Hà Nội trong thơ Trần Kim Hoa

HNMCT| 23/11/2020 20:58

Nhà thơ là người gọi dậy tâm hồn mình, nên với thơ, gần như ta có cơ hội thấy được sự thăng hoa nhất trong tâm hồn nhà thơ. Là một người viết tinh tế, nhà thơ Trần Kim Hoa đã khắc họa một thế giới thơ ca đặc sắc, bắt đầu từ thế giới của thực tại trong những bài thơ về Hà Nội. Đó là một Hà Nội rất riêng, một Hà Nội khiến ta nao lòng: “Hà Nội gió mùa đông bắc/ những con phố phong phanh/ ta và em như khăn mỏng”.

Đã có rất nhiều nhà thơ viết về Hà Nội, nhưng đến lượt mình, Trần Kim Hoa không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai, Hà Nội trong thơ chị như những bức tranh được vẽ từ những mảnh ký ức đẹp đẽ nhất, lay động nhất:“chầm chậm xích lô hoa/ và em bước xuống từ bức tranh huệ trắng/ áo dài thêu bông cỏ may/ gót lụa thấp thoáng chiều dĩ vãng/ nhẹ nhõm cây tì bà”. Thơ Trần Kim Hoa mới lạ đến hư ảo, khởi từ sự liên tưởng tài hoa, những hình ảnh được chắt lọc, ngôn ngữ tinh nhạy, nhà thơ nhẹ nhàng cuốn hút ta vào vẻ đẹp mê đắm của Hà Nội. 

Cái mới lạ của thơ chị đã đánh thức được tri giác và tâm thức người đọc; thơ chị gọi dậy những điều cố hữu cũ xưa đến mức ta tưởng như nó không hiện hữu hoặc hiện hữu đó mà ta không thấy được, cho đến khi thơ lên tiếng: “của tôi một ngày thương nhớ/ Hà Nội xênh xang phố phường/ Hàng Đào đỏ bừng đôi má/ Hàng Lược chải mái tóc mây/ của tôi triền đê chớm nắng/ ngô xanh rẽ lá thu về/ phù sa như làn da mịn/ con đò buông bút bên sông”.

Có những sự khám phá trong thơ chị làm ta như “lịm” đi bởi sự sâu lắng, Hà Nội như một giấc mơ dài hàng nghìn năm bởi những hình ảnh sống động mà tĩnh lặng như thể được chuốt từ tinh hoa kinh kỳ: “cửa ô trầm ngâm choàng khăn rêu cũ/ phố Phái xô lệch hoàng hôn/ ly cà phê khuấy chậm/ giọt thời gian rơi bạc tháp đồng hồ/ chuỗi cườm sáng ngoại ô nhẫn nại/ Hà Nội trổ cầu vào nghìn năm/ chảy về đông dòng phù sa nghìn tuổi/ ngô non phơ phất nhớ nguồn”. Vì sao Trần Kim Hoa có thể gọi ra được hồn của Hà Nội một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng đến vậy, chỉ có thể lý giải điều này bằng sự vượt thoát của thơ ca.

Nghệ thuật làm thơ chính là một phép biến hóa khôn lường, mà ở đó nhà thơ có thể dẫn ta đến những ý nghĩ, những chân trời không thể biết. Sống ở Hà Nội nhiều năm hay một đời đi nữa thì người ta vẫn có thể rất đỗi ngạc nhiên trước một Hà Nội trong thơ của Trần Kim Hoa: “Hà Nội tôi mơ/ cá lội bến trong, phù sa bến đục/ phố, làng kề vai/ bách thảo trút vàng ngày cũ...”“phố làng bụi đỏ/ lá non trăng tháng giêng/ cành sen ướp gió Tây Hồ/ vuông lụa người xinh dệt lúc sang canh”.

Không sinh ra ở Hà Nội nhưng Trần Kim Hoa là người sống ở Hà Nội và chứng kiến sự biến chuyển, xê dịch của Hà Nội. Và trong muôn hình vạn trạng của Hà Nội, giữa cũ và mới, giữa phố và làng, giữa ồn ào và thinh lặng, giữa tung hê và kín đáo, giữa được và mất..., Trần Kim Hoa đã chọn cho mình một Hà Nội của những giá trị mãi mãi thuộc về sự bất biến, cho dẫu đó là những hình ảnh của thoáng qua, của khoảnh khắc, hay của chìm khuất mà con - mắt - thơ của chị đã soi vào: “phố cổ không quen kín cổng cao tường/ tầm xuân bồn chồn nụ đỏ/ chị hàng hoa gánh hoa ngang qua phố hoa”.

Có những điều ai cũng nhìn thấy nhưng chỉ nhà thơ mới là người gọi ra được chính xác. Chất thi sĩ của Trần Kim Hoa là điều mà ta có thể cảm thấy qua mỗi câu thơ chị viết. Không làm dáng, không điểm phấn tô son, bằng lối viết giản dị nhưng thơ chị vẫn mang đến những cảm nhận mới mẻ, điều này quả thực không nhiều người viết làm được. “Hà Nội gió mùa đông bắc về/ phố chưa kịp trở vàng/ ai đó vừa thốt lời yêu đã vội vã chia tay/ những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ/ như tấm áo phù dung/ sắp sửa tuột khỏi bờ vai thiếu phụ...”. Cũng như vẻ đẹp của Hà Nội không đến từ những xa hoa, hào nhoáng vậy, mà đó là vẻ đẹp của sâu xa những tầng vỉa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật bao đời.

Và cho dẫu Hà Nội đã khác, đang khác và rồi đây sẽ khác nhưng tôi tin thơ ca sẽ còn giữ lại những gì vốn dĩ thuộc về Hà Nội từ bao đời nay: “Hà Nội đầu thế kỷ hai mốt/ như người đẹp bước ra từ tiệm làm đầu/ tóc nhiều màu song mắt cứ là đen...”. Vâng, đó là tâm hồn Hà Nội mà bao đời vẫn giữ. Những bài thơ viết về Hà Nội của Trần Kim Hoa cũng thấm đẫm một tâm hồn Hà Nội như thế.

Nhà thơ Trần Kim Hoa sinh năm 1966 tại Hà Tĩnh. Chị đã xuất bản các tập thơ: Nơi em về (1990), Quá khứ chân thành (1998), Lối tầm xuân (2003), Họa mi năm ngoái (2006). Bên trời là tập thơ mới nhất của chị vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong thơ Trần Kim Hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO