Hiểu thêm về những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên

Gia Phú| 22/06/2018 12:55

Gần 200 hình ảnh, hiện vật vừa được Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam giới thiệu với công chúng trong trưng bày chuyên đề “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954)". Trưng bày được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã góp phần làm rõ những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam cũng như những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên.

Kỷ vật một thời

Phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày khai mạc triển lãm khá đông. Những hiện vật, hình ảnh như những thước phim quay chậm đưa công chúng trở về với quá khứ. Ở nội dung trưng bày thứ nhất “Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối văn hóa của Đảng”, công chúng phần nào hiểu sâu hơn ý nghĩa của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” qua những nhận xét, đánh giá của các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ. Không ít người đã dừng lại thật lâu để xem cuốn tạp chí Tiên Phong số 1 ra ngày 10/11/1945 đăng toàn văn bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (do đồng chí Trường Chinh soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 2/1943). Cùng nhóm hiện vật này là tác phẩm “Nhật ký trong tù” năm 1943 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các trang văn xuôi có ghi chép những suy nghĩ của Người về xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới; Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng...

Hiểu thêm về những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên
Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Ảnh: Trần Văn Lưu

Ở phần trưng bày “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954)”, công chúng được gặp lại một số các tác phẩm văn học của các tác giả (Tú Mỡ, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi…) và cả những tranh cổ động, những bản nhạc, ấn phẩm báo Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản trong thời kỳ kháng chiến... Đáng chú ý tại trưng bày có một số bức phù điêu các văn nghệ sĩ như: nhà văn Đoàn Phú Tứ, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, họa sĩ Nguyễn Gia Trí… Đặc biệt nhiều hiện vật tiêu biểu đã gắn bó với những văn nghệ sĩ trong những năm kháng chiến được giới thiệu cũng đã khiến người xem vô cùng xúc động. Đó là bức thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân – Giám đốc trường Mỹ thuật Việt Bắc gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/1/1952; đôi giày, viên gạch của nhà thơ Tố Hữu dùng trong thời kỳ hoạt động cách mạng; chiếc áo măng tô của nhà thơ Huy Cận, chiếc mũ phớt của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; chiếc vali mây, quạt tai voi, lọ hoa làm bằng vỏ đạn của nhà thơ Tú Mỡ; chiếc phích, ba toong của nhà văn Đoàn Văn Cừ; rồi mũ len, khăn len, lược, dao dọc giấy, quạt giấy của nhà thơ Nguyễn Đình Thi; chiếc khăn len của nhà văn Hoài Thanh, bộ quần áo chàm của nhà thơ Nông Quốc Chấn… dùng trong thời kỳ kháng chiến.

Hiểu thêm về những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên
Tạp chí Tiên Phong - một hiện vật được giới thiệu tại trưng bày.

Nhà văn Nguyễn Huy Thắng – con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã không giấu được niềm xúc động khi thấy chiếc mũ phớt - kỷ vật của cha mình tại trưng bày. Ông nói: “Tôi thực sự bất ngờ khi thấy hiện vật này. Tôi không nghĩ lại có một hiện vật như thế của cha được lưu giữ. Cảm ơn những người làm bảo tàng đã cho tôi gặp lại kỷ vật của cha mình cũng như rất nhiều những hiện vật, hình ảnh khác của văn học nghệ thuật thời kháng chiến”.

Góp phần khẳng định giá trị của bản Đề cương văn hóa đầu tiên

Tháng 2/1943 Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã thảo luận và thông qua “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng. Những nội dung tư tưởng của Đề cương đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng, là định hướng quan trọng cho sự ra đời nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Đề cương về văn hoá Việt Nam” đã chắp cánh cho các hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngày càng phong phú và sắc bén. Họ luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, phản ánh sắc sảo, sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh của quân - dân, kịp thời động viên, cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới. 

Hiểu thêm về những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên
Chiếc vali mây, quạt tai voi, lọ hoa làm bằng vỏ đạn - kỷ vật của nhà thơ Tú Mỡ. Ảnh: ĐT

TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh: “Với gần 200 hình ảnh, hiện vật, hình ảnh, bản trích, bản viết được giới thiệu tại trưng bày sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn giá trị soi đường, tác dụng định hướng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên đã tiếp nhận những nội dung, tư tưởng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. Dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng, bầu trời văn học nghệ thuật Việt Nam thực sự sáng rực với những ngôi sao. Cho đến nay, những nhân tài ấy vẫn chưa ai có thể thay thế được và những sáng tạo của họ cũng trở nên bất tử”.

Hiểu thêm về những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên
Say sưa ngắm nhìn những kỷ vật một thời. Ảnh: ĐT

Có thể nói, trưng bày “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954)” là một sự kiện rất ý nghĩa, giúp cho công chúng có cái nhìn trực quan về văn học nghệ thuật trong kháng chiến. Tuy nhiên, những hiện vật, hình ảnh cùng các tư liệu được giới thiệu tại trưng bày dường như mới chỉ thể hiện một phần của đời sống văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến. “Một vài bức tượng, phù điêu, một vài kỷ vật, một vài số báo hay cuốn sách dường như mới chỉ mang tính chất giới thiệu, chưa đủ để khái quát cả một thời kỳ. Trưng bày có nhiều tên tuổi trong giới văn học, tuy nhiên ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh… còn khá mờ nhạt. Đơn cử như trong trưng bày này sử dụng nhiều ảnh tư liệu của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu – một người vừa ra mắt bạn đọc tập sách “Văn nghệ kháng chiến qua ống kính của Trần Văn Lưu” nhưng trong các chú thích của tất cả bức ảnh lại không hề nhắc tới tác giả chụp những bức ảnh này. Đây cũng là một thiếu sót đáng tiếc”. – nhà văn Nguyễn Huy Thắng bày tỏ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hiểu thêm về những cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO