Hà Nội, mùa thu và hoa cúc

Giang Hiền Sơn| 11/09/2017 11:48

Vẫn biết mùa thu và hoa cúc là một cặp sóng đôi. Tạo hóa sinh ra vốn đã như vậy, chẳng thể nào tách rời nhau được. Thu sang, đất trời Hà Nội lại rạng ngời, duyên dáng đáng yêu bởi sắc vàng tươi của màu hoa cúc. Với màu vàng hoang hoải cố hữu của đất trời, tiết thu như thể làm nền để tôn nâng cái vẻ đẹp quyến rũ xốn xang đang dâng lên trong sắc vàng sánh quyện của hoa cúc. Sắc vàng ấy trên đất Thăng Long đã làm đắm say, mê mẩn biết bao người.

Hà Nội, mùa thu và hoa cúc

Không biết có phải vì yêu Hà Nội hay không mà tôi thấy chẳng có nơi đâu lại có được mùa thu đẹp như mùa thu ở Hà Nội.

Này nhé, một sớm mai thức dậy, bước chân xuống phố trong tiết trời se lạnh của những làn gió heo may bạn sẽ thấy trên những vỉa hè và con đường phía trước lá rơi rải như một tấm thảm dát vàng lung linh cùng hương hoa sữa vấn vương như thể níu những bước chân qua.

Chưa hết, khi hơi sương còn đang chùng chình ngang qua các lối ngõ, đi dưới những hàng cây trên các tuyến đường của nội đô cổ kính bạn sẽ thấy không gian của phố phường ánh lên những sắc bình minh vàng như giọt mật xiên qua từng kẽ lá, nhuộm vàng những mái ngói thâm nâu, hòa cùng sắc vàng tươi của muôn vàn bông cúc trên những xe hoa từ muôn ngả đường của ngoại thành ùa vào trong phố.

Sắc thu hòa vào hoa cúc như thế đẹp đến nao lòng. Ngắm nhìn trời thu Hà Nội như thế hẳn sẽ có không ít người không khỏi ngỡ ngàng thích thú khi nhận ra những bông cúc bình dị thường ngày kia nay đã đem đến, tô điểm cho Hà thành một sắc vàng mê mải đầy quyến rũ.  

Hoa cúc không phải chỉ có ở nước Việt, của riêng Hà Nội. Nhưng với người Việt Nam nói chung và đặc biệt là người Hà Nội nói riêng thì hoa cúc là một loại hoa vốn đã quen thuộc từ rất lâu đời và có một đời sống văn hoá rất riêng mà không phải hoa nào cũng có được.

Từ xa xưa các nho gia đã sớm nhận ra ở hoa cúc cái tiết thanh tao, chính trực, kiên trung của bậc quân tử: “diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”.

Đúng thế, hẳn là ai đã chơi hoa cúc dù một lần cũng sẽ thấy hoa rất bền, có khi tàn hoa nhưng lá vẫn không rời cành, cánh hoa vẫn không rơi rụng xuống đất, chỉ khô héo và gục rũ trên thân.

Phải chăng hoa cúc nở và rất đẹp vào mùa thu cùng với hình ảnh hoa lá không chịu rời cành ấy nên các cụ nhà ta khi xưa đã nhìn thấy sức mạnh vượt trội của của nàng công chúa mùa thu này để hết lời ca ngợi và đồng thời cũng gửi gắm, kí thác vào đó ít nhiều những tâm sự, cốt cách của chính mình: “Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm/  Có mấy bầu sương nhuỵ mới đâm/ Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn/ Cho hay thu muộn tiết càng thơm” (Cúc - Nguyễn Trãi).

Mùa thu có nắng vàng rất đẹp nhưng không phải là tiết trời thuận lợi cho cây cỏ, hoa lá phát triển. Theo cái vòng tuần hoàn “xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng” thì rõ ràng cây và mùa đều có những qui luật sinh tồn theo lẽ tự nhiên. Đa phần cây cỏ đều phát tiết nở hoa vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, trái chín vào mùa thu và nghỉ ngơi tránh rét, ủ mầm cho một mùa mới vào mùa đông.

Hoa cúc bất tuân cái qui luật ấy: “Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!/ Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi/ Tháng rét một mình, thưa bóng bạn/ Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai/ Nhấp nhô lưng giậu xanh chồi trúc/ Óng ả đầu hiên mướt ngọn mai” (Vịnh hoa cúc – Nguyễn Khuyến).

Hoa cúc nở vào mùa thu, rực rỡ nhất vào mùa thu. Nhìn những bông cúc vàng tươi mẫm bóng, duyên dáng trong sắc trời vàng óng ả cùng với muôn lá vàng bay ta thấy dường như tất cả đất trời với muôn sắc thu đang ngưng kết lại trong từng bông cúc.

Bởi thế ta cũng không phải ngạc nhiên lắm khi có nhà thơ thốt lên rằng "Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vào hoa cúc …" (Thư tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh).

Cái dáng vẻ kiên trung và sắc vàng duyên dáng thắm tươi như thế nên bao đời nay hoa cúc được người người yêu quý, trọng dụng. Cúc dâng lên thần thánh, tổ tiên. Cúc làm thuốc trị bệnh giúp người. Cúc cắm trong bình trưng bày tỏa sáng không gian làm sang trọng cho các thư phòng. Cúc ngâm rượu, ướp trà làm tăng thêm tình tri kỷ... 

Nét đẹp của hoa cúc có người nói như gương mặt của người thiếu nữ, tươi tắn, duyên dáng, sáng ngời nhưng không kém phần thánh thiện, đằm thắm. Những nụ hoa mập mạp, chúm chím hay bông hoa mới nở tròn xoe, rạng rỡ trên cành lá xanh thẫm, nhìn thấy sự giản dị nhưng không kém phần đài các, kiêu sa. Cái cây cành xanh thẫm cứng cáp thẳng đứng lại cho hoa lá mềm mại vàng tươi, trông rất quê kiểng nhưng cũng không kém vẻ duyên dáng, yêu kiều.

Bây giờ hoa cúc có mặt suốt bốn mùa nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là hoa cúc của mùa thu. Trong sắc mùa thu, màu hoa cúc như được cộng hưởng thêm bởi những ánh vàng của đất trời cây lá. Dường như chút nắng vàng của những ngày cuối hạ đang được tạo hoá gom hết lại chuyển vào thanh sắc của cúc hoa?

Những bông hoa cúc hàm tiếu với muôn cánh vàng tươi mềm mại, cúp cong tròn xoe như núm đồng tiền trên má người thiếu nữ nhẹ nhàng thoảng hương hắc nồng ngai ngái đủ để làm say sưa đất trời, bỏ bùa mê cho người đi trên phố.

Thế đấy, “mùa thu vào hoa cúc” đã làm say lòng người. Sự quyến rũ của sắc vàng hoa cúc hòa cùng cái diệu ảo của hương sắc trời thu Hà Nội đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người lữ khách khi một lần ngang phố.  
Bài liên quan
  • "Làng rắn Lệ Mật" chính thức trở thành điểm du lịch cấp thành phố Hà Nội
    Tối 26-4, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng; khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thương mại - Làng nghề gắn với Lễ hội truyền thống đình làng Lệ Mật, thiết thực chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội, mùa thu và hoa cúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO