Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Rà soát kỹ, không chủ quan

Đình Nam/VGP| 18/06/2020 20:23

Sáng 17/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ GD&ĐT rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cùng dự có GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một số chuyên gia giáo dục.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Rà soát kỹ, không chủ quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát kỹ lưỡng các khâu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT cho biết đến nay Bộ đã ban hành Quy chế kỳ thi, ra đề thi thử, tổ chức hội nghị trực tuyến với với 63 tỉnh/thành phố về công tác chuẩn bị thi; tập huấn cho các sở GD&ĐT; rà soát, hoàn thiện phần mềm chấm thi, quản lý thi; cung cấp thông tin về những điểm mới của kỳ thi…

Địa phương tổ chức, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi năm nay tiếp tục tinh thần “học gì, thi nấy”, kiểm tra kiến thức toàn diện, tránh học tủ, học lệch, đảm bảo trung thực, có sự đối sánh kết quả thi THPT với học bạ.

Kỳ thi năm nay nhiều điểm mới, đặc biệt không tổ chức cho giảng viên đại học về tham gia coi thi tại địa phương (những năm trước có khoảng 50.000 cán bộ, giảng viên được huy động).

Từ kinh nghiệm những năm trước, Bộ GD&ĐT hoàn thiện thêm một số điểm mới trong các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương liên quan đến in sao đề thi, trông thi, sắp xếp phòng thi, đánh số báo danh, chấm thi…

Về việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết sau khi Bộ công bố đề mẫu, đa phần các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển bởi đề thi vẫn bảo đảm độ phân hoá nhất định. Một số trường kết hợp với xét học bạ và một số phương thức khác.

Năm 2020, tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2019, khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Các trường ở tốp trên có mức độ cạnh tranh cao thì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10%. Vì vậy nếu có kết quả thi tốt thì cơ hội vào đại học của các thí sinh rất rộng mở.

“Thống kê một số năm cho thấy có một số thí sinh có điểm thi cao nhưng không đỗ đại học, trước hết các em cần tìm hiểu kỹ khi đăng ký nguyện vọng và được điều chỉnh sau khi có kết quả thi. Mặt khác Bộ GD&ĐT khuyến nghị các trường đại học, với quyền tự chủ tuyển sinh, cũng nên dành một số chỉ tiêu xét tuyển những thí sinh có điểm thi cao nhưng chưa đỗ vào trường, ngành học yêu thích, tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh có năng lực có cơ hội được học theo đúng nguyện vọng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi năm nay được giao cho địa phương tổ chức nhưng Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo, đặc biệt trực tiếp là những khâu quan trọng như xây dựng và ban hành quy chế thi, ra đề thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, tập huấn. Các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp quá trình tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Rà soát kỹ, không chủ quan

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Kỳ thi năm nay được giao cho địa phương tổ chức nhưng Bộ GD&ĐT cũng như cá nhân Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

Kỳ thi năm nay cũng phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh. Các hội đồng thi, điểm thi phải lường trước và có phương án xử lý nhanh nhất những tình huống thí sinh gặp vấn đề về sức khoẻ, quên giấy tờ, đến muộn vì lý do bất khả kháng…, không để thí sinh nào bị lỡ thi.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, hội đồng thi, điểm thi trong từng khâu tổ chức kỳ thi.

“Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi cho các địa phương, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm cuối cùng, sẽ diễn ra an toàn, trung thực, nhưng không gây nặng nề, căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh và xã hội”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ.

Còn bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng tình với những giải pháp của Bộ GD&ĐT đưa ra để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, trung thực, tạo sự yên tâm, thoải mái thí sinh, phụ huynh.

“Kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử của giáo viên cần được chú ý hơn nữa, đặc biệt với những tình huống có thể không có trong quy chế, để làm sao bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, không gây tâm lý nặng nề, căng thẳng”, bà Ngô Thị Minh góp ý.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Rà soát kỹ, không chủ quan

Ảnh: VGP/Đình Nam

Đảm bảo mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chính phủ đã có một lộ trình, trong đó có lộ trình đổi mới kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học gắn với tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình.

Trong những năm thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi, Phó Thủ tướng nêu rõ: So với trước năm 2015, kỳ thi đã có bước tiến rất dài. Bên cạnh những sai sót, kẽ hở, những điểm bất hợp lý, qua từng năm thì rõ ràng kỳ thi đã bớt căng thẳng, áp lực, học sinh bớt học lệch, học tủ. Cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học được mở rộng để học sinh có thể học đại học, học nghề theo năng lực, nguyện vọng và năng lực.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có 2 điểm dư luận xã hội, cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thứ nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức theo Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đòi hỏi kỳ thi bớt tính “đánh đố” nhưng đảm bảo sự phân hoá và độ tin cậy cho các trường đại học tham khảo để tuyển sinh. Thứ hai là kỳ thi năm nay, phù hợp với lộ trình đổi mới thi, song song với tinh thần phòng, chống dịch bệnh, khâu tổ chức được giao cho địa phương. Khi giao cho địa phương thì tính trung thực, khách quan, công bằng phải được đảm bảo.

Vì vậy, trên tinh thần thảo luận hôm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có một chỉ thị cụ thể, trên tinh thần, Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, trực tiếp chỉ đạo các khâu thuộc trách nhiệm của Bộ, trong đó đặc biệt lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Ở địa phương giao trách nhiệm cho UBND tỉnh, thành phố, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn; thực hiện đúng, nghiêm các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng: Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ đáp ứng được mục tiêu an toàn, nghiêm túc, trung thực nhưng không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh và xã hội.

Đây là năm cuối thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi theo Nghị quyết 29, nếu chúng ta thực hiện thành công thì sẽ tạo niềm tin, tạo đà để tiếp tục thực hiện các khâu đổi mới khác trong giáo dục, đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Rà soát kỹ, không chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO