Gió đồng xa ngái

Nguyễn Xuân Hòa| 07/08/2018 07:54

Dừng xe máy, Lài tần ngần đứng trước cổng một chút mới dám cất tiếng gọi. Rồi bấm còi xe. Trong nhà tiếng ti vi hơi to nên mãi mới có tiếng đàn ông khàn khàn vừa ho vừa nói vọng ra: - Ai gọi gì đấy, hở!

Thế rồi vài phút sau mới có bóng đàn bà lạch xạch ra mở cổng. Cô ta nheo mắt vì nắng. Lài phải bỏ mũ với khẩu trang và cười cười:

- Cô Thêu! Chị Lài đây, cô nhận ra chưa?

- À có phải lúc sáng bác gọi điện cho em đấy không?

- Đúng. Chị hẹn với cô, nhờ cô giúp cho cái việc ấy đấy.

- Chị vào uống nước. Mà nhà em nó vẫn đang lăn tăn chưa quyết đâu…

- Thôi. Cô chú thương chị, cố giúp chị với…

Lài ngó quanh. Nhà mái bằng ba gian ngoài, căn buồng lên được tầng hai. Sân trị xi măng khá rộng, nhà làm ruộng có cái sân phải ngon nghẻ để mà phơi phóng. Xung quanh sân có dăm cây cảnh lớn bé. Khu phụ kia nhìn là biết có nuôi lợn, mùi cám nồng nồng. Đằng sau là ao nhỏ thấp thoáng mấy con vịt trắng bơi bơi. Chà, đầy đủ quá! Ngày trước Lài cũng chỉ mong có cơ ngơi gần bằng thế này thôi. Làm ruộng, nấu rượu hoặc xay đậu phụ, cám bã dành nuôi cho vài con nái sề, dăm con lợn bột. Rau xanh ăn quanh năm. Gà vịt dành cho giỗ tết và cải thiện dần. Vợ chồng cứ túc tắc như thế cũng đủ ăn và đóng học cho con. Dư ra thì dành dụm sau năm mười năm cũng có gian cửa, gian nhà, cũng đồ đạc như ai. Đời người cũng đến thế mà thôi…

Gió đồng xa ngái
Minh họa của Phạm Nghĩa
Vậy mà ai biết nắm tay hết ngày tới sáng. Lài được các chị bên ngoại rủ vào nội đô buôn thịt lợn, ngồi xe khách sáng sớm đi, chiều về. Thu nhập cũng khá lại đều như vắt chanh. Bán dần cũng quen, thợ mổ từ nửa đêm, pha thịt sẵn, chị em đi chợ liệu sức bán mà lấy hàng. Tim, bồ dục, chân giò, mông, sườn… được sửa soạn đâu vào đấy, lên xe ngồi ngủ thêm một giấc là đến chợ. Thế mà cũng gần chục năm dao thớt cân kéo, ngửi đâu cũng mùi mỡ lợn… Có ít vốn rồi, Lài quyết định chuyển hướng làm ăn chứ chợ búa giờ cũng đông người đi lắm. Đi cả ngày bỏ con ở nhà cũng tội. Lài bàn với chồng xây cửa hàng và mở đại lý tạp hóa bán tại nhà mấy năm nay…

***

Chồng Thêu nhả khói thuốc lào mù mịt làm Lài theo phản ứng vội xua nhẹ tay. Anh ta rề rà cất tiếng: 

- Nói thật với bác, làm ăn nó khó khăn lắm, bác không hiểu cái khó, cái khổ bây giờ đâu…

Lài đỡ lời:

- Chị cũng làm ruộng mãi rồi, chú ạ…

- Các bác bây giờ sướng nhất, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Em tính bác nghe, sào ruộng được hai tạ, gọi cho giá thóc sáu mươi là triệu hai. Bác có biết ngày cao điểm, thuê công cấy mất ba trăm, gặt hai trăm bạc là đi tong một tạ. Công cày bừa một trăm, giống vốn phân gio rồi thuốc sâu thuốc bọ, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt ốc bươu vàng mất hơn hai trăm. Bốn tháng một sào ruộng lãi được trăm bạc, không bằng người ta đi chợ một ngày. Ấy là giời thương cho ăn cả thì coi như lấy công làm lãi. Nhỡ mà bão gió với sâu bệnh thì chỉ có nước lỗ chỏng vó, cắt rạ về mà ăn.

Thêu cũng nhanh miệng chen vào:

- Thế mình quên các khoản phải đóng cho hợp tác à. Họ cũng bổ đầu theo sào mà thu đấy. Sơ sơ cũng hai mươi cân chứ ít à. 

Chồng Thêu gật gù: 

- Khoản ấy còn tùy xã thu thêm nhiều hay ít nữa. Không phải hai mươi đâu, mẹ mày nhầm. Vụ trước là hai hai cân rưỡi, tôi vẫn nhớ.  

Lài cảm thấy sốt ruột:

- Thôi. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Nhà chị neo người, anh ấy thì cứ mải đi làm thợ biền biệt. Các cháu thì đi học sáng, học chiều. Chị nhờ cô chú là nhờ về lâu về dài, cô chú cố gắng nhận cho chị, chị chẳng để cô chú thiệt đâu. Có bốn sào ở đồng Lé, chỗ ấy ruộng sâu lại gần bờ, cấy gặt đều tiện cả…

Chồng Thêu lại vê vê điếu thuốc:

- Kể ra vụ trước bác bảo thì được, chứ vụ này em cũng nhận làm cho mấy nhà toàn anh em, không chối được. Bây giờ mình nhà em đã hai mẫu rưỡi rồi, làm làm sao xuể… Thế ý mẹ mày thế nào?

Thêu đưa mắt nhìn chồng rồi liếc sang Lài nói nước đôi:

- Em thì thế nào cũng được. Cố thêm thì cố cũng một công làm. Cái The nhà bên nó chỉ đi cấy thuê mỗi vụ dăm công cũng đủ tiền đong thóc ăn cả năm đấy.

Lài cất tiếng:

- Thôi thế này nhá. Chị đồng ý hỗ trợ cô chú với cái giá cô chú bảo hôm nọ, mỗi sào hai trăm rưỡi một vụ. Bốn sào chẵn một triệu. Năm nay chị gửi luôn hai vụ hai triệu tiền tươi. Hôm nay chị mang sẵn tiền đây...

Chồng Thêu đang cầm chén nước lại đặt xuống và hất hàm ra hiệu với vợ:

- Mẹ mày có nhận cho bác thì nhận đi. Đến lúc không làm được thì đừng có kêu.

Thêu miễn cưỡng: 

- Thôi, chúng em cố vậy. Cũng là giúp bác thôi chứ nhà em cũng ối việc. Sang năm mà công cán với phân gio nó lên thì bác cho em xin thêm năm chục một sào.

 Lài cười:

- Cô cứ yên tâm. Gái có công chồng nào nỡ phụ.

Lài mở túi xách lấy ra tờ giấy đánh máy sẵn:

- Hì hì. Tính chị làm gì cũng phải cẩn thận. Cô chú cho chị xin chữ ký vào đây cho chị yên tâm. Đây nhé, chị đọc qua cô chú nghe: 

GIẤY THỎA THUẬN

Tôi là… thỏa thuận cấy lúa trên đất nông nghiệp của chị Lài 4 sào ruộng ở đồng Lé và được sử dụng toàn bộ số thóc thu được. 

Chị Lài cam kết hỗ trợ công cày cấy số tiền là…/ sào/ vụ…

Tôi cam kết không để ruộng bỏ không cả hai vụ lúa. Nếu không sẽ phải đền bù tiền hỗ trợ.

Làng Đồng Chiêm, 

ngày…  tháng…  năm…

Chồng Thêu nghe xong giãn nét mặt, lại quay miệng nhả khói:

- Có thế thôi à. Ký được mẹ mày ạ. Chả chết trâu đâu mà sợ.

Lài nhắc thêm:

- Em ký và ghi cho chị là đã nhận đủ hai triệu đồng nhé! Sang năm chị gửi tiếp. Nếu trượt giá, chị bù. Đến bao giờ chị lấy lại ruộng thì chị báo trước một vụ. Mà biết đến bao giờ nhỉ. Cô chú cứ làm thoải mái…

Thêu cũng thũng thẵng:

- Em cũng cứ nhận năm một thôi. Không ôm được việc. Có ai nhận làm mà chỉ phải hỗ trợ ít ít thôi thì bác cứ báo, em trả ruộng ngay.  

Khi Lài về rồi, chồng Thêu bảo vợ:

- Ruộng nhà Lài sâu lắm, chỗ ấy tôi biết. Nếu mình bận chỉ cần cấy một vụ thôi, gặt xong cứ để cho nó ra lúa chét, mình cắt về cho vịt. Mà lúa chét mới là lúa sạch, chả có thuốc sâu thuốc bọ gì…

Thêu hấp háy đôi mắt:

- Thế là nhà mình ăn ra một triệu à? Bố mày chỉ khôn…

***
Ra khỏi nhà Thêu, Lài thấy nhẹ người. Thế là rảnh tay để toàn tâm toàn ý với cái cửa hàng tạp hóa. Có đám ruộng, mười năm trước Lài bận đi chợ nên cho người ta cấy mỗi sào họ trả 50 cân thóc, thế rồi theo thời gian cứ giảm dần, giảm dần. Bốn năm trước là cho cấy không lấy hạt nào, vậy mà đầu năm nay, nhà người ta cũng trả lại. Nhiều nhà chỉ cấy ruộng của họ lấy đủ gạo ăn, đi làm thuê vài ngày là được tạ thóc rồi, cấy ruộng công rẻ mạt và đầy rủi ro, chẳng ai tha thiết nữa. Lài đã phải đánh tiếng các thêm tiền để họ làm, vậy mà hàng xóm không nhận, đành phải lặn lội xuống làng dưới tìm Thêu. Cũng may, Lài tự nhủ, nếu lên xã trên thì mất những ba trăm ngàn một sào. Xót ruột.

Lối về, Lài đi qua con đường đê quen thuộc, cỏ vẫn xanh tràn trề đến não nùng nhưng sao thỉnh thoảng có đoạn đầy cây cứt lợn khô úa, tưởng như châm cho tí lửa là cháy bùng bùng. À! Lài chợt hiểu, dân phun thuốc diệt cỏ cho lúa, pha thừa nên họ phun nốt vào đây. 

Gió và gió vẫn thổi mải miết mơn man trên má, trên tóc Lài. Gió có còn thơm như thời con gái Lài và cha mẹ, anh em, bạn bè lặn lội ngoài đồng. Ruộng ông bà được chia, rồi gộp vào hợp tác, đến thời bố mẹ Lài làm khoán, lại chia về cho các hộ. Thỉnh thoảng, Lài vẫn gặp ruộng đồng giữa những cơn mơ… Gió thổi hàng phi lao vi vút. Làm cỏ về mang theo xâu cá rô. Vụ cấy, vụ gặt đồng vui như hội. Con gái lội ruộng bắp chân tròn lẳn, da vẫn trắng hồng. Bữa trưa, Lài mang cơm cho mẹ, hai mẹ con ăn ngay ngoài đồng, khát, uống nước rãnh cày được. Móng chân ai cũng óng vàng vì màu của ruộng. Những vụ mất mùa thẫn thờ, đau xót… Cả làng, cả xã vui buồn, sướng khổ vì cây lúa. Gặt về… mùi cơm gạo mới thơm ứa nước mắt… 

Về tới nhà, con gái của Lài ngồi trên giường vừa tô móng chân xanh xanh đỏ đỏ vừa bấm điện thoại. Lài định mắng con rằng, ngày xưa bằng mày, mẹ đã là lao động chính làm gần mẫu ruộng, xong lại thôi. Hỏi, nấu cơm chưa? Nó bảo, nhà hết gạo, con ăn mì rồi. 

Lài cũng giật mình. Chết chửa, gạo hết mà mình không biết. Nhà đại lý bán hàng trăm thứ, chỉ có gạo là không. Lâu lắm toàn ăn gạo đong, không có hạt thóc nào trong nhà. Bỗng chốc, Lài thở dài cái thượt…

Con bé mắt không rời màn hình, nó bảo:

- Mẹ khôn thế! Không phải làm ruộng nữa. Mà mẹ nhớ giữ ruộng cho con như đã hứa nhé. Ruộng không cấy là hợp tác người ta thu lại phải không mẹ? Bạn trai con nói, mấy năm nữa có “dự án” về đấy mẹ ạ… khéo nhà mình được đền bù tiền tỉ. 

Lài hấm hứ với con, có tiền tỉ mà không nghề ngỗng, không biết tính toán làm ăn thì tiêu cũng hết, con ạ. Mùi sơn móng chân hăng hắc… Lài đi lên tầng hai, mở cửa sổ, cố nhìn ra xa… thật xa… như tìm cái gì đó… Làng bây giờ quá nhiều nhà cao, cổng sắt, tường chắn. Lài không chắc gió đồng mướt mát của một thời có còn len lỏi được tới đây không… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Gió đồng xa ngái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO