Hãy về Bo Cúng mà xem

Nguyễn Hòa Bình| 06/06/2017 08:41

Nói đến Thanh Hóa, không ai không nhắc đến bãi biển nổi tiếng Sầm Sơn, các khu du lịch Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, An Tiên, Suối Cá thần Cẩm Lương. Nhưng, có lẽ thật đáng tiếc cho những ai chưa từng một lần được đặt chân đến nhiều vùng đất thuộc miền Tây xứ Thanh, nơi không chỉ in đậm các dấu tích của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, mà còn là nơi khiến sự đam mê du lịch khám phá của bạn luôn đi từ sự thích thú và ngạc nhiên này, đến sự say đắm và ngỡ ngàng khác, trong đó có Động Bo Cúng, thuộc bản Chanh, xã Sơn

Đường về với Bo Cúng hôm nay khá thuận tiện. Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể đi theo đường Hồ Chí Minh tới địa phận huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) là gặp Quốc lộ 217. Chạy dọc Quốc lộ này lên Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, đến Km66 rẽ vào Quốc lộ 16, bạn đã đặt chân đến xã Sơn Thủy, để về với bản Chanh, nơi có dãy Pha Dua cùng  câu chuyện tình huyền thoại đầy cảm động của chàng trai nghèo đất Mường Mìn với cô con gái nhà giàu người Mường Xia, yêu nhau mà không lấy được nhau dã tìm đường lên trời để hóa thân thành hai ngọn núi luôn song hành cùng nhau theo năm tháng. Và, chính trong lòng dãy Pha Dua này, Động Bo Cúng đẹp đến huyền ảo ấy, chắc chắn sẽ khiến một chuyến về miền Tây xứ Thanh của bạn được thỏa mãn đến tận cùng.

Đến Sơn Thủy, bạn sẽ được đi giữa bát ngát xanh của màu rừng, với không chỉ luồng, keo mà là nhiều loại cây gỗ quý khác trong tầng tầng lớp lớp thảm thực vật, để bạn hiểu hơn tình yêu dành cho rừng của người Thái, người Mường đất Quan Sơn, Thanh Hóa.

Hãy về Bo Cúng mà xem
Lối rẽ từ Quốc lộ 16 xuống suối Xia để sang động chỉ chừng mấy trăm mét, nhưng khá dốc và vẫn là đường đất đá. Xuống đến ven suối, bạn sẽ gặp ngay căn nhà sàn được dựng lên làm nơi để khách nghỉ chân và gửi xe cộ trước khi lội suối sang thăm Động.

Suối Xia rộng chừng 20-30 mét, bắt nguồn từ những mạch ngầm trong lòng dãy Pha Dua, nên nước vừa mát lạnh lại vừa trong văn vắt. Vào ngày đẹp trời, con suối khá hiền hòa nên chuyện lội qua cũng không khó khăn gì. Qua suối, ta sẽ gặp ngay ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Lữ Văn Sán, người vừa làm nhiệm vụ bảo vệ động vừa là người đưa đường và hướng dẫn khách vào thăm động.

Lại nói về Động Bo Cúng, theo anh Sán cho biết, vào năm 1984, ông Lương Văn Thương, là người của bản Chanh này, trong một lần đi săn thú đêm, có bắn trúng một con cầy. Con cầy bị thương, nên nó tìm chỗ lẩn trốn kín đáo nhất có thể. Sáng sớm hôm sau, tiếc công rình bắn cả đêm, ông Thương rủ mấy người bạn lần theo vết máu, quyết tìm bằng được con Cầy. Đến bờ dốc rậm rịt những cây, ông phát hiện con Cầy đã chui qua một cửa hang khá nhỏ, để rồi sau khi lách người qua cửa hang ấy, ông và mấy người bạn đi cùng dẫu chỉ đi thêm một đoạn nữa, đã sững sờ trước cái đẹp đến huyền ảo của động này. Và, bao nhiêu năm sau nữa, người Quan Sơn, người Thanh Hóa vẫn gìn giữ một cách nguyên vẹn  Bo Cúng, để nó thực sự như nàng công chúa xinh đẹp vẫn ngủ say giữa đại ngàn. 

Từ căn nhà sàn của gia đình anh Sán, đi qua một khoảnh vườn, ta sẽ lên động theo một con đường nhỏ mở sát trên triền núi, ngắn nhưng khá dốc. Mỗi người vào động sẽ được trang bị một chiếc đèn treo trên trán, chạy bằng ắc quy, để tiện quan sát. Khi cánh cửa sắt bảo vệ động được mở ra, lối vào động đã hiện ra trước mắt.  Cửa động khá hẹp, lại dốc xuống và luôn sũng nước, nên bạn sẽ phải bảm vào vách đá mà dò từng bước mới không trượt ngã.

Hãy về Bo Cúng mà xem
Đi hết đoạn dốc hẹp và đầy bùn nước này, lòng động như mở toang ra, khi cả một khoảng không gian trước mặt ta rộng, bằng bịa, vuông vức như một hội trường cực lớn. Trần động phẳng; vách động dựng đứng, có chỗ nhẵn và phẳng như một bức tường, nhưng có chỗ lại cuộn vào nhau như những lớp rèm; thực sự tạo cho ta cái cảm giác của sự hoành tráng mà dị biệt đến không ngờ.

Qua hết “Khu Hội trường” ấy, từ lòng động mọc lên tầng tầng lớp lớp các mầm đá, nhũ đá, mà với trí tưởng tượng phong phú, bạn có thể đặt đủ các thứ tên gọi cho chúng theo hiểu biết của riêng mình. Không chỉ có thế, từ trần động, nhiều lớp thạch nhũ khác cũng như cuốn vào nhau mà cùng nhau buông rủ xuống, lung linh, huyền ảo với muôn hồng ngàn tía trong phản chiếu ánh đèn.

Hết “Cánh rừng Mầm nhũ”, lòng động bỗng dưng bị thu hẹp lại giữa hai vách đá dựng đứng. Đi giữa hai vách đá ấy, bạn sẽ có cảm giác như đang đi trong một hầm đá, cái hầm đá không chỉ dẫn ta về cùng những tháng năm bom lửa ngút trời, mà hình như còn đưa ta trở về với biết bao câu chuyện vừa như sự tích vừa như cổ tích của ngàn năm xa lắc.

Ra khỏi khu “Hầm đá”, bàn chân ta lại chạm vào những bậc thang của những “Ruộng đá”, nhận ra đôi ba cặp rồng đang thoải mái phơi mình cùng năm tháng, cho ta được sống cùng những huyền thoại trong câu chuyện ông bà kể lại, nhắc ta những giá trị cốt lõi làm người.

Rồi, những mạch ngầm, bờ lạch, góc mương, bến nước... không chỉ phả lên mặt ta cái hơi  lạnh từ chút mồ hôi của đá, mà còn khiến ta khó có thể kìm được cơn khát bỗng ùa đến bất ngờ. Nhắc ta hãy vốc ngay một bụm nước nhỏ mà vuốt lên mặt, mà nuốt qua cái cổ họng đang chợt se lại  đến bất thường.

Đến Bo Cúng, dù bạn đã là người từng may mắn được biết mà khám phá các hang động nổi tiếng trong cả nước như Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long... tôi tin nếu bạn đủ sức khoẻ và quyết tâm dành trọn cả ngày để đi dọc hơn một cây số của hang, cũng như len lỏi vào nhiều ngách hang, bạn sẽ thực sự có một chuyến đi khám pha đầy mỹ mãn.  

Bởi, Bo Cúng như cuốn ta đi qua thời gian, gọi ta trở về với hoang sơ nguồn cội, khía vào ta muôn dấu tích cuộc đời, để thức dậy trong ta một tình yêu mãi vẹn nguyên cùng đất nước.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hãy về Bo Cúng mà xem
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO