Hàng vạn người đổ về Nam Định dự lễ Khai ấn đền Trần

Đăng Chung| 02/03/2018 07:28

Lễ Khai ấn đêm 1/3/2018 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định, Nam Định), lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2018 đã thu hút hàng vạn du khách thập phương về dự.

Lễ Khai ấn đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần  (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho quốc thái dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn của đền Trần "Tích Phúc Vô Cương"; mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Hàng vạn du khách về dự lễ hội khai ấn đền Trần 2018
Hàng vạn du khách và nhân dân địa phương dự và dâng hương Khai ấn đền Trần 2018 (Ảnh: Đăng Chung).

Lễ Khai ấn đền Trần là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông sau đó, Lễ Khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Thiên Trường không phải là Kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc Khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một "Thủ đô kháng chiến" theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường... Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là "Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng...".
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Và từ đây, Lễ Khai ấn vào giờ Tý ngày Rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Tại đền Cố Trạch các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau đó tham dự buổi lễ Khai ấn đầu năm. Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “Trần Triều Tự Điển, Tích phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Lễ Khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay, xong về hình thức nghi lễ có đơn giản hơn trước đây.

Ngày nay, việc làm này không chỉ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương Triều Trần đã có công dựng nước, giữ nước và khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi và giữ nước Đại Việt, với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên  - Mông. 

Lễ Khai ấn đền Trần năm nay đã diễn ra trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; đúng các quy định. Ngay sau lễ Khai ấn, hàng nghìn người dân và du khách thập phương vào dâng hương tại đền Trần khiến mọi lối vào đền đều chật cứng.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Trung tá Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nam Định cho biết, phòng CSGT chủ động xây dựng phương án riêng phân luồng đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, quốc lộ chính đi lễ hội, đồng thời xây dựng phương án phân luồng các phương tiện vận tải lớn, tuyến xe khách cố định đi qua khu vực đền Trần.

"Các phương tiện giao thông qua QL 10 di chuyển đi theo hướng ngã tư Big C, Cầu vượt Lộc Hòa, Cầu vượt Lộc An, đường Lê Đức Thọ, QL21B (đoạn mới thông tuyến S2), Cầu Tân Phong và đi ra khu vực Cầu Tân Đệ. Ở các điểm nút giao thông đi các hướng Thái Bình, Ninh Bình và Hà Nội đều có biển chỉ dẫn và lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều hòa giao thông, phân luồng giao thông, không để các phương tiện dừng đỗ dọc đường, kịp thời giải quyết các tình huống xảy ra. Đặc biệt phương án phân luồng để cho mọi hoạt động an toàn, phòng CGGT đã huy động 137 đồng chí bố trí 13 chốt, 3 tổ tuần tra, tổ dẫn đoàn và ứng trực giải quyết tình huống đột xuất..." - Trung tá Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội Khai ấn đền Trần 2018, Trung tá Đỗ Phú Khánh – Đội trưởng đội An ninh (Công an thành phố Nam Định) thì cho biết, để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông phòng chống cháy nổ,vệ sinh môi trường... đảm bảo tốt nhất phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội Khai ấn, lực lượng Công an tỉnh Nam Định đã huy động làm phương án gồm 2.084 đồng chí tham gia với 5 vòng bảo vệ, vòng 1 đến vòng 4 gồm 33 chốt đảm bảo ANTT khu vực nội tự đền, vòng 5 gồm 17 chốt phân luồng đảm bảo TT ATGT tuyến QL 10 và các tuyến đường trên địa bàn TP dẫn đoàn TW tỉnh trên đường về dự lễ. Đội quản lí hành chính phối hợp các đội nghiệp vụ công an thành phố phòng PC64, PC66 và công an các phường xã tăng cường kiểm tra tạm trú các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ bình dân tại các phường Cửa Bắc, Lộc Vượng, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Mỹ Xá. Đề nghị phòng Y Tế chuẩn bị 3 xe cứu thương và huy động 20 cán bộ tham gia phương án y tế đeo thẻ phục vụ để tránh trà trộn, bố trí cụ thể 1 ô tô, 5 cán bộ ở ngã ba Trần Tự Khánh – Trần Thừa để đảm bảo tốt an ninh trong dịp khai ấn...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hàng vạn người đổ về Nam Định dự lễ Khai ấn đền Trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO