Điểm đọc sách, báo miễn phí giữa lòng Thủ đô

Ngô Khiêm| 21/05/2019 14:46

Đến với “thư viện” nhỏ do bà Phạm Thị Huyền Dung làm chủ ở khu vực gò Đống Đa (đối diện với số nhà 55 phố Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội), người đọc không những được tìm hiểu kiến thức miễn phí qua từng cuốn sách, tờ báo mà còn được nghe người đàn bà ở tuổi “xưa nay hiếm” kể nhiều câu chuyện hay, bài học ý nghĩa, thấm thía ở đời.

Điểm đọc sách, báo miễn phí giữa lòng Thủ đô
Bà Phạm Thị Huyền Dung bên sạp báo
 Tìm đến sạp sách, báo của bà Dung, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất đông độc giả say sưa đọc. Dường như cái nắng của tiết trời mùa hạ, tiếng inh ỏi của còi xe, cái khói bụi của phố thị không làm giảm sự đam mê của độc giả và lòng nhiệt huyết của bà. Vừa dừng xe xuống, tôi đã được một người đàn bà ở tuổi “thất thập” với dáng người cao cao, nước da ngăm ngăm, gương mặt phúc hậu và đặc biệt có nụ cười dễ mến mời vào đọc.

Quan sát xung quanh, điều đầu tiên đập vào mắt là tấm biển với dòng chữ “Kính mời nhân dân đọc sách, báo miễn phí” được in trên phông màu đỏ và treo trang trọng, nổi bật trên lề phố. Không gian sạp được che bởi hai chiếc ô rất lớn. Bên dưới có đủ các loại báo như báo Nhân dân, Hànộimới, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân…, sách cũng khá đa dạng từ sách giáo khoa đến sách Phật dạy rồi đến cuốn tuyển tập thơ. Quạt điện, bóng đèn được thiết kế luồn dây an toàn trên những chiếc ô lớn. Ghế cũng đáp ứng được cho cả chục người ngồi. Sạp còn chuẩn bị các loại kính lão để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của độc giả lớn tuổi.

Ngoài ra, sạp còn bố trí chỗ để cho các em nhỏ vẽ tranh, tô tượng và vui đùa.

Lấy một tờ báo ra đọc, người đàn bà với nhiều nếp nhăn trên mặt ghé sát tôi và hỏi chuyện với giọng nói ấm áp: “Con mới đến đây đọc à, con là sinh viên hay người đi làm rồi?...”.

Cảm giác một sự gần gũi mà tôi khó nhận được từ khi bước chân lên nơi “đất chật người đông” này. Lân la hỏi chuyện thì được biết bà nguyên là giảng viên Khoa Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bà kể do là cán bộ đảng viên có trên 50 năm tuổi đảng nên mỗi ngày bà được biếu một tờ báo Hànộimới.

Đọc xong bỏ đi cũng phí mà nghĩ đến công sức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, nhà in… công phu lắm mới cho ra được món ăn tinh thần tới bạn đọc nên bà quyết định mở sạp sách, báo này để phục vụ nhân dân. Sạp bắt đầu chỉ với vài tờ báo biếu được đặt lên một mảnh gỗ đơn sơ chưa được gọt giũa, sau đó bà chắt chiu mỗi ngày khoảng 30 nghìn đồng để mua thêm những tờ báo khác. Lâu dần bà nhận được sự ủng hộ của nhiều người, người góp báo, sách, người góp bàn, ghế, ô, tiền bạc… 

Điểm đọc sách, báo miễn phí giữa lòng Thủ đô
Các em học sinh say sưa đọc sách, truyện

Vốn là người cẩn thận nên hễ có ai cho sách hay ủng hộ tiền bạc, vật chất gì, bà thường ghi vào một cuốn sổ. Đặc biệt, trong cuốn sách còn có chỗ để người đọc có thể ghi chép nhận xét về thái độ phục vụ cũng như cảm nhận về chất lượng của sạp sách, báo của bà.

Lật mở từng trang nhật ký ấy, tôi dừng cặp mắt chú ý đến tâm sự của bạn Nguyễn Vân Nguyệt (Sinh viên Đại học Công đoàn) không chỉ bởi chữ đẹp mà còn có hình minh họa rất ngộ nghĩnh. Tôi bị lôi cuốn theo những dòng chữ của bạn, trong ấy có đoạn mà tôi rất tâm đắc chắc có lẽ là do sự đồng cảm chăng? “Mặc dù đây là lần đầu tiên ngồi đọc sách ở sạp nhưng con có một cảm giác thật lạ. Một không gian ấm cúng với những con người tử tế, chất phác khiến con như được trở về tuổi thơ nơi quê nhà yêu dấu vậy.

Văn hóa đọc đang dần trở nên không phổ biến nữa vậy chẳng phải chúng ta nên có nhiều nơi để đọc sách, báo nhằm nâng cao văn hóa đọc cho người dân hay sao?...”.

Ông Đỗ Văn Đắc (80 tuổi, nguyên là cán bộ của Bộ Công an) đi thể dục qua cho rằng mặc dù mạng internet phát triển mạnh nhưng đọc một tờ báo hay cuốn sách trên giấy nơi góc phố sẽ có cảm giác thú vị hơn rất nhiều. “Với lứa tuổi già như chúng tôi thì việc sử dụng công nghệ để đọc báo là rất khó khăn, chưa kể mắt mũi đã kém lắm rồi”, ông Đắc nói.

Sạp được mở với khung giờ phục vụ tối đa từ 7h sáng đến tận 11h khuya. Độc giả thường là các cụ già, người lao động tự do có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên…

Bên cạnh việc đọc sách, báo thì mọi người còn râm ran những câu chuyện đời thường trong không khí thật đầm ấm. Được biết, sinh viên các trường Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi thường đến đọc, thậm chí các em còn mượn về nhà để nghiên cứu kĩ hơn. Bà kể, có một em sinh viên ở Đại học Công đoàn mà bà cũng chẳng biết tên, cứ mỗi khi bà dọn hàng đều ra giúp bà mang sách, báo vào nhà. Với ánh mắt đầy xúc động, bà nói tiếp “Có hôm thấy bà mệt, cậu ấy còn đấm bóp chân tay cho bà khiến người đi đường tưởng là hai bà cháu thật”.

Với giọng nói bộc trực, thẳng thắn, bà tâm sự: “Tôi làm việc này không màng đến danh lợi cá nhân.

Nơi đây là điểm đọc sách lý tưởng bởi mọi người vừa có thể đến để nắm được tin tức thời sự trong nước, quốc tế vừa được ngắm cảnh đẹp gò Đống Đa để tự hào về người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Tôi mong mọi người cùng tôi tích cực đọc sách, báo đồng thời sưu tầm thêm nhiều thể loại sách, báo hay để nhân dân cùng đọc”. Bà cũng cho biết, việc làm này giúp bà cảm thấy khoan khoái, khỏe khoắn trong người.

Mỗi lần phục vụ độc giả, nhận được lời cảm ơn, bà lại thầm biết ơn họ bởi theo bà nếu không có họ thì bà cũng không có cơ hội được làm việc tốt này.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, bà mong muốn chính quyền sẽ hiểu và cảm thông với công việc mà bà đang làm từ đó tạo điều kiện giúp đỡ để sạp có thể mở rộng thêm nhằm phục vụ đông đảo hơn nhu cầu bạn đọc. “Tôi đã cao tuổi, con cái nhiều lần muốn chuyển nhà ra khu Mai Động để tôi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già nhưng tôi không đồng ý. Cả cuộc đời tôi gắn bó với gò và giờ đây lại gắn bó với sạp.

Đó là điều vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đặt trên vai. Mình đã mở sạp rồi mà không duy trì được thì thật là có lỗi với lương tâm, với độc giả. Thuê người trông sạp cũng là điều mà tôi đang nghĩ đến  nhưng thuê thì phải trả tiền, liệu họ có đủ sự nhiệt huyết để trông mà không lấy tiền không?”, người đàn bà ấy trầm ngâm, trăn trở.

Chia tay bà, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: Sao là người thành phố, thuộc tầng lớp tri thức của xã hội mà bà lại chân chất, dễ gần như những người nhà quê vậy? Thật sự trong bối cảnh hiện nay, nơi này, nơi nọ còn mải mê chạy theo đồng tiền và nhiều người đã dần quên đi văn hóa đọc thì sạp sách, báo của bà Dung thật có ý nghĩa biết nhường nào.

Có lẽ vì cái tâm sáng, sống hết mình vì cộng đồng đó mà bà luôn được bà con trong phố tin tưởng, yêu mến và ủng hộ. Nhiều người lặn lội từ những tỉnh xa đến chỉ để biếu bà những tờ báo đã cũ, thậm chí nhàu, nát với mong muốn được góp thêm sự đa dạng, phong phú của sạp. Và mỗi ngày trôi qua, sạp lại tràn ngập thêm những ấn phẩm mới trong bầu không khí nói cười vui tươi, chan chứa tình người nơi phố thị nhộn nhịp này.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Điểm đọc sách, báo miễn phí giữa lòng Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO