Hà Nội của tôi

nhipspnghanoi| 06/07/2020 06:08

Năm 1983, tôi về Hà Nội học rồi nấn ná ở lại, như bao người ngoại tỉnh vẫn thường làm vậy. Khi móng chân chưa hết váng phèn, áo quần dù cố đóng bộ cho giống người Hà Nội nhưng lòng vẫn đầy mặc cảm nhà quê như từng viết trong một bài báo Tết: “Hà Nội bao nhiêu là to đẹp, nhưng không phải của mình. Hà Nội không phải là cái bánh chưng để tôi cắt lấy một góc gửi về biếu quê nhà lam lũ”. Giờ ngẫm lại mới thấy đó là tâm lý “ăn nhờ, ở đậu”. Với niềm mong mỏi mọi người hãy sống trách nhiệm với nơi mình đang sống để

Hà Nội của tôi
Cầu Long Biên ở Hà Nội đã hơn một trăm tuổi. Ảnh: Thu Hà

Những chuyển động nghìn năm

Có một sự thật là đã gần 38 năm làm cư dân Thủ đô nhưng tôi vẫn chưa thật hiểu Hà Nội. Hà Nội với một bề sâu ký ức ngàn năm, 38 năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử, nhưng chắc chắn đó là khoảng Hà Nội chuyển động nhanh nhất, khác trước nhất.

Nhận định ấy tôi có được nhân một lần đến chung cư MIPEC Long Biên. Từ tầng cao nhìn xuống chợt thấy sông Hồng không những tạo nên Hà Nội mà còn tự nắn chuyển dòng để bảo vệ vùng đất này không xói lở. Đúng hơn là sông Hồng và “con” của nó là sông Tô Lịch đã sinh ra Hà Nội, nuôi dưỡng Hà Nội. Mẹ thì ôm trọn Hà Nội vào lòng, bao bọc, tạo thành thế phong thủy “hoàng long ấp noãn”. Chợt thấy câu “cho muôn đời con cháu” trong Chiếu dời đô là có cơ sở khoa học, dù xưa nay lập ngôn vốn là việc khó, cực khó.

Bữa đó tôi đi nhờ thang máy lên sân thượng. Nhìn về phía Tây Thủ đô, theo phong thủy, hướng Tây - Tây Bắc là vượng địa, quả nhiên các khu đô thị hiện đại nhiều không đếm xuể, tất cả đều rất đẹp. Ngay gần tòa nhà nơi tôi đứng, cây cầu Long Biên hơn trăm tuổi sau cả ngàn vạn năm đò giang cách trở mới có, thế nhưng chỉ trong nửa thế kỷ qua Hà Nội đã có thêm 8 cầu bắc qua sông Hồng. Và, Hà Nội đang chuẩn bị khởi công nhiều cây cầu nữa, để đến năm 2030 Thủ đô sẽ có tổng cộng 18 cây cầu vượt sông nhằm kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cách đây vài chục năm, khi cầu Thăng Long mới khánh thành nhưng ít xe đi qua, có nhà thơ viết tùy bút Thời sự hè 1986 giễu nó, ví nó với chiếc quạt, cái tủ lạnh con gái một lão nông đi xuất khẩu lao động gửi về biếu bố trong lúc thôn quê chưa có điện... Trước đó gần 8 thập kỷ, khi người Pháp lập dự án xây cầu Sông Cái (cầu Paul Doumer, tức cầu Long Biên), báo chí cũng đã giễu: “Con sông Hồng hùng vĩ của chúng tôi không phải như con sông Seine dễ bảo nhà các ông; ngay mùa lũ đầu tiên, nó sẽ cuốn phăng dự kiến điên rồ của các ông đổ ra biển, không đợi đến mùa lũ năm sau”.

Kinh nghiệm phát triển của Hà Nội đã chỉ ra: Thuận theo quy luật, thuận theo lập ngôn sau khi đã cân nhắc sở cứ như vua Lý Thái Tổ và vì cái chung “cho muôn đời con cháu” thì cứ vững tâm mà làm. Ấy là phép không thuận mà thuận vậy!

Chờ một viên đá chốt vòm

Năm 2004, khi sang Thái Lan, tôi đã ngộp trước những cây cầu vượt, cầu trên cầu, đường trên đường, vậy mà vẫn ách tắc. Chỉ vài năm sau, Hà Nội đã từ một thành phố xe đạp đến thành phố của xe máy giờ thì đến của ô tô và cũng ách tắc, như Thái Lan năm nào.

Trong những lúc ùn tắc, tai lại nghe những lời càu nhàu về lòng tham tiền, bắt đất đẻ thêm vàng cho nhà đầu tư. Quy hoạch cũ của Hà Nội chỉ cho vài triệu dân (năm 1954 dân số Hà Nội mới có 375.000 người), đường “tám thước” đã “thênh thang”, giờ nhà cao tầng mọc như nấm ngay giữa khu phố cổ, đường sá toàn ô tô, xe máy cá nhân. Bức xúc, ngột ngạt khói xăng và bụi mịn... Than thì cứ than nhưng biết rằng xoay chuyển ngay là chuyện khó, bởi “lợi nhuận” là mục đích của nhà đầu tư, trong khi ta chưa đủ chế tài mạnh để thắt bớt túi tham của họ. Nhưng ngược lại, chính sự ách tắc, khói xăng, bụi mịn đã thúc đẩy khả năng quản lý, quản trị thành phố.

Hệ thống thúc đẩy ấy có cái hay là nó tạo sức ép, tạo nên thế không thể khác của Hà Nội. Đó là làm cầu vượt, cầu cạn, đường trên cao và đường ngầm dưới đất. Nhìn từ trên cao, thấy những con rồng bê tông bay là là sát đất, thỉnh thoảng lượn, uốn cong thân lên và có chỗ thì vút bay lên sát tận tầng mây - ấy là các tòa nhà chọc trời. Thấy Hà Nội đúng là rồng bay! Nhưng cũng có cảm giác có gì đó sai sai. Chỗ này đặc Hàn, chỗ kia Singapore, rồi châu Âu... Có cảm giác các tòa chung cư, khu đô thị của Hà Nội như một cuộc họp quốc tế, trong hội trường rộng ai cũng nói to và nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Có lẽ lỗi một phần do Hà Nội giàu phẩm chất dung nhận. Trong hơn một nghìn năm, Hà Nội hút vào nó tinh hoa của cả nước, những làng nghề, thợ thủ công giỏi nhất và cả giới nhân sĩ, trí thức tạo nên một đẳng cấp sĩ phu Bắc Hà. Nhưng bản tính dung nhận thì kéo theo sự dễ dãi. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hàng triệu người từ khắp nẻo đổ về Thủ đô kiếm cơm ăn việc làm. Hà Nội đón nhận tất, không tính toán thiệt hơn. Và đương nhiên lỗi chủ quan thuộc về những người có trách nhiệm quy hoạch, quản trị thành phố.

Trong 38 năm làm cư dân Hà Nội, tôi “ở trọ” 18 năm, gọi là thời “hộ khẩu KT”. Đó là khoảng thời gian Hà Nội cũng như cả nước khó khăn mọi bề.

Khi đã mang tâm lý “ở trọ”, người ta chỉ biết sạch nhà mình, lợi cho mình, mặc kệ cái nhếch nhác chung. Trong thời “nhà tự quản, xây dựng không phép, phạt cho tồn tại”, tôi đã xây mấy căn nhà chỉ 25-35m2 bằng vật liệu chắp vá. Cùng với các căn hộ tập thể hay biệt thự cũ xây dựng ban đầu cho dăm người ở, sau ngăn thành mươi căn hộ cho vài chục người cư ngụ, phải cơi nới "chuồng cọp”, xây đua thêm phòng bít diện tích chung, tôi đã góp phần tạo nên cái nhếch nhác chung của Hà Nội. Những “hộp ở” như thế nay vẫn tồn tại như để đánh dấu một thời bao cấp khó khăn.

Phải nhắc lại thế để nói rõ suy nghĩ của mình về nhận xét chưa có ngôn ngữ kiến trúc của một Hà Nội phát triển. Nhưng cũng chưa dám chắc nhận xét ấy là đúng. Rất có thể ngôn ngữ kiến trúc của thành phố hiện đại là triệt để tôn trọng cá tính sáng tạo của nhà tư vấn thiết kế, nhà đầu tư, để Hà Nội trở nên phong phú, đa dạng, thành những vẻ đẹp không ngắm xuể thì sao?

Nhưng có điều này là chắc chắn: Để xây mái vòm (đình, chùa ở ta xưa nay vẫn làm) thì người thợ phải xây cuốn từ hai bên, từng viên từng viên một, đến viên gạch cuối cùng chèn vào giữa thì lập tức mái vòm trở nên vững chãi, tháo ngay cốp pha cũng không suy chuyển gì. Dân kiến trúc gọi viên gạch, viên đá cuối cùng ấy là “chốt vòm”. Vâng, Hà Nội sẽ còn phát triển nữa, Hà Nội như mái vòm chưa đặt viên đá chốt. Những bức xúc ngột ngạt tiếng ồn và bụi mịn là cái giá phải trả cho một Hà Nội to đẹp, rộng rãi hơn. Khi đặt xong viên đá chốt vòm, Hà Nội chắc chắn sẽ có linh hồn và vẻ đẹp bền vững.   

(Còn nữa)

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO