Học văn từ trang sách tuổi thơ

Đoàn Mạnh Phương| 23/09/2020 16:08

Văn chương đến với tôi bắt đầu từ những trang sách tuổi ấu thơ. Tôi mê những trang sách kể từ ngày tôi biết đọc, biết viết. Những cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước không được in đẹp như bây giờ nhưng có một lực hút vô cùng ghê gớm đối với tôi. Lực hút ấy đã làm tôi ngủ quên dưới gầm giường, cha mẹ và anh chị tìm khắp trong làng ngoài xóm tưởng tôi đã đi lạc hoặc chết đuối ở ao, hồ nào đó rồi... Cuối cùng là nhờ công của con Vện mà các cụ mới tìm ra... cậu út quý tử của mình... đang ngủ ngon lành bên cuốn truyện đọc dở...

Học văn từ trang sách tuổi thơ
Là con út trong nhà, nên tôi được bố mẹ và 5 anh chị của mình rất chiều chuộng, chiều chuộng nhất là niềm say mê đọc sách của tôi. Hiệu sách phố huyện cách nhà đến 5 cây số nhưng bất cứ lúc nào có thêm cuốn sách mới là bố mẹ và anh chị tôi lại đạp xe ra phố huyện mua bằng được về cho cậu út.

Những trang sách tuổi hoa niên ngày ấy là cả một thế giới của tôi. 

Học văn từ trang sách tuổi thơ
Văn chương đến với nhà văn, nhà báo Đoàn Mạnh Phương từ trang sách tuổi thơ. 

Thế giới của câu chữ và hình ảnh minh họa đã giúp tôi bước vào một không gian thật sinh động với những câu chuyện kể từ xửa xưa cho tới hiện tại, từ mặt đất lên tới bầu trời, tới vũ trụ bao la; từ những câu chuyện gần gũi của đời thường cho tới cuộc đời của những danh nhân... Tôi đã học được từ những trang sách tuổi ấu thơ ngày ấy biết bao điều, nó đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của tôi bên cạnh việc bồi đắp những điều bổ ích nhất, căn bản nhất cho tôi để học làm Người. Tôi nhớ mãi tủ sách “Ngựa Gióng” ngày ấy, ra khổ mỏng theo hình thức tủ sách chuyên đề như bây giờ. Đấy là một tủ sách bổ ích bởi mỗi tập sách là cả một lượng kiến thức về văn hóa xã hội - văn học nghệ thuật dành cho tuổi học trò như chúng tôi, thế hệ học sinh Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước chắc có lẽ nhiều người không thể quên tủ sách “Ngựa Gióng” của Nhà xuất bản Hà Nội.

Tôi yêu môn ngữ văn bắt đầu từ những trang sách quý sau đó là đến những giờ giảng văn của những người thầy, người cô đã truyền thụ cho chúng tôi vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa của những tác phẩm văn học. Từ truyền thụ của thầy đến cảm nhận của trò là những tiết học đầy cảm xúc. Từ những câu hỏi và trả lời, thầy trò cùng đọc diễn cảm các trích đoạn tác phẩm, những cuộc dã ngoại về thăm quê hương của các nhà văn, nhà thơ lớn. Tình yêu văn chương trong tôi cứ lớn dần... 

Những trang sách của tuổi ấu thơ, những thầy cô dạy văn là những người thầy đúng nghĩa của tôi, giúp tôi đến với văn chương và đặc biệt là thơ ca, đồng thời cũng tác động ảnh hưởng một phần tới tư duy, phong cách, thể loại sáng tác, hình thức thể hiện trong những tác phẩm đầu đời của tôi khi tôi mới bước vào sáng tác văn chương. Tôi còn nhớ lời người thầy dạy văn: Muốn học giỏi văn thì phải chăm đọc. Đọc sách, đọc báo. Tìm chọn sách báo bổ ích mà đọc. Đọc để lấy kiến thức, để hiểu biết, để học làm Người. Văn học là nhân học. Không nhất thiết học giỏi văn để trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo... mà học văn là để học làm Người!

Thế hệ học sinh chúng tôi thời ấy gian khổ lắm. Đó là vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Thầy trò chúng tôi còn đi gặt lúa giúp bà con nơi trường sơ tán - xã Trung Nguyên - huyện Yên Lạc - tỉnh Vĩnh Phúc, lần đầu tiên trong đời mới biết thế nào là người nông dân một nắng hai sương, biết giọt mồ hôi mặn thế nào trong hạt gạo, bát cơm. Thầy trò lên lớp bên những giao thông hào, dưới căn hầm chữ A với mũ rơm đội đầu để tránh bom đạn Mỹ. Sau này trong một bài thơ của mình tôi đã viết: Chiến tranh đã nhốt tiếng cười của con dưới căn hầm trú ẩn/ Và tuổi thơ thơm rơm rạ trên đầu/ Đến chú dế cũng tìm nơi ẩn nấp/ Thân cũng vùi sâu trong đất nâu... Những mái trường vách đất và những lối mòn đầy cỏ dại đã in dấu kỷ niệm suốt tuổi hoa niên.

Nhưng bất chấp gian nan nguy hiểm, những bài giảng văn của thầy cô vẫn đầy sinh động và cuốn hút với chúng tôi... Gian khổ là thế, nhưng những bài văn mô tả, kể chuyện của học trò chúng tôi cũng đủ để thầy cô cảm nhận rằng những truyền thụ của mình cho lớp học trò không hề uổng phí! 

Tuổi hoa niên đầy kỷ niệm ấy, thầy cô đã truyền cho chúng tôi cảm hứng thói quen với cuốn sổ tay nhật ký học tập - những ghi chép mỗi ngày cho sự học suốt đời. Cảm hứng thói quen tốt đẹp và ý nghĩa này là điều cần thiết cho việc ghi lại những cảm xúc của bản thân và là một cách để rèn luyện văn phạm mỗi ngày. Cho đến bây giờ, 3 cuốn nhật ký đã sờn mép, giấy đã ố vàng vẫn là những kỷ niệm, kỷ vật vô giá của tôi, nhắc tôi nhớ về những năm tháng không thể nào quên ấy và trong những cuốn nhật ký đầu đời ấy những bài thơ đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của tôi đã ra đời với tất cả sự trong trẻo đáng yêu của tuổi hoa niên: Ta mua vé tìm về kỷ niệm/ Bằng một nhánh cỏ khô trong trang sách học trò/ Nhưng năm tháng qua ta rồi rất khẽ/ Nên đành lòng sống với giấc mơ thôi...

Tuổi thơ tôi vắt ngang từ chiến tranh sang hòa bình... Nhưng những cảm thụ sâu đậm về cuộc sống qua những giờ giảng văn và những trang sách văn học thì còn in đậm mãi trong tôi. Tuổi thơ tôi đã từng gối đầu những trang sách cuốn truyện quý giá: “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” của Hà Ân, “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne, “Không gia đình” của Hector Malot, “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Anicis, “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A.Ostrovsky...

Việc học văn dễ hay khó còn tùy thuộc vào cảm xúc của mỗi cá nhân. Với tôi, học văn giống như một hành trình thám hiểm. Học tác phẩm qua bình giảng của thầy cô sẽ bồi đắp mở rộng thêm cho mình những điều mà mình chưa tìm thấy. Học văn không quá khó như nhiều bạn thường nghĩ nếu trong mỗi giờ học văn bạn tạo cho mình một sự hứng thú. Bởi thế giới của văn học là vô cùng phong phú, nó chính là... cuộc sống! Những đề văn mô tả, kể chuyện thời thơ ấu đã giúp đánh thức những hạt giống sáng tạo có sẵn bên trong con người tôi để góp sức, góp trí cho tôi trở thành một người cầm bút như bây giờ. Với tôi, học văn là học cách sống. Và từ những trang sách và những giờ giảng văn thời niên thiếu đã giúp tôi trưởng thành. Trưởng thành về nghề và lớn khôn về đời với một trái tim biết lo đời và yêu người. 

Từ yêu thích học văn, trở thành học sinh giỏi văn và cuối cùng là trở thành một người cầm bút sáng tác văn học với danh vị là nhà thơ, nhà báo là cả một hành trình học tập nghiêm túc, một nỗ lực không mệt mỏi và một niềm đam mê không bao giờ vơi cạn. Và chính từ niềm đam mê ấy đã giữ lại cho tôi những miền ký ức không thể nào quên...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Học văn từ trang sách tuổi thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO