"Làm mới" hoạt động của bảo tàng

Khánh Thư| 21/05/2020 16:43

Trưng bày trực tuyến là một hình thức đã được nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng và thu được những hiệu quả nhất định. Ở Việt Nam, việc trưng bày, triển lãm, giới thiệu hiện vật trực tuyến mới được một số bảo tàng triển khai. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2020, cùng hưởng ứng các hoạt động của ICOM Việt Nam, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có công văn gửi các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam đưa ra một số định hướng để các bảo tàng chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức ho

“Làm mới” hoạt động của bảo tàng
Một video giới thiệu hiện vật của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Công nghệ góp phần quảng bá di sản

Để tăng sự tương tác giữa bảo tàng với công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa thực hiện một số video giới thiệu hiện vật, không gian trưng bày truyền thông trên mạng xã hội. Sau nhiều công đoạn chuẩn bị từ lên ý tưởng, thuyết minh nội dung trưng bày, quay phim, biên tập và dựng phim, nhiều câu chuyện thú vị về hiện vật đã được lan tỏa như một cách quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa truyền thống đến đông đảo công chúng. Đó là câu chuyện về chiếc khèn của người Hmông, nón lá làng Chuông… Qua mỗi video, công chúng có thể hiểu thêm về các hiện vật, không gian trưng bày hiện vật của bảo tàng. 

Là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trần Thị Huyền Trang cho biết cô cảm thấy rất ấn tượng với các hiện vật qua video trên mạng xã hội. “Tôi thấy đây là một cách thức khá mới mẻ đối với các bảo tàng tại Việt Nam và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Khách tham quan ngồi ở nhà vẫn có thể tìm hiểu được những thông tin thú vị của hiện vật. Bằng cách này, bảo tàng có thể tiếp cận đông đảo công chúng nhất là giới trẻ vì đây là đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất” - Huyền Trang chia sẻ.

Không đợi đến khi mở cửa trở lại, ngay trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức các triển lãm trực tuyến. Những bức tranh cổ động nổi tiếng, những tác phẩm hội họa đặc sắc thời kỳ chống Mỹ đang được bảo tàng lưu giữ, lần lượt được giới thiệu cùng những câu chuyện bên lề tác phẩm đã thu hút được đông đảo công chúng với các lượt like và chia sẻ. Việc mở triển lãm trực tuyến phục vụ công chúng trong lúc cả xã hội tập trung chống Covid-19 được đánh giá như một hướng đi thích hợp, giúp công chúng nhất là công chúng chưa có điều kiện đến bảo tàng có thể thưởng lãm hiện vật của bảo tàng. Gần đây nhất, dẫu đã mở cửa trở lại nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì triển lãm online. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Bảo tàng giới thiệu 28 tác phẩm chọn lọc với chủ đề "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" (tại website và fanpage) để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị lãnh tụ, nhà văn hóa kiệt xuất đối với dân tộc Việt Nam. 

Không riêng gì bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hình thức triển lãm trưng bày và giới thiệu hiện vật online đang được nhiều bảo tàng triển khai để đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Số hóa hiện vật và trưng bày trực tuyến

Ngày quốc tế bảo tàng (18/5) năm nay, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn chủ đề “Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và hòa nhập” nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cũng như đội ngũ cán bộ làm việc tại bảo tàng. Để ứng phó với khó khăn do sự bùng phát liên tục của dịch Covid-19 đã hạn chế sự tiếp cận của bảo tàng với khách tham quan, ICOM khuyến khích các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội. Việc đa dạng cách thức giới thiệu sưu tập hiện vật trực tuyến có thể triển khai thông qua việc đẩy mạnh việc số hóa hình ảnh các sưu tập hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật kèm với các giải thích; xây dựng các cổng thông tin trực tuyến của bảo tàng, khuyến khích khách tham quan tham gia tìm hiểu nội dung trưng bày của bảo tàng thông qua cổng thông tin này… 

“Làm mới” hoạt động của bảo tàng
Nhiều triển lãm online được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện.

Thực tế cho thấy trên thế giới đã có nhiều bảo tàng mở cửa trực tuyến giúp người xem tiếp cận những tác phẩm nổi tiếng thế giới mà không cần ra khỏi nhà. Với sự trợ giúp của công nghệ, người xem có thể khám phá, thưởng thức những tác phẩm hiện vật ở những bảo tàng danh tiếng  - nơi mà không phải ai cũng có điều kiện đặt chân đến. Và dù không thể tham quan trực tiếp nhưng những kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật từ chuyến tham quan trực tuyến này cũng đem đến cho người xem những trải nghiệm thú vị. 

Ở Việt Nam, dẫu hình thức triển lãm, giới thiệu hiện vật online mới được một số bảo tàng triển khai nhưng cũng đã có nhiều hứa hẹn cho sự sôi động trong hoạt động của các bảo tàng. Chủ đề “Đa dạng và hòa nhập” của ICOM đề ra năm nay đặt ra những thách thức với các bảo tàng của Việt Nam đòi hỏi bảo tàng phải tiếp tục đổi mới, xây dựng hình thức tham quan trực tuyến, đa dạng nội dung giới thiệu đến với khách tham quan… Có như thế mới có thể “làm mới” hoạt động bảo tàng và thu hút công chúng. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
"Làm mới" hoạt động của bảo tàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO