Lung linh mặt nước

Nguyễn Thị Phương Thảo| 11/03/2020 17:50

Khi những hạt nắng mỏng và nhẹ của mùa xuân đang dần tan ra trong không trung, khi ánh sáng cuối ngày đã bớt trong văn vắt, tôi dắt tay con gái đi dọc đường làng.

Lung linh mặt nước

Khi những hạt nắng mỏng và nhẹ của mùa xuân đang dần tan ra trong không trung, khi ánh sáng cuối ngày đã bớt trong văn vắt, tôi dắt tay con gái đi dọc đường làng. Con đường trước kia quanh co, thấp và bẩn với những bụi cúc tần, tre dây, thèn đen… không còn nữa. Dù đường vẫn quanh co, nhỏ hẹp như trước, nhưng đã được tôn cao, trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Hai bên đường là những bức tường, những cánh cửa sắt, cửa gỗ hoặc đóng im ỉm hoặc mở toang nhìn thấu đáy nhà. Chỗ trước kia từng là ao chuôm, mỗi buổi chiều mơ màng và lãng đãng thường ran lên tiếng ếch nhái, bây giờ là cửa hàng tạp hóa, là quán cắt tóc gội đầu, quán cà phê… Đôi chỗ, cành khế vươn cao, xòa ra đường, rủ xuống những ngôi sao xanh lúc lỉu, lấp ló trong tán lá. Chợt nhiên, con gái reo lên: Đây là gì, mẹ ơi! Trước mắt hai mẹ con, bức tường thấp ngang ngực, trải ra một tấm thảm xanh ngọc. Xoa dịu đôi mắt vốn mỏi vì điện thoại, máy tính… tôi nói với con, thì thầm như nói với chính mình: giàn bầu, con ạ! Giàn bầu làm sống lại trong tôi những kí ức xa xưa…

Thuở ấy, khi còn là một đứa trẻ, tôi ở quê với ông bà nội. Tôi thân thuộc với đường làng, ngõ xóm; yêu từng bụi dành dành mọc bên bờ ao nở hoa trắng xóa mỗi độ chớm hè; yêu bụi thèn đen quả chín mọng tím thẫm ngón tay; yêu bụi hạt cườm phất phơ hoa mọc sát mép nước… Và tôi yêu giàn bầu với một niềm say mê khó tả… Ở quê tôi, người ta thường bắc giàn cho bầu, mướp, bí… vươn ra ao. Tôi có hỏi thì bà nội tôi rằng: cây bầu ưa nước, con ạ.

Bắc giàn ra ao để nó ra nhiều quả hơn! Tôi nhớ, khi bà kều trên gác bếp xuống quả bầu khô đen bóng vì bồ hóng, tôi đã cầm lấy, lắc lắc… Trong quả bầu, những tiếng kêu vang lên, như những tiếng reo mừng… Khi bà lụi hụi gieo những hạt bầu đen nhánh xuống bầu đất góc vườn, tôi đã háo hức đếm từng hạt, háo hức nhặt những thanh củi nhỏ để bà rào quanh hốc bầu cho gà khỏi bới. Tôi đã mong chờ từng ngày xem hạt bầu đã nảy hay chưa… Và khi những mầm non tách vỏ, nhìn thấy hai mầm lá xanh non, dầy dặn chui lên khỏi mặt đất, tôi mừng rỡ như được quà! Bẵng đi mấy hôm mưa xuân ẩm ướt, tôi ào ra góc vườn. Chao ôi, những cây bầu đã lớn hẳn! Chúng đã cao đến cả gang tay, đã mọc thêm lá, và nhất là chúng có một màu xanh non tươi mát. Mà thật lạ lùng, cái ngọn bầu càng ngày càng nhỏ, ở nách lá xuất hiện những “sợi dây” xanh mảnh khảnh, huơ huơ trước gió.

Bà nói: “À, cây bầu đã ra tay, phải bắt nó lên giàn thôi!”. Vừa nói, bà vừa rút cành tre, cắm xuống đất, ngay sát những cây bầu. Những cây bầu lớn nhanh như thổi. Tôi tự hỏi, không biết nó lớn lúc nào mà nhanh đến thế! Chỉ vài hôm, thân cây đã dài ra, những tay bầu mọc ra nhiều hơn, quấn chặt lấy những cành tre bà bắc, háo hức bò lên giàn. Chúng tranh nhau bò, vươn ra kín giàn lúc nào không hay… Lá bầu to, có lớp lông mịn như nhung nên trông dầy dặn và êm ái vô cùng. Khi bầu đã bò kín giàn, thấp thoáng trong màu xanh ngọc ngà là những bông hoa trắng ngần. Hoa bầu nhỏ hơn hoa mướp. Khi nở, nó hướng lên trời, gọi mời ong bướm. Nhưng khi đậu quả, những quả bầu nặng dần, trĩu xuống và thả lửng lơ… Hiếm có giống nào ra nhiều quả và quả lớn nhanh như bầu. Những quả ra cùng đợt với nhau, to đều như nhau, rủ bóng xuống mặt ao. Trông chúng như những giọt ngọc, đung đưa, ngắm mình trong sắc áo xanh lốm đốm. Bà dặn tôi: “Con không được chỉ tay vào quả bầu, chúng thui đấy!”. Làm sao tôi có thể chạm vào chúng, khi tôi ngồi trên bờ, còn chúng vươn ra ao, thũng thẵng trên mặt nước lung linh. 

Bà tôi cắt gần hết những quả bầu trên giàn, xếp gọn gàng vào hai cái thúng. Bà bảo, bà mang sang chợ Nhật (không biết do chợ ở làng Nhật Quang hay chợ họp cách nhật mà người dân quê tôi gọi như thế), để bán. Nếu đến phiên chợ sau, bầu sẽ già. Bà đọc câu ca “Bầu già thì ném xuống ao. Bí già đóng cửa làm cao lấy tiền”. Quả bầu ra hoa đầu tiên, không phải quả to nhất, nhưng bà giữ lại để làm giống. Rồi nó sẽ già dần đi, sẽ lại được lên gác bếp để chờ đến mùa năm sau. Khi bà tôi đi chợ về, bà xuống ao mò trai để nấu canh bầu. Quả bầu to quá, bà cắt phần đuôi, còn già nửa quả vẫn lủng lẳng trên giàn. Những giọt nhựa ứa ra, đặc quánh lại quanh phần quả bị cắt…

Giàn bầu là một phần tuổi thơ tôi. Nhìn giàn bầu, tôi như thấy mặt ao quê tôi xưa, lung linh trước mắt. Tôi như thấy mình nhỏ lại, say mê ngắm nhìn màu lá xanh mát rười rượi, say mê ngước mắt nhìn lên để thấy trời lấp ló qua kẽ lá bầu rung rinh trong gió. Và tôi như thấy bà tôi, dáng người nhỏ bé, đang lội dưới ao cắt từng quả bầu, thận trọng đặt chúng vào chiếc thúng… Nơi tôi ở bây giờ, vùng ngoại ô đang đô thị hóa từng ngày, may mắn còn sót lại giàn bầu. Dẫu không soi mình trên mặt nước lung linh, nhưng nó thật mềm mại, thật yên ả, thật thanh bình… Không biết, còn đứa trẻ nào như tôi xưa kia, thích thú ngồi ngắm giàn bầu bắc ra ao?
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lung linh mặt nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO