Kẻ sĩ Thăng Long

Bằng Việt| 29/10/2020 12:32

LTS: “Kẻ sĩ Thăng Long” là danh xưng chỉ nhân thân và cả nhân cách của tầng lớp trí thức trên vùng đất kinh kỳ xưa, nơi hội tụ mọi tinh hoa văn hiến của cả nền văn minh sông Hồng lịch sử. Danh xưng “kẻ sĩ” có ý chỉ định về một nhân vật có tầm cao văn hóa và học thức, có uy tín cao về trí tuệ, phẩm cách và đức độ, mà không nhất thiết phải làm quan hoặc tham gia chính sự trực tiếp, dù chỉ dạy học hay thậm chí đang ở ẩn, nhưng vẫn là nhân vật trí thức sáng giá trong thiên hạ. Không chỉ những ai có quê gốc ở Thăng Long - Hà Nội mới được xếp vào hàng “Kẻ sĩ Thăng Long”, mà cả những trí thức xuất thân trong các gia đình từ mọi nơi khác đến, ngụ cư ở Thăng Long, từng được học hành và sinh sống ở Thăng Long, nếu đạt đến một tầm cao về khí phách và tri thức, về phẩm cách và tài đức, tiêu chí sống và cách ứng xử, đủ để dân chúng vùng đất đế đô cảm phục và tôn trọng, là có thể được vinh danh “Kẻ sĩ Thăng Long”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tính chất Thăng Long là nơi tập hợp, sàng lọc, hội tụ và kết tinh mọi giá trị ưu tú của cả nước. 

Kỷ niệm 1010 năm hình thành nên vùng đất đế đô Thăng Long - Hà Nội thanh lịch và hào hoa, anh hùng và tràn đầy trí tuệ, báo Người Hà Nội trân trọng giới thiệu bài viết của một số trích đoạn từ cuốn sách biên khảo “Kẻ sĩ Thăng Long” của nhà thơ Bằng Việt, xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội 1000 năm” (NXB Hà Nội, 2016).

Kẻ sĩ Thăng Long

Kẻ sĩ Thăng Long

Kẻ sĩ Thăng Long
Vùng đất đế đô Thăng Long - Hà Nội thanh lịch và hào hoa, anh hùng và tràn đầy trí tuệ. Từ trên xuống: Tượng Thái úy Lý Thường Kiệt, tượng Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, tượng Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu.
Từ những nét chấm phá tiến tới một khái niệm

Vì là một hiện tượng kết tụ và thăng hoa của trí thức dân tộc, nên trong con người Kẻ sĩ Thăng Long có đủ các đặc điểm mang tính đặc thù của lịch sử và văn hóa hàng nghìn năm của con người Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện rõ mọi tính cách của cư dân ở địa bàn canh tác lúa nước, lớn lên từ nếp sống tiểu nông và nếp nghĩ của thành viên các công xã nông thôn và chịu ảnh hưởng của các tôn giáo lớn đương thời là Phật giáo, Đạo giáo, nhưng chịu tác động sâu sắc nhất của Nho giáo. Đã trải qua nhiều thử thách khốc liệt qua chiều dài lịch sử, họ có đủ khôn ngoan và lọc lõi để tiếp thu và bắt nhập mọi giá trị tinh túy, nắm bắt được xu thế và ưu điểm của các nền văn minh từng đã thấm nhuần và để lại dấu ấn trên đất nước mình (do nhiều hoàn cảnh khác nhau) một cách nhạy bén, tinh tường. Đồng thời, họ cũng có khả năng tự điều chỉnh khá uyển chuyển, linh hoạt khi học hỏi và tiếp thu cái mới, để vẫn giữ nguyên bản sắc và tinh chất, nhưng có thể chấp nhận sự chuyển hóa hình thức cũng như phong cách biểu thị bên ngoài, nhằm hòa nhập dễ dàng hơn và tự nhiên hơn với môi trường cần tồn tại và phát triển. 

Họ đã tạo ra những giá trị tinh thần lớn lao và độc đáo, có khi là duy nhất, trong lịch sử văn hóa tinh thần và văn học nghệ thuật Thăng Long. Khi bước sang lĩnh vực khoa học thực dụng, họ còn có khả năng trở nên những vị tổ nghề có công lao khai mở ra các nghề nghiệp hữu dụng cho dân. Khi mở trường làm thầy, họ đã để lại sự nghiệp giáo dục lớn, có giá trị và từng dạy dỗ nên những lớp học trò có tài kinh bang tế thế. Khi gia nhập hàng ngũ những tướng lĩnh và chiến sĩ phát động cứu nước và giữ nước, hay khởi nghĩa vì những mục tiêu cao cả của dân tộc, họ lại trở thành những bậc hào kiệt, anh hùng, được nhân dân tôn vinh và tôn thờ như những vị thần, các thành hoàng của làng xã qua các thời đại. 

Khái niệm Kẻ sĩ Thăng Long không phân chia ra đẳng cấp giàu nghèo, quý tộc hay thường dân, cũng không xếp theo tôn ti trật tự nào cụ thể (đỗ đạt cao hay thấp, từng làm quan to hay nhỏ, hoặc không bước vào quan trường), cũng không tôn xưng theo tuổi tác, vì thế, nó là một khái niệm dân chủ, bình đẳng trong xã hội phong kiến. Đó cũng là một khái niệm không có tính kinh viện, vì nó vừa mẫu mực, vừa bình dân, vừa sách vở, vừa thực tiễn, “vừa đạo, vừa đời”.

Thực sự lấy dân làm gốc

…Vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 đến 1138) triệu Thiền sư Viên Thông, vừa đỗ thủ khoa kỳ thi Tam giáo vào điện, để hỏi cái lý về việc trị loạn và thời vận thịnh suy của nước. Nghe vậy, Thiền sư đã trả lời rằng: 

“Thiên hạ ví như vật dụng, đặt vào chỗ yên thì vững, đặt vào chỗ nguy thì đổ, tùy ở nhà vua làm chủ, hành động như thế nào thôi. Phép trị loạn là do: Biết dùng người là trị, không biết dùng người là loạn. Các bậc đế vương đời trước chưa từng thấy ai dùng được người quân tử mà nước không thịnh, dùng phải kẻ tiểu nhân mà nước không mất...

Trời đất không thể thình lình mà làm ra nóng lạnh, phải dần dần từ xuân chuyển sang thu. Nhà vua cũng không thể thình lình làm cho nước hưng vong, ắt phải tính dần dần từ các căn nguyên thiện ác. Các thánh vương đời xưa cũng biết như thế, nên bắt chước Trời thì phải chăm lo không ngừng tu sửa cái đức của mình, học theo Đất thì phải chăm lo không ngừng cái thế để yên dân. Tu mình thận trọng như biết run sợ khi đi trên lần băng mỏng, yêu dân là phải biết kính nhường người dưới, nơm nớp như khi cầm cương ngựa đã lâu ngày mục hư dễ đứt. Làm được thế thì không thể nào nước không hưng thịnh, làm ngược lại thì không cách nào nước lại không suy vong! (Trích: Thiền uyển truyền đăng tập lục).

Xem lời tâu trên thì đủ biết Thiền sư Viên Thông không những tinh thông Phật pháp mà thấu triệt cả triết lý vương đạo của các triều đại từ xa xưa. Vì vậy, vua Lý Thần Tông rất đẹp lòng, đã phong ông làm Quốc sư. 
Tư tưởng Thánh đạo kết chặt với Vương đạo (hay Chính đạo) cũng được các vị sư tên tuổi như Thiền sư Pháp Bảo (tức Hải Chiếu), Thiền sư Sùng Tín, Đạo Dung... thời Lý cùng cho khắc lên bia để tán dương công đức của người anh hùng Lý Thường Kiệt, nhân vật kinh bang tế thế của Đại Việt, đồng thời cũng là một kẻ sĩ đích thực của đất Thăng Long. Đó là những lời lẽ hào sảng trên một bài minh, được khắc trên tấm bia ở chùa Linh Xứng (dựng từ năm 1126) do Thiền sư Pháp Bảo chấp bút, đoạn cuối như sau:

“...Sửa đổi tục xấu trong dân phải không quản khó nhọc. Làm việc gì cũng tránh phiền lụy đến dân. Cần sai bảo thì cốt dỗ để dân vui lòng làm việc. Đem bụng khoan thứ cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân. Lấy vũ oai để trừ bè lũ ác, lấy chính luật để xử kiện công bằng, cho nên ngục thất chẳng cần coi trọng. Xem sự đủ ăn là nguyện ước của dân, lấy việc cấy cày là gốc gác của nước, nhờ đó mà mùa màng không mất. Cai trị giỏi thì không phải dẹp loạn. Nuôi nấng chăm lo cho người già yếu, nên hết thảy mọi bậc bô lão đều yên lòng. Cái đạo làm tướng của người là thế, nên cũng chính là cái gốc yên dân. Thật là đẹp đẽ! (Trích: Bài minh trên bia chùa Linh Xứng.)

Qua bài minh này, ta thấy rõ Lý Thường Kiệt không bao giờ coi rẻ con người, không hề coi quân và dân dưới trướng mình chỉ như một phương tiện để đạt tới mọi mục đích về chính trị, cốt đạt được khát vọng quyền lực của mình; trái lại, nói như ngôn ngữ ngày nay, thì ông thực sự đã lấy dân làm gốc, coi chính sách đối với con người là trung tâm, là kim chỉ nam cho mọi hành động và ứng xử của mình. Đấy cũng là một trong những tiêu chí cao cả nhất, nhân văn nhất, do tổ tiên ta xác lập nên từ hàng nghìn năm trước, mà rốt cuộc cho đến hôm nay, trong một xã hội đã tiến bộ, một thể chế đã tuyên bố lấy dân làm chủ, lấy con người làm trung tâm mọi chính sách, mà chúng ta cũng chưa chắc đã vượt được cao hơn!

Bàn chuyện sử dụng hiền tài                                                               

Trong bài văn sách thi Đình năm Canh Tuất (1490), thí sinh Vũ Duệ (1468 - 1522), đã có một bài văn hùng hồn chinh phục được vua Lê Thánh Tông, người ra đề thi và lấy ông đỗ Trạng nguyên. Trong đó có:

“Thần nghe nói, điều mấu chốt đưa đến thịnh trị, không gì cấp bách bằng việc dùng người. Vì biết người đã khó, mà dùng người lại càng khó hơn. Nếu biết được rõ ràng, phân biệt được chính tà, tận dụng được hiền tài, xét được các chức tước phong quan cho đúng, thì hiền tài tất sẽ tập hợp được, nếu lại diệt trừ được bọn gian tà, thì nạn tham nhũng tất phải giảm bớt. Do đó mới có thể chống những kẻ thù địch thành công. Cũng vì vậy, dân mới được no đủ, nước mới giàu lên, lo gì mọi việc đã làm không tạo nên nền móng vững chãi? (...)

Bệ hạ muốn trừ bỏ hết tệ nạn, mong mưu lược lớn được phát huy. Thần đầu óc ngu tối, sao đủ để biết việc đó, nhưng thần nghe Lý Tĩnh là bầy tôi nhà Đường có lời rằng: “Chọn người hiền, sử dụng tài, trăm việc đều dần có thứ tự. Để quan lại sai lầm thì sẽ mất chính quyền”… Nay “Chiếu cầu hiền” đã ban rồi, nhưng quan chức trong Triều hết thảy đã thực là hiền tài hay chưa? Phép trừ kẻ nhiễu nhương cũng đã ban rồi, nhưng bọn tỏ ra ngay thẳng quả đã thực lòng ngay thẳng chưa? Những người tận tụy thờ vua, dám quên nhà vì nước, trăm người chắc gì đã được một hai? Còn bọn giữ rịt lộc vua, níu lấy ân sủng, chỉ cốt an thân bảo vệ địa vị mình, mười người dễ có đến bảy tám! Người liêm khiết chối từ vàng bạc thì ngày càng rất hiếm, mà chỉ mong hưởng cơm no rượu say, khuynh đảo kho lẫm, lấy lộc vua làm đầu, thực chất cũng là bọn nhũng nhiễu mà thôi. Như thế thì thành công chưa thực đạt được, quả chẳng thể bảo là mọi việc bệ hạ mong mỏi đã làm xong rồi! (…). Nay muốn tiến cử các bậc hiền lương, trước tiên nên biết rõ cái gốc của việc tiến cử đó. (...) Nên tinh tường chọn lựa trước khi sử dụng. Sau khi dùng rồi, thì lại phải dùng chuyên nhất. Việc tiến cử và sử dụng hiền tài, thành bại là ở đấy, vậy còn lo gì là không kén chọn được. 

Muốn bài trừ tham nhũng, cũng nên nói rõ thêm điểm mấu chốt của việc bài trừ đó (...) 

Mấu chốt của việc cần làm là phải chặn đứng kẻ tiểu nhân, ngay khi chúng chưa được tiến cử, đuổi xa chúng đi, sau khi dẹp trừ được bọn chúng, như vậy thì làm sao còn phải lo tệ nạn này không trừ khử được?
…Một bài văn sách thi Đình nổi tiếng khác nữa của Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 1495), cũng kịch liệt phê phán thẳng thừng nhiều vấn đề khá nhạy cảm về việc quan lại hoành hành nhiễu nhương, bạo ngược với dân, lạm dụng quyền lực và tham nhũng, ăn chặn của dân, tuy nói đến mức “thẳng tưng” như vậy mà vẫn “lọt cửa” qua các vị đại thần khảo thí, được đệ trình vào đến tận tayvua Lê Thánh Tông đọc và chấm, cuối cùng được chọn đỗ đầu, xem ra, thời phong kiếnmà sĩ tửvẫn dám ăn nói bạo miệng ra trò! Lương Thế Vinh viết:

“Thần nghe lúc này, những người nắm binh quyền - xứng đáng với chức vụ thì ít, không xứng đáng với chức vụ thì nhiều. Tiếng là võ quan, mà thông thạo vũ lược có được mấy người? Chức là cầm quân, mà am hiểu nổi quân sĩ có là bao? Vơ vét là việc bị triều đình nghiêm cấm, mà vẫn dám đi hôi lại của cải như thường; vỗ về thương xót lê dân là bản ý của triều đình, mà coi khinh lệnh cấm, vẫn dám hoành hành bạo ngược như thường! Do đó mà chức trách kẻ cầm quân vẫn chưa thể nào đáng trọng, thuyết phục được dân. Như vậy, thì đức hạnh bề trên vẫn không thấm nhuần xuống dưới, dân tình còn đầy oán thán… Thế là, tệ xấu thì chưa thể trừ, mà hiệu quả tốt (của chính sự) cũng chưa sao thấy được!”

Kẻ sĩ cùng bốn tầng lớp: Sĩ, nông, công, thương                                                                                     

Một ưu điểm có thể thấy rõ ở nước ta là tầng lớp sĩ, tuy được xếp đầu bảng, nhưng tỏ ra luôn gần gũi, gắn bó, hiểu biết và cảm thông với tất cả các tầng lớp dân cư khác (nông, công, thương), hầu như có ý thức tôn trọng và tạo thành một khối đoàn kết toàn dân trong thời chiến cũng như trong thời bình, để cùng chung lưng đấu cật xây dựng đất nước. Đấy là một ưu điểm lớn trong cả thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Điều đó được giải thích, một phần là do thành phần của các nhà khoa bảng, các bậc trí giả và nhân sĩ, mà trung tâm là lớp kẻ sĩ Thăng Long, đều hầu hết xuất thân từ mọi thành phần dân cư bình dân mà ra, chỉ trừ một số rất ít con ông cháu cha, thuộc thành phần quý tộc, hoàng tộc. Tuy nhiên, có thể thấy, ngay cả quý tộc và cả các bậc vua chúa trong thời Lý - Trần đều không có xu thế sống cách biệt dân, biết trọng sự giản dị, lão thực, tiết kiệm, ít thấy các hiện tượng vô đạo và phi nhân tính, ít vung phí xa hoa, ăn chơi dị hợm, lại có thể dễ dàng từ bỏ lầu son gác tía để đi tu đắc đạo như một vị sư chân tu, thanh bần, khổ hạnh. Các vua đầu triều Lý còn làm cả nhà cho các hoàng tử ra ở lẫn với dân ở ngoài cấm thành, nhằm giáo dục cho các con vua biết yêu thương dân và hiểu dân, trước khi có thể được lên nối ngôi vua. Và mối quan hệ giữa vua và tôi, vua và các bậc hiền sĩ, thiền sư là khá thân tình, thậm chí còn luôn xướng họa cùng nhau. Quan hệ giữa các vị vương hầu và tướng lĩnh với các gia tướng và gia nô như trường hợp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với Yết Kiêu và Dã Tượng, như Phạm Ngũ Lão với đạo quân Phụ tử chi binh của ông, cũng là những trường hợp gắn bó thân tình và thấu hiểu nhau mẫu mực. Và ta cũng từng biết qua sử liệu một chuyện vui nữa là Trương Hán Siêu (? - 1354), một trí thức lớn của Thăng Long xưa, từng là Hàn lâm học sĩ, lại đã vui lòng gả con gái cho một người quét chùa Quỳnh Lâm, tên là Nguyễn Chế, chỉ thuộc danh phận thấp hèn là tam bảo nô! Nếu bảo trường hợp này là “đũa mốc mà dám chòi mâm son” thì cũng đúng, nhưng vì sao nền tảng đạo đức thời Trần vẫn khoan dung và chấp nhận như vậy, có lẽ cũng không quá khắt khe như chúng ta ngày nay tưởng tượng?! Suy cho cùng, xã hội như vậy là còn mộc mạc và lành mạnh, còn giữ được cái gốc của tình người với sự hồn hậu có phần ngây thơ, trong trẻo, không so kè môn đăng hộ đối khắt khe theo lề thói nặng nề như về sau này, mà cởi mở và phóng khoáng giống như đạo đức từ nguyên thủy. 

Nền tảng đức và nhân, do được coi trọng và gương mẫu ngay từ trên xuống, đã định hướng cho một lề thói xã hội nề nếp. Vương đạo được coi trọng hơn bá đạo. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo nên sự ổn định xã hội. Còn xã hội, theo quy luật phát triển chung, vẫn cứ phải phân định con người dần tách xa nhau, theo tính chất lao động, cũng như theo công cụ và tư liệu sản xuất. Như vậy là phải dẫn đến sự hình thành lối sống và lợi ích khác biệt từ các tầng lớp dân cư khác nhau. (...) Tứ dân (gồm sĩ, nông, công, thương) là một khái niệm tổng thể hài hòa, được kết nối lại trên cơ sở phân công xã hội hợp lý đối với các nghề nghiệp của mọi công dân, được hình thành gần như liên hoàn theo chức năng xã hội, tiếp nối với nhau và chi phối nhau một cách hữu cơ và quân bình, ràng buộc nhau bằng mối quan hệ tương hỗ, lại gắn chặt cùng nhau từ khởi thủy, nên có đầy đủ cơ sở mang tính nền tảng kết nối với nhau khá bền vững và thâm hậu, không bị một định kiến nào làm đối kháng và chia rẽ khỏi nhau, gây ra thù hận nhau.

Những cuộc khởi nghĩa suốt dọc các triều đại phong kiến đều là khởi nghĩa chống sự bất công do nhà nước phong kiến gây ra, chứ không xuất phát từ sự phân rẽ và chống lại nhau của các nhóm lợi ích trong nội bộ nhân dân, hoặc là phân rẽ trong bốn tầng lớp dân cư sĩ, nông, công, thương. Và bốn tầng lớp này, hình thành và phát triển với tư cách giản dị là bốn tầng lớp, cũng chưa tự phân cách hẳn ra đến mức thành các giai tầng, và tất nhiên, càng chưa có ý thức tách bạch ra thành các giai cấp. Mãi cho đến sau này, dưới ánh sáng của các học thuyết chính trị hiện đại, thì cũng chỉ có nông dân, công nhân và giới tư sản hình thành các giai cấp mà thôi, còn trí thức, những kẻ sĩ, dù có ở Thăng Long hay trên khắp đất nước, thì vẫn chỉ giữ nguyên tính chất là một tầng lớp đặc thù của xã hội, với tính chất tập hợp trên đỉnh cao các hiểu biết của tri thức dân tộc và nhân loại, và do đó, nó không bao giờ trở thành một giai cấp cả! Cũng vì vậy, kẻ sĩ thời nào cũng chỉ phụng sự cho chính nghĩa của đất nước và dân tộc, chứ họ không có lợi ích nào riêng cho “tập đoàn” mình, “phe nhóm” mình hay riêng cho “giai cấp” mình (vì nó vốn không bao giờ hình thành “ giai cấp”)!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Kẻ sĩ Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO