Khám phá thú vị về vùng Eo biển Torres

Thanh Bình| 24/05/2018 08:12

13 chiếc mặt nạ của vùng Eo biển Torres được trang trí tuyệt đẹp vừa được giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong trưng bày mang tên “Hồi sinh: Mặt nạ vùng Eo biển Torres”. Trưng bày là một trong những sự kiện trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam, đồng thời cũng là một hoạt động ý nghĩa hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5)

Eo biển Torres là một mạng lưới các đảo nằm giữa Bắc Australia và Papua New Guinea. Theo truyền thống nơi đây, những chiếc mặt nạ được làm thủ công từ vật liệu của địa phương, như: mai rùa (Koerar), sợi thừng nhỏ và sáp ong hoang dã. Khởi nguồn từ tín ngưỡng, mặt nạ và tạo tác mặt nạ ngày nay được coi là những cách thức phục hưng nền nghệ thuật, văn hóa cổ xưa và những nghi lễ sống động của vùng Eo biển Torres. Những chiếc mặt nạ là cầu nối, giúp người dân nơi đây truyền lại kiến thức và văn hóa cho các thế hệ sau. 

Khám phá thú vị về vùng Eo biển Torres
Chiếc mặt nạ có hình dạng đầu cá sấu
Trong trưng bày này, 13 chiếc mặt nạ được trang trí khá đa dạng, phản ánh kỹ thuật tạo tác rất đặc sắc của cư dân vùng Eo biển Torres, biểu hiện truyền thống văn hóa của một vùng cư dân giàu bản sắc. Đó là mặt nạ Keris  được làm bằng vỏ sò thể hiện ba thời kỳ khai thác biển của người Badhulgaw: ngọc trai, Kaiyar (tôm càng xanh) và Kabar (ốc đụn). Mặt nạ chịu ảnh hưởng của sự đa văn hóa và có dấu ấn châu Á. Hay mặt nạ Waru Kraal đại diện cho bộ lạc Kuki Gabaulaig (ở Tây Bắc làng Masia); mặt nạ Naga Mawa của vùng Naghir nổi tiếng với những mặt nạ hình các con vật (vật tổ), thường được sử dụng trong các nghi lễ ở Zogo Kwod; mặt nạ Koedal Awgadhalayg (Koedal Awgadhalayg) là tên một thuật ngữ của bộ tộc Maluyligal), có nghĩa là “vật tổ cá sấu” có hình dạng đầu con cá sấu đại diện cho thủ lĩnh của các bộ lạc thuộc chủng tộc đặc biệt người Zenadh Kes…

Bên cạnh những chiếc mặt nạ độc đáo, trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh tuyệt đẹp các đảo vùng Eo biển Torres, giúp người xem khám phá thêm cảnh vật thiên nhiên kì thú của những chủ nhân sáng tạo văn hóa. Cùng với việc giới thiệu những bức ảnh, trưng bày còn giới thiệu tới công chúng bộ phim tài liệu mang tên “Những vết nứt trên mặt nạ” - bộ phim đầu tiên nói về văn hóa, lịch sử và sự kết nối sâu sắc của người dân vùng Eo biển Torres với những hiện vật của tổ tiên họ. “Những vết nứt trên mặt nạ” nói về hành trình của Epharaim Bani từ quê hương của ông ở Eo biển Torres tới một số bảo tàng của châu Âu.

Khám phá thú vị về vùng Eo biển Torres
Một số mặt nạ độc đáo được giới thiệu tại triển lãm
Có mặt trong buổi khai mạc trưng bày, ông Craig Chittick - Đại sứ Australia chia sẻ: “Tôi rất vui được giới thiệu những chiếc mặt nạ vùng Eo biển Torres tới công chúng Việt Nam lần đầu tiên. Trong năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao quan trọng của Australia và Việt Nam, chúng tôi đã chọn giới thiệu văn hóa tạo tác và sử dụng mặt nạ của người dân vùng Eo biển Torres, một phần rất quan trọng trong nền văn hóa đa dạng của Australia, với mục đích tăng cường hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân hai nước”.

PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bày tỏ: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam rất vinh dự được là nơi diễn ra cuộc trưng bày này, bởi nó rất phù hợp với chủ đề của ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay: “Bảo tàng kết nối số: Cách tiếp cận mới, công chúng mới”. Việc số hóa và trưng bày hình ảnh chất lượng cao của những hiện vật tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng Việt Nam được thưởng thức những tuyệt tác văn hóa của thế giới.”  
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khám phá thú vị về vùng Eo biển Torres
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO