Hương nhãn vườn quê

Nguyễn Thị Hải| 17/05/2018 09:01

Với mỗi người, hình ảnh quê hương tuổi thơ luôn mang đến nỗi nhớ, cảm xúc, kỷ niệm và những hình ảnh rất riêng biệt. Hình bóng quê nhà có thể là luỹ tre làng thân thương, cánh đồng lúa dập dờn, cây đa, bến nước, con đò… Cũng có người quê hương là những triền đồi thoai thoải, những cánh rừng bạt ngàn với thung sâu và suối chảy róc rách, hay những cồn cát vàng óng ả sát biển khơi… Với tôi, quê hương tuổi thơ luôn chất chứa hình ảnh của những vườn nhãn toả ngát hương thơm lúc cây trổ bông và khi đơm trái ngọt

Hương nhãn vườn quê

Tôi sinh ra trên một vùng quê trồng nhãn nổi tiếng, vì vậy mà ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời mẹ đã à ơi ru tôi bằng những lời ru ngọt ngào như trái nhãn lồng chín mọng. Mẹ kể rằng, nhiều trưa hè oi ả, hay những đêm nóng nực đến chảy mồ hôi và như tắm, mẹ vẫn thường ẵm tôi ra nằm võng nơi vườn nhãn. Không chỉ trẻ nhỏ, vườn nhãn còn là nơi thường lui tới hóng mát của thanh niên, người lớn và cả những ông già bà cả trong xóm. Không khí thoáng đãng, những tán nhãn xoè rộng râm mát trong khu vườn đã chở che cho tôi suốt cả những năm tháng ấu thơ. 

Ở xóm tôi hầu như nhà ai cũng trồng nhãn, hộ ít cũng dăm bảy cây, nhà nhiều thì trồng cả vài ba chục cây. Nhà tôi có tới gần trăm cây nhãn cổ thụ mà ông bà nội tôi đã trồng chúng cả gần trăm năm nay. Những cây nhãn sần sùi, già nua theo năm tháng nhưng chúng vẫn đều đều cho những chùm quả ngọt ngào để nuôi sống ông bà, bố mẹ và cả anh chị em chúng tôi ăn học nên người. Nhà tôi không có ruộng đất nông nghiệp nên thay vì phải bươn chải ngoài đồng lúa, ruộng khoai, ngô tuổi thơ tôi hầu như chỉ quanh quẩn bên vườn nhãn. Khi còn bé xíu tôi đã được ông, bà, bố, mẹ huấn luyện công việc bê rổ đi nhặt cỏ quanh gốc nhãn. Lớn lên chút nữa, thì xới đất, tưới cây tôi. Những dịp trời nắng quá nhiều, đất khô cằn nên cả nhà phải tưới cây từ sáng tới tối mịt mới được ngơi nghỉ ăn cơm. Vườn nhãn nhà tôi cách xa một cái ao làng tới mấy trăm mét, vì thế với việc đi lại xách nước nhiều khi khiến tay tôi mỏi rã rời. Những khi chăm bón và tưới nhãn vất vả như vậy, nội tôi thường động viên bằng một phần thưởng gì đó đại loại như: “Cố làm chăm chỉ nay mai nhãn đến mùa thu hoạch ông bảo bố mẹ mày mua cho quần áo mới”, hay “Gắng lên, mai này nhãn được mùa ông thưởng cho một chuyến lên thành phố thăm quan…”. Nhận được những lời động viên với các “phần thưởng” như thế tôi càng quên mệt mỏi để giúp ông bà, bố mẹ làm các công việc chăm bón, tưới tắm cho vườn nhãn. Thực ra công việc chăm bón, tưới cây không vất vả như làm các công việc đồng áng, mà một năm chỉ có vài đợt nắng nhiều mới phải bỏ công sức tưới nhiều nước mà thôi. 

Dịp nhãn chuẩn bị ra hoa, và lúc bắt đầu trổ bông cũng là lúc phải bón thúc cho cây bằng phân lân, phân chuồng để cây có sức nuôi hoa, nuôi quả. Công việc này diễn ra trong khoảng 1 tuần và thường là người lớn làm chứ trẻ con hầu như không phải động chạm tới. Vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất có lẽ vẫn là mùa thu hoạch nhãn tới. Nhà nào nhà nấy đều tất bật với công việc hái nhãn để bán. Nhà tôi, vì trồng nhiều, vườn rộng nên việc hái nhãn còn phải thuê mướn thêm nhân công ở ngoài tỉnh mới kịp. Nhãn bẻ tới đâu, đưa xuống đất là được thương lái đến mua ngay mang đi các tỉnh thành tiêu thụ. Năm tôi học tới cấp 2 đã trở thành lao động chính trong nhà. Vì ông bà tôi già rồi nên việc leo cây hay chỉ đạo thợ làm thuê trẩy nhãn tôi đều đảm đương hết. Bố mẹ tôi lo cân nhãn và giúp thương lái đóng thùng. Những năm tôi lớn hơn, vì phải học nhiều nên khi đến mùa tôi cũng không thể giúp bố mẹ hái quả được. Những lúc như vậy, nhà tôi thường bán vo cho thương lái theo kiểu ước lượng, bán cả cây để họ tự hái lấy mà mình không phải động đến. Việc bán nhãn như vậy nhà mình có thể thiệt hơn nhưng được cái đỡ vất vả…

Mùa nhãn chín tới trẻ con trong làng là sướng nhất vì đứa nào cũng được thoả thích ăn nhãn no nê. Tôi từng bị bố mẹ mắng nên dỗi không ăn cơm, và trưa ấy tôi leo tít lên một cây nhãn để hái ăn đến no rồi tụt xuống gốc cây ngủ ngon lành. Chỉ đến khi bố mẹ đi tìm lấy roi quất mạnh vào mông mới choàng tỉnh giấc…

Những mùa nhãn chín đi qua là cả những khoảnh khắc nhớ nhung, thích thú đến khó quên. Bao nhiêu mùa hoa nhãn trổ bông là bấy nhiêu lần tâm hồn tôi bâng khuâng, nhẹ nhõm với mùi thơm thoang thoảng ngất ngây. Đôi ba bài thơ tôi làm tả khung cảnh vườn nhãn tỏa hương dưới đêm trăng sáng luôn là những kỷ niệm đẹp, lung linh đọng mãi trong nhật ký cuộc đời…

Đã mươi mùa nhãn qua đi tôi không được tận mắt chứng kiến khung cảnh làng quê vào vụ, và cũng không được trực tiếp trèo lên cây để thưởng thức hương vị tươi ngon của những trái nhãn vườn nhà, song bao giờ cũng vậy, mẹ tôi vẫn là người rất chu đáo nên bao giờ bà cũng nhờ người hái những chùm nhãn chín nhất, trên những cây nhãn ngon nhất vườn để đóng thùng gửi lên thành phố cho con thưởng thức cũng như thết đãi bạn bè. Những khi ngồi quây quần ăn nhãn cùng bè bạn như vậy, ký ức và hình bóng quê nhà với hương nhãn lan tỏa lại trở về ăm ắp trong trái tim tôi… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hương nhãn vườn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO