Huyện Đan Phượng: Gắn du lịch văn hóa với xây dựng nông thôn mới

Mạnh Hà - Nguyễn Sinh| 13/08/2021 06:58

Là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Đan Phượng là một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch văn hóa truyền thống. Với những ai từng biết tới Đan Phượng mà lâu rồi không trở lại, giờ về đây sẽ thấy chỉ trong một thời gian ngắn mảnh đất này đã khoác lên mình “bộ áo mới”, hòa trong văn hóa đặc trưng của xứ Đoài cũng như nét đẹp của con người mảnh đất Tràng An.

Huyện Đan Phượng: Gắn du lịch văn hóa với xây dựng nông thôn mới
Đan Phượng có khu du lịch sinh thái thu hút sự quan tâm của du khách.
Tiềm năng du lịch dồi dào

Trong dòng chảy văn học nghệ thuật, Đan Phượng dường như là “nàng thơ” của văn nghệ sĩ bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, dọc cánh đồng ngô, nương dâu xanh mướt phảng phất giữa núi non. Đặc biệt, Đan Phượng được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử, văn hóa dân gian độc đáo như chèo tàu, ca trù, thả diều, đấu vật… Là vùng đất cổ nghìn năm văn hiến, Đan Phượng nổi lên như một điểm sáng trong phát triển du lịch tâm linh và văn hóa truyền thống.

Đến với huyện Đan Phượng, du khách sẽ hết sức ấn tượng về nét đẹp của làng quê với những ngôi làng, đình, chùa cổ kính, các lễ hội đặc sắc. Trải qua thăng trầm, biến động của dòng chảy lịch sử nhưng những di tích và công trình xưa cũ ấy vẫn giữ được nét đẹp với những bản sắc riêng. Trong số đó phải kể đến đền Văn Hiến (thuộc xã Hạ Mỗ), nơi đây thờ danh nhân Tô Hiến Thành, vị Thái úy nổi tiếng dưới 3 triều vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Đình Vạn Xuân cũng ở xã Hạ Mỗ là ngôi đình cổ có kiến trúc đặc biệt kiểu “nội vương, ngoại quốc”, nơi thờ Lý Bát Lang, Hậu Lý Nam Đế, là vị quân vương có công đánh giặc Lương xâm lược.

Sang xã Song Phượng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Đôi Hồi. Nơi đây, báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền cổ động của Mặt trận Việt Minh hoạt động thời kỳ khởi nghĩa và là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cách đó không xa là đình Sông (xã Đồng Tháp) - di tích lịch sử văn hóa và cách mạng cấp quốc gia, địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ huyện Đan Phượng (ngày 19/5/1947).

Một trong những công trình kiến trúc đẹp mắt, trường tồn với thời gian mà du khách có thể tham quan khi tới Đan Phượng đó là đền Nhà Bà (xã Liên Hà), nơi thờ bà Sa Lãng, nữ tướng tài của Hai Bà Trưng. Đây là di tích lịch sử đầu tiên được xếp hạng cấp Quốc gia của huyện Đan Phượng. Hay đình Đại Phùng ở xã Đan Phượng, một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thế kỷ XVII cũng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tiếp đó là chùa Đông Khê, ngôi chùa với hệ thống tượng Phật độc đáo, còn lưu giữ một số hiện vật có niên đại từ thời nhà Mạc.

Về với Đan Phượng, du khách còn được đắm mình trong các lễ hội tiêu biểu. Trong đó, lễ hội đền Bồng Lai (xã Hồng Hà) được tổ chức vào ngày 14/3 âm lịch hằng năm, gắn với Thánh Mẫu Hạo Nương, phi tần của vua Lý Thánh Tông, thân mẫu thái tử Linh Lang. Lễ hội này nổi tiếng với tục rước nước và hội đua thuyền rồng. Ghé qua làng chài Vạn Vỹ (xã Hồng Hà), du khách còn được trải nghiệm lễ hội xuống lưới (diễn ra từ ngày 20-25/2 âm lịch), lễ hội tiệc cá chung (diễn ra vào ngày 25/2 âm lịch, mọi ngư dân đều phải để lại con cá lớn nhất trong ngày để chọn cúng Thành hoàng, Hà bá linh thần). Đặc biệt là lễ hội rước nước trên sông còn gọi là lễ hội cầu ngư vào giữa đêm (thường tổ chức đêm 12, sáng mùng 13 tháng Giêng) để cầu cho ngư dân được mùa đánh bắt cá.

Cùng với việc phát huy các giá trị di sản, huyện Đan Phượng đã và đang chuyển mình trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, đặc biệt với các sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái. Mới đây, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng. Trong đó, xã Hạ Mỗ là vùng đất cổ với hệ thống di tích văn hóa, lịch sử phong phú. Khu sinh thái Đan Phượng The Phoenix Garden được đầu tư và đang là điểm tham quan, vui chơi được ưa thích của nhiều gia đình, giới trẻ quanh Hà Nội.

Gắn du lịch văn hóa với xây dựng nông thôn mới

Nhận thức được tiềm năng du lịch là thế mạnh vốn có của địa phương, Đảng ủy, HĐND và UBND huyện Đan Phượng đã chủ trương gắn phát triển du lịch với nông thôn mới. Trong đó, huyện đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho phát triển du lịch như điện, đường, trường, trạm… cũng như trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Bên cạnh đó, ngay trong phát triển các mô hình kinh tế sản xuất, huyện Đan Phượng cũng chú trọng kết hợp với phát triển du lịch, nổi bật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một hình thức du lịch nông nghiệp, nông thôn mà Đan Phượng muốn phát huy trong thời gian tới.

Huyện Đan Phượng: Gắn du lịch văn hóa với xây dựng nông thôn mới
Đền Văn Hiến, nơi biểu dương các doanh nhân khoa bảng ở Đan Phượng.

Theo ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, hiện nay huyện đã mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu như: mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại xã Phương Đình và Đan Phượng; 9 mô hình sản xuất công nghệ cao, rau hữu cơ ở các xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; 2 mô hình trồng nấm ở xã Đan Phượng và Hạ Mỗ; 20 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở vùng bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung. “Đan Phượng cũng đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Đồng thời, huyện còn triển khai, áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn cho các trường học trên địa bàn và nhiều siêu thị”, ông Đạt cho biết.

Có thể nói, xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển du lịch văn hóa là chủ trương rất đúng, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân huyện Đan Phượng, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện. Quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch không chỉ tạo sự bền vững cho nông thôn mới mà điều cốt lõi chính là trực tiếp góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giá trị văn hóa chính là “chất xúc tác” để cho các thế hệ thanh niên tiếp cận, khai thác, làm mới, tạo việc làm, gắn bó với quê hương. Khi người dân tự nhận thức được giá trị văn hóa của địa phương, họ sẽ ngày càng có ý thức hơn bảo tồn trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đan Phượng: Gắn du lịch văn hóa với xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO