Khóc, cười chuyện bốc thăm vào trường mầm non

Theo laodong.com.vn| 10/07/2017 14:31

Hồi hộp như chờ kết quả xổ số hay may rủi vào những bàn tay “vàng” - tâm trạng của nhiều phụ huynh thủ đô khi xếp hàng, bốc thăm cho con vào đầu cấp.


Khóc, cười chuyện bốc thăm vào trường mầm non

Phụ huynh xếp hàng từ 4h sáng nộp hồ sơ tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Hà Nội). Ảnh:HN

Đặt niềm tin vào những bàn tay “vàng”


Nhiều khu đô thị mọc lên ken dày, những chung cư mới được đưa vào sử dụng nhưng vẫn không có trường học, đặc biệt là cấp mầm non. Đô thị mới của Hà Nội đang “khát” mầm non công lập.

Theo khảo sát thực tế: Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thủ đô. Chính vì thế nhiều trường mầm non công lập rơi vào tình trạng quá tải, nên bốc thăm tuyển sinh là hình thức “êm ả” nhất trong những năm gần đây.

Sáng 7.7, hàng trăm phụ huynh đã có mặt tại Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm để tham gia bốc thăm 1 suất vào trường cho con. 8h sáng nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ, phiếu đăng ký tuyển sinh, 9h sáng chính thức tiến hành thủ tục bốc thăm, nhưng từ 6h30 rất nhiều phụ huynh thấp thỏm lo âu cầm hồ sơ sẵn sàng “tâm thế” bốc thăm cho con.

Chị Phạm Ngọc Thạch (KĐT Linh Đàm) giãi bày: “Chỉ tiêu của trường lấy có 40 cháu, tôi rất lo. 99 hồ sơ, 40 gia đình cười thì 59 gia đình còn lại mếu. Tôi không biết vận may có mỉm cười với mình không”. Lý giải về mong muốn về trường công lập, chị Thạch chia sẻ thêm, vì rất tin tưởng vào mầm non công lập chứ trường tư thục thì điều kiện vật chất không bằng, không gian bó hẹp, không rộng rãi thoáng mát, vệ sinh ăn uống e rằng không đảm bảo, giáo viên cũng thiếu chuyên nghiệp hơn.

“Cả nhà tôi đều hồi hộp, mấy bố con đều đặt niềm tin vào bàn tay “vàng” của mẹ, phân công nhiệm vụ bốc thăm” - chị Thạch tâm sự. Giữa những ánh mắt lo âu thấp thỏm ngóng tên con trong danh sách gọi tên bốc thăm, chị Thạch lại ngồi một góc, hai tay chắp vào nhau, mắt nhắm nghiền, miệng cầu nguyện. “Lo quá, cầu nguyện may mắn thôi, chứ biết làm gì”.

Câu chuyện cầu may để vào được mầm non chẳng hề hư cấu, chuyện “chắp tay cầu nguyện” cũng không ngoa bởi bốc thăm để xét tuyển có thể hình thức tuyển sinh khách quan và khả quan nhất trong thời điểm hiện tại, yếu tố may rủi đang đè nặng tâm lý
phụ huynh.

Trong lúc chờ đợi, những câu chuyện “làm quà” phần nào phản ánh được tâm lý của phụ huynh. Họ đều phập phồng, nín thở chờ đợi bởi cho rằng qua rồi cái thời tư duy trẻ con chỉ cần ăn no ngủ kỹ. Cây phải tốt từ gốc đến ngọn mà mầm non là cái gốc. Một môi trường giáo dục tốt sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Cùng chung tâm trạng như nhiều phụ huynh khác, chị Phạm Thúy Quỳnh (khu chung cư Bắc Linh Đàm) nhấp nhổm chờ tới lượt vì tên con chị gần cuối danh sách. Người bốc trước người bốc sau, càng nhiều người trước trúng tuyển, cơ hội lại giảm dần đi. Chị Quỳnh cho hay: “Nếu hôm nay bốc không trúng vé công lập thì đành cho con đi học tư thục thôi, học tư thục đắt hơn đã đành nhưng cũng không phải là trăn trở lớn nhất. Bây giờ nạn bạo hành trẻ con ghê lắm, con mình nên xót lắm. Thêm nữa là vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ sợ ở trường tư quản lý không chặt, ăn uống không đảm bảo. Mà giờ trẻ con đã tiếp xúc điện thoại sớm, đi học tư thục suốt ngày ở trong bốn bức tường không có chỗ chơi thì hạn chế tầm nhìn lắm”.

Thời gian chờ đợi bốc thăm khiến nhiều phụ huynh cảm thấy mệt mỏi. Rồi “giờ vàng” cũng đến, ai nấy đều “bừng tỉnh”. Từng tốp 5 người bốc thăm lần lượt, những ông bố còn can đảm, quyết đoán mở ngay xem kết quả, các bà mẹ lại “yếu bóng vía” hơn, lưỡng lự mân mê tờ phiếu mãi. Có người còn nhờ cán bộ tuyển sinh xem hộ. Có ông bố nọ đến bàn bốc thăm, tay thì run mà miệng còn bông đùa để bớt căng thẳng: “Làm ơn trúng đi, vợ bảo bốc trượt thì khỏi về nhà”.

Có ông cụ đi bốc thăm cho cháu nội, phiếu “trúng”, ông cười giòn, nụ cười khiến những nếp nhăn xô vào nhau, niềm vui trúng tuyển của ông khiến những người còn phập phồng lo âu cũng phải cười. Ông hào hứng: “Đây là đứa cháu thứ 5 gia đình tôi “trúng” đi học ở mầm non công lập, số tôi khá may, bốc lần nào cũng trúng”.

Khóc, cười chuyện bốc thăm vào trường mầm non ảnh 1

Phụ huynh hồi hộp bốc thăm suất vào học tại trường mầm non cho con. Ảnh: Thảo Anh

Đặt cược nhiều “cửa”

Một câu chuyện thú vị diễn ra trong phòng tuyển sinh, có đến 3 cặp song sinh nộp hồ sơ. Một cặp song sinh “lỡ hẹn” với trường mầm non công lập. Hai cặp còn lại “trúng nửa vời”, mỗi gia đình bốc “trúng” cho một bé, lại “trượt” một bé. “Dở khóc, dở cười”, phụ huynh chẳng biết nên vui hay buồn. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt đó, lãnh đạo nhà trường đã xin ý kiến của toàn thể phụ huynh, linh động tạo điều kiện để các bé sinh đôi được đi học cùng nhau. Vì thế, tuy chỉ tiêu của Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm năm nay là 40 học sinh/2 lớp nhưng số bé trúng tuyển trong sáng nay đã nâng lên 42 bé.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều cha mẹ đang phải chấp nhận đặt cược vào hai “con đường” vào trường mầm non của con. Một, cho con học trái tuyến, hai, “bấm bụng” vào các trường tư thục với chi phí cao. Thậm chí, nhiều người phải gửi con về quê học trường làng.

Trong lúc chờ đợi, nhiều phụ huynh vui vẻ: Người ta nói, thời nay phải gọi là “Đại học mầm non”. Bởi vào mầm non công lập bây giờ “tỉ lệ chọi” còn ngang thậm chí cao hơn vào đại học. Nói có sách mách có chứng”, với mức điểm THPT quốc gia vừa công bố, sẽ “hiếm” người trượt đại học, thế nhưng tỉ lệ “trượt” mầm non công lập lại rất cao. Thứ hai, chi phí để gửi trẻ mầm non cao ngang ngửa chi phí cho sinh viên đại học. Rõ ràng, “mơ ước” cho con vào mầm non công lập cũng là để giảm gánh lo “cơm áo gạo tiền” của nhiều bậc phụ huynh.

Chưa hết cảnh dậy sớm xếp hàng nộp hồ sơ

Tưởng chừng tuyển sinh trực tuyến sẽ giúp phụ huynh đỡ vất vả, nhưng nhiều trường đang làm nửa vời khiến phụ huynh chật vật đi lại. Tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), phụ huynh vẫn đến từ 4h sáng để xếp hàng nộp hồ sơ cho con bởi trường chỉ áp dụng tuyển sinh trực tuyến với lớp 5 tuổi. Sáng 6.7, theo ghi nhận của PV Lao Động, thời gian mở cổng kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ lứa tuổi mẫu giáo bé (sinh năm 2014) là 7h30, nhưng từ tờ mờ sáng đã có hàng chục phụ huynh đứng chờ trước cổng trường để “đặt chỗ” cho con.

4h30 sáng, cổng Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu đã bắt đầu khoảng chục phụ huynh tập trung trước cổng. Càng về sáng số lượng người tập trung trước cổng trường càng đông hơn. Tâm trạng vội vàng, lo lắng, nhiều người còn đi đi lại lại để giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Nhiều người cầm trên tay nắm xôi mua vội ăn sáng chờ nộp hồ sơ cho con. Các bậc phụ huynh đều mang trong mình tâm lý phải đến thật sớm vì sợ nộp muộn là… hết suất cho con đi học dù có đầy đủ giấy tờ, hộ khẩu cư trú tại phường.

Nhiều phụ huynh đã phải tranh thủ đi thật sớm và xác định xin nghỉ làm buổi sáng để có thể nhập học cho con. Theo kinh nghiệm của những người đăng ký cho con vào tuổi đến trường, nếu không xếp hàng chờ thì sẽ khó đăng ký được nên chỉ có cách chờ đợi mới có hy vọng. Nhiều phụ huynh đến sớm đã tự thống nhất lập danh sách xếp hàng theo thứ tự từ người đến đầu tiên. Khi nhà trường mở cửa tuyển sinh sẽ lần lượt theo danh sách này vào nộp hồ sơ xin học cho con.

Theo bà Lợi (tổ 49 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy): “Đi sớm xếp hàng như thế này cho công bằng chứ cũng không biết cách thu hồ sơ của nhà trường như thế nào. Có khi cán bộ tuyển sinh lại gọi những người từ trái qua phải, người từ phải qua trái… người nào nhanh chân chen vào ngồi trước, người ngồi sau. Như thế thì còn lộn xộn hơn. Nên bây giờ chúng tôi xếp sẵn rồi, cứ theo thứ tự này, người nào đến trước thì được gọi trước, giảm bớt thời gian cho cả cán bộ tuyển sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con”.

Tương tự, nhiều trường hợp cả gia đình gác mọi công việc để đi bốc thăm cho con vào mầm non. Anh Phạm Hoàng Hải (Định Công, Hoàng Mai) gương mặt mướt mát mồ hôi, tay vẫn quạt cho vợ và con: “Hôm nay, vợ chồng tôi đều nghỉ làm đi bốc thăm cho cháu vào Trường Mầm non Thực hành Linh Đàm. Vợ chồng tôi xem đây là sự kiện lớn đấy”.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khóc, cười chuyện bốc thăm vào trường mầm non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO