Dịch Covid 19 tại Việt Nam: Lửa thử vàng - Gian nan thử sức

Doanh nghiệp & Thương hiệu| 16/03/2020 10:36

Đại dịch Covid 19 xuất hiện vào những ngày cuối cùng của năm 2019. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc tới nay đã gần 3 tháng, những nơi nó xuất hiện đều để lại tâm lý đề phòng, hoang mang và lo sợ. Gần 3.000 người đã phải bỏ mạng, kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, đời sống của những tầng lớp dễ bị tổn thương bắt đầu ảnh hưởng bởi giá cả tăng, lao động sản xuất bị gián đoạn, thu nhập giảm sút. Mặc dù còn diễn biến phức tạp tuy nhiên, Việt Nam đã “đánh thắng trận đầu”.

Thực trạng đại dịch Covid-19 tính đến ngày 01/03/2020

Đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra, xuất hiện ca nhiễm đầu tiên ở Thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau 3 tháng hoành hành, thời điểm này hầu như các châu lục đều đã phát hiện có ca nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 01/03/2020, trên thế giới đã ghi nhận 87.137 ca nhiễm và 2.982 người tử vong. Khu vực Châu Á đang là nơi tổn thất nặng nề với 3 ổ dịch lớn, số người nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc có 79.824 ca nhiễm và 2.870 người đã tử vong. Thứ đến là Hàn Quốc, sau khoảng 20 ngày phát hiện dịch, tại quốc gia này đã ghi nhận 3.736 ca nhiễm và 18 người tử vong; Iran có 593 ca nhiễm và 43 người tử vong. Trong khi đó, Italia có 1.128 ca nhiễm và 29 người tử vong. Dấu hiệu kinh tế toàn cầu suy giảm vì giao thương ngừng trệ đã xuất hiện, đời sống của những tầng lớp dễ bị tổn thương bắt đầu ảnh hưởng bởi giá cả tăng, lao động sản xuất bị gián đoạn, thu nhập giảm sút.

Dịch Covid 19 tại Việt Nam: Lửa thử vàng - Gian nan thử sức

Ảnh minh họa

Cơ chế lây nhiễm của virus Corona từ người sang người, chủ yếu qua 4 con đường chính gồm:

  • Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh, tiết ra môi trường (nước bọt bắn do ho, hắt hơi, sổ mũi).

  • Lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh, bao gồm cả bắt tay với người bệnh xong, mà không có biện pháp phòng tránh.

  • Lây truyền gián tiếp do vô tình chạm vào các bề mặt có chứa virus, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

  • Lây qua phân của người bệnh, do phục vụ bệnh nhân có nhiễm virus, mà không thực hiện tốt việc phòng tránh.

Từ cơ chế lây nhiễm virus trên cho thấy, nguy cơ bùng phát thành các vùng dịch lớn, luôn thường trực ở mỗi quốc gia, nếu không kịp thời phát hiện được người nhiễm và áp dụng các biện pháp y tế phù hợp. Bởi mật độ giao tiếp giữa người với người, trên nền tảng của cách mạng công nghiệp là rất cao. Thêm vào đó, sự thích nghi nhanh của virus dẫn đến biểu hiện của bệnh trên mỗi cơ thể bệnh nhân là khác nhau. Từ đó kéo theo sự khác nhau về phác đồ điều trị, gây khó khăn rất lớn trong quá trình phát hiện, kiểm soát và dập dịch.

Sự nỗ lực của Việt Nam trong quá trình phòng, chống dịch

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc trải dài 1.494km, chạy qua 7 tỉnh gồm: Điện Biên; Lai Châu; Lào Cai; Hà Giang; Cao Bằng; Lạng Sơn; Quảng Ninh. Xác định được mức độ nguy hiểm khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Việt Nam đã xây dựng phương án, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đối phó khi có phát sinh ca nhiễm trong lãnh thổ.

Ngày 17/01/2020, hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus Corona đầu tiên được phát hiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Việt Nam lập tức kích hoạt hệ thống kiểm soát, phòng chống dịch trên phạm vi toàn quốc, theo các bước: Phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Trong đó, việc phát hiện được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, sân bay, đường mòn lối mở, dọc theo đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc và lần theo cung đường mà người bệnh đã từng di chuyển qua.

Chủ trì cuộc họp chiều 27/01/2020 (mùng 3 tết), về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Chống dịch như chống giặc”. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Ngày 30/01/2020, Thủ tướng ban hành quyết định số 170/QĐ-TTg, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Sau đây viết tắt là Ban chỉ đạo), do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Ban chỉ đạo đã sớm nắm được thời điểm vàng để ngăn chặn dịch bệnh, tận dụng tối đa cơ hội, với thái độ làm việc nghiêm túc, trước tính mạng của người dân, Việt Nam đã gặt hái được những thành công ban đầu, trước sự khâm phục của bạn bè quốc tế. Bởi nếu chậm trễ ở bất cứ khâu nào, mọi nỗ lực sau này cũng chỉ là “cố gắng trong tình thế bất lực” và cánh cửa kiểm soát bệnh dịch sẽ đóng lại, gây tổn thất về con người, của cải cho đất nước, tạo tâm lý hoang mang, hoảng loạn trong xã hội. Tính đến ngày 01/03/2020, Việt Nam có 16 ca nhiễm virus Corona, tất cả đã được chữa khỏi hoàn toàn, bằng nguồn kinh phí của nhà nước và không có người tử vong.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng như các chuyên gia trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), đã ghi nhận sự kịp thời trong phòng dịch và những thành công của ngành y tế Việt Nam, trong kiểm soát dịch Covid-19, nhất là sự minh bạch về thông tin mà Việt Nam cung cấp. Đây là minh chứng rõ nét phản biện lại những luận điệu sai trái mà các thế lực thù địch vẫn ngày đêm chống phá thành quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gây dựng nên.

Những khó khăn và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Sự bùng phát của dịch bênh Covid-19 là vô cùng nguy hiểm. Mức độ lây lan nhanh và nguy cơ mất kiểm soát luôn hiển hiện trước mắt, nếu chúng ta mất cảnh giác. Vì vậy việc đánh giá mức độ nghiêm trọng để kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch phù hợp, là vấn đề cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, quá trình kiểm soát dịch bệnh gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến công đoạn cách ly 14 ngày, bởi để lọt những bệnh nhân cần cách ly sẽ là nguy cơ cao tạo ra các ổ dịch mới. Sự đóng góp không nhỏ cho thành công này, là việc tuyên truyền cho người dân, hiểu rõ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, giúp quá trình cách lý được thuận lợi. Một công đoạn vô cùng quan trọng, cần sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng đồng thời vào cuộc, là khoanh vùng dịch. Bởi đây là bước phải lần theo dấu vết di chuyển, tiếp xúc, ăn ở mà người bệnh và người nghi nhiễm bệnh đã từng di chuyển qua.

Trong đó phải kể đến những nỗ lực của các chiến sĩ ngành y tế, họ đã bám trụ toàn thời gian ở bệnh viện, cơ sở điều trị, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn, với quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được nhân dân và Bộ Y tế giao phó. Đây là trách nhiệm của mỗi chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch Covid-19, trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Trong khi các nước đã có những hy sinh, mất mát về người trong ngành y thì Việt Nam vẫn kiên cường, khéo léo, kiên quyết dành chiến thắng một cách trọn vẹn nhất.

Bộ ngoại giao phối hợp với các Bộ ngành liên quan khảo sát, nắm rõ số lượng người Việt Nam ở các nước đang có dịch, đề nghị bạn hỗ trợ khi cần thiết và đáp ứng tốt nhất cho quá trình xử lý dịch. Bộ đội biên phòng lập chốt tại các đường mòn, lối mở dọc biên giới, nghiêm cấm việc di chuyển qua biên giới từ những vị trí này, giúp kiểm soát dịch từ ngoài vào Việt Nam. Dưới sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, các bệnh viện dã chiến được dựng lên ở một số tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, chuẩn bị cho phương án tiếp nhận người nhiễm và nghi nhiễm dịch Covid-19, ngay tại khu vực biên giới, giảm thiểu việc xâm nhập của dịch bệnh vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, cung cấp tin tức cập nhật về tình hình dịch bệnh và phương pháp phòng chống dịch Covid-19 đến từng số thuê bao di động, bằng các tin nhắn, thông qua sự hỗ trợ của các nhà mạng viễn thông lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone. Những người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam, bắt buộc phải khai báo y tế, tất cả những bệnh nhân nhiễm virus Corona sẽ được điều trị miễn phí. Việt Nam là đất nước duy nhất ngoài Trung Quốc, cho học sinh nghỉ học kéo dài nhằm giảm sự lây lan trên diện rộng, đảm bảo sự an toàn cho các tầng lớp nhân dân.

Sự phối hợp đồng bộ trong phòng, chống dịch Covid-19, của hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam, một lần nữa cho thấy, kết quả hôm nay xuất phát từ niềm tin mà nhân dân hướng về Đảng. Cũng là thông điệp minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ về một “Chính phủ kiến tạo”, mà đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra, với đầy đủ ý nghĩa trong quá trình điều hành đất nước.

Những thành quả mà chúng ta gặt hái được trong những năm gần đây, cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc giữ vững độc lập, chủ quyền, vì sự phát triển của đất nước, bởi “Việt Nam đã từng mất quyền tự do, vì vậy Việt Nam không để thiếu quyền tự do mà người dân đáng được hưởng”. Từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân, nâng tầm Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, thông qua sự khôn khéo và mềm mỏng trong đấu tranh, anh dũng quật cường trong mọi trận địa, có trách nhiệm với quốc tế, với dân tộc, vì tương lai và sự tiến bộ của nhân loại, mà bộ máy lãnh đạo đất nước đang dẫn dắt nhân dân Việt Nam, trên con đường đi đến sự tiến bộ.

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/dich-covid-19-tai-viet-nam-lua-thu-vang-gian-nan-thu-suc.html

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dịch Covid 19 tại Việt Nam: Lửa thử vàng - Gian nan thử sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO