F.I.Tyutchev (1803 - 1873)

07/05/2021 16:45

Fedor Ivanovich Tyutchev là một nhà thơ Nga nửa cuối thế kỷ 19, cùng với A.S.Pushkin, M.Lermontov, A. Fet… là những tên tuổi vĩ đại, làm nên “thời đại hoàng kim” của thơ ca Nga. Thơ ông cực kỳ độc đáo, cô đọng, tràn đầy nội lực. Ông thiện nghệ hướng thơ triết lý - trữ tình với chiều kích vũ trụ… 

***
Nếu A.S.Pushkin quan niệm thơ là tiếng ca còn nhà thơ là "đứa con cưng của Tự do", thì F.I.Tyutchev cho rằng thơ là thần hứng "nàng bay xuống từ trời" (Thi ca - sáng tác khoảng đầu năm 1850) để thực hiện sứ mệnh rót chất dầu thiêng nhằm hòa giải - một quan niệm không kém phần cao quý! 

Nói về F.Tyutchev, nhà văn Lev Tolstoy phải thốt lên: "Thiếu ông ấy thì 
không nên sống!"...


F.I.Tyutchev (1803 - 1873)

Thi ca

Giữa lửa, giữa sấm sét,
Giữa ham vọng sục sôi,
Trong bất hòa cuồng phát,
Nàng bay xuống từ trời -
Biếc cái nhìn anh minh
Giúp bầy con trần tục -
Và rót trên biển loạn
Chất dầu hỏa giải thiêng.
Giông xuân

Yêu giông đầu tháng 5 *, 
Tiếng sấm xuân thứ nhất,
Như giỡn đùa nhảy nhót
Ì ầm trời xanh lam.

Tiếng trẻ trung vang động,
Kìa mưa, mưa bụi bay,
Những giọt châu lơ lửng,
Nắng nhuộm vàng muôn dây.

Núi ùa ra cơn thác,
Rừng không ngừng tiếng chim, 
Tiếng núi cao rừng thấp - 
Dội vui theo sấm rền.

Em bảo: Hebe thôi, **
Nuôi đại bàng cho Zeus
Chiếc cốc lớn ầm sôi,
Nàng cười, tuôn xuống đất.
(1828 - 1854) 
-------
* Mùa xuân ở Nga thường bắt đầu vào tháng 5 (theo lịch cũ).

** Hebe (Gúeba/ Gebe): Con gái thần Zeus - nàng tượng trưng cho tuổi trẻ bất tử, dâng rượu nho lên bàn tiệc ở Olympie và chăm sóc con đại bàng của Zeus - theo thần thoại Hy Lạp.

Buổi trưa
Đến lười thở, buổi trưa mù,
Đến lười chảy, nước ậm ừ trên sông,
Nền trời rực chói và trong
Lười tan, mấy đám mây bông lững lờ.

Thiu thiu nồng nực giấc trưa
Phủ trùm cảnh vật, như vừa sương giăng,
Ấy là chính lúc thần Pan *,
Thiu thiu thiếp lặng trong hang nữ thần.
(Cuối những năm 20 - thế kỷ XIX)
-------
* Pan: Vị thần cai quản rừng núi, thung lũng, những bầy gia súc và mục phu. Trưa là thời khắc thiêng, lúc thần Pan nghỉ ngơi - theo thần thoại Hy Lạp.

F.I.Tyutchev (1803 - 1873)
Ngựa biển 
Ôi chiến mã hăng say, ôi ngựa biển,
Với cái bờm tai tái, xanh xanh,
Con ngựa đã thuần, âu yếm, hiền lành,
Con ngựa vốn cuồng điên - nghịch ngợm!
Bằng gió vút ngang tàng, ngươi đã được chăm nuôi
Trên cánh đồng mênh mông Thiên Thượng;
Lướt chồm đi, gió đã dạy cho ngươi,
Biết đùa giỡn, nhảy phốc lên tùy thích!

Ta yêu ngươi, khi ngươi lao vùn vụt,
Sức thanh xuân kiêu hãnh, ngập tràn,
Cái bờm dày xù ra rậm rạp
Cả thân mình đẫm bọt mồ hôi,
Yêu bước chạy dồn bờ như gió bão,
Tiếng hý ran, vun vút ngươi phi,
Móng ngươi đạp vào dải bờ vang động
Làm vỡ tung muôn bụi nước mờ!...
(1830)
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
F.I.Tyutchev (1803 - 1873)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO