêng, tác phẩm hay không phụ thuộc ở đề tài.

Cứ đi tìm điều to tát, lớn giọng và cổ súy cho những gì tưởng là mới mà các nhà văn trên khắp thế giới đã làm cách nay vài ba thế kỷ, sẽ là một sai lầm, chệch hướng nếu như không biết tìm tòi, gửi gắm thông điệp qua từng tác phẩm để "Soi vào một giọt nước mà thấy cả đại dương".

Văn chương suy cho cùng cũng là một phương tiện để phục vụ con người. Vậy cầm bút làm văn chương mà đứng ra ngoài nỗi đau của đồng loại kiếp người, không cùng với số phận của nhân dân, đất nước, với tôi là một sự lệch chuẩn, nếu không muốn nói là phù phiếm.

Biết là có chức năng giải trí nhưng văn chương đâu có đơn thuần chỉ là để giải trí. Nếu chỉ là để giải trí thì những lúc vui sao chúng ta không đọc Truyện Kiều?! Chẳng phải cóp nhặt dông dài đâu, mà phải ý thức lắm Nguyễn Du mới buông một câu rằng: "Mua vui cũng được một vài trống canh". Ông viết Truyện Kiều đâu có để mua vui...!

Sau thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ, thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 luôn biết tôn trọng từng sáng tác của nhau, họ không bị sa đà vào việc tranh giành ngôi thứ. Ai muốn đổi mới cứ đổi mới, ai sáng tác theo kiểu truyền thống cứ truyền thống. Với họ, tác phẩm hay là trên hết. Đã và đang làm chủ trên thi đàn Việt Nam, thơ của họ luôn đầy trăn trở về thế phận người và những tiếng vọng của tâm thế thời đại. Đây cũng là cái đích muôn thuở mà văn chương, trong đó có thơ cần hướng đến và phải đạt đến.

Có một dòng văn học sử chảy trong huyết mạch thơ tôi và huyết mạch thơ của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Chẳng biết có phải từng là một sinh viên khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hay không mà tôi luôn coi làm thơ như là một sự hướng thiện, làm thơ cũng như là viết sử vậy.  Dĩ nhiên là để viết sử được bằng thơ và viết hay được như nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Sơn Tùng viết sử bằng tiểu thuyết... tôi còn phải học ở những người thầy, ở các bậc đàn anh và ở các bạn đồng nghiệp không ngừng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Để viết sử được bằng thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO