Kế thừa và phát triển: Chặng đường gian khó nhưng rất vinh quang

Bùi Việt Mỹ| 08/05/2020 11:13

Suốt chặng đường 35 năm, báo Người Hà Nội không ngừng phấn đấu và phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Để có được thành quả đó, không thể thiếu sự tận tâm dẫn dắt của nhiều thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ. Trong số báo đặc biệt này, xin được giới thiệu chia sẻ của một số lãnh đạo báo đã từng gắn bó với Người Hà Nội.

Kế thừa và phát triển: Chặng đường gian khó nhưng rất vinh quang
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ 
Tôi gắn bó với báo Người Hà Nội trong suốt thời gian 2 nhiệm kỳ BCH Hội, khoảng những năm trước và sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giữa bộn bề công việc, cùng với anh chị em cán bộ, phóng viên, chúng tôi đều ý thức được vinh dự có mặt ở những năm tháng lịch sử vô cùng trọng đại của Thủ đô nên đã hết lòng chung sức cống hiến.

Giữa hai chiều của một nhiệm vụ, vui vì niềm vui chung thật lớn của văn nghệ sĩ, báo chí Thủ đô, lại lo vì khả năng có hạn của mình trước đòi hỏi tờ báo phải tự trang trải, tự hạch toán. Tiêu chí giới hạn của tờ báo văn nghệ là không tham gia thị trường làm ăn kinh doanh vốn đang nóng rát ngoài kia. Bởi thế báo không có cửa đầu vào: ít quảng cáo, ít bạn đọc, giá cước bưu điện chuyển báo tới bạn đọc cao hơn tiền lãi in báo, lại còn bao nhiêu chi phí bắt buộc khác... Nhưng, không sao, chúng tôi vẫn làm bằng quyết tâm của tập thể. Cải tiến tờ tuần báo, ra thêm tờ cuối tuần, chèn thêm dung lượng thông tin kinh tế - xã hội, tăng cường tin nóng trên trang điện tử nguoihanoi.com.vn, lại thêm tờ Nghệ thuật mới dày dặn để truyền tải sâu về lý luận phê bình và sáng tác. Mặt khác, mua sắm trang thiết bị tác nghiệp và tự dàn trang, lên khuôn báo. Có nhà báo, hết tháng rồi, chưa có tiền cho con đóng học, vẫn đến cơ quan biên tập, duyệt bài, gửi in cho kịp mai báo hiện hữu trên quầy, gửi đi Huế, đi Sài Gòn…

Làm báo văn nghệ Hà Nội khác nhiều so với báo chí thông tấn khác. Chúng tôi cần học ở những người đi trước, những thế hệ văn nghệ sĩ tiêu biểu để níu kéo cái cốt cách của người Hà Nội, giành nhiều dung lượng cho tiếng nói và sáng tác của hội viên. Chúng tôi được kế thừa từ truyền thống và tiếp thu ý kiến xây dựng tờ báo của những văn nghệ sĩ lớn như: Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tuyên và Vũ Quần Phương... nên trọng trách lại càng lớn.

Thời gian trôi chảy, kỷ niệm 25 rồi 30 năm, và đến nay là 35 năm ngày thành lập tờ báo. Ghi dấu một quá trình lao động cống hiến và trưởng thành, báo lần đầu được thành phố tặng Bằng khen, xây dựng kỷ yếu một chặng đường làm báo thật vinh quang. Đây cũng là thời điểm báo có số cán bộ đông nhất, cũng đồng thời đặt ra nhiều khó khăn nhất. Làm sao để tờ báo luôn đảm bảo tôn chỉ, mục đích và sự hấp dẫn với bạn đọc? Làm sao để đời sống cán bộ phóng viên được đảm bảo, để họ yên tâm cống hiến? Hơn ai hết Ban Biên tập luôn phải cùng chung lưng đấu cật để chèo lái con thuyền vững vàng vượt qua mọi sóng gió. Những vui, buồn, lo lắng nhiều không kể xiết. Nhưng với tôi, đó là những tháng ngày không thể nào quên. 

Hà Nội, tháng 1/2020
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kế thừa và phát triển: Chặng đường gian khó nhưng rất vinh quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO