Một góc nhìn cuộc sống từ sân khấu - nghệ sĩ

Phương Bình| 27/07/2021 16:26

Một góc nhìn cuộc sống từ sân khấu - nghệ sĩ
Cuốn sách “Sân khấu - Nghệ sĩ - Và một góc nhìn cuộc sống” của nhà thơ, NSND Lê Huy Quang được Nhà nước đặt hàng.
Nhà xuất bản Sân khấu (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) vừa phát hành cuốn sách Sân khấu -  Nghệ sĩ - Và một góc nhìn cuộc sống. Đây là cuốn sách của nhà thơ, NSND Lê Huy Quang được Nhà nước đặt hàng. 

Sách dày 542 trang khổ 14.5 x 20.5 cm gồm 4 phần: Sân khấu, Nghệ sĩ, Và một góc nhìn cuộc sống, Phụ lục; phản ánh đời sống văn học nghệ thuật và chân dung các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ biểu diễn… đã qua đời, nổi tiếng, thành danh và đang hoạt động tại Thủ đô Hà Nội cũng như trên cả nước trong suốt nửa thế kỷ qua.

Với nhiều năm lăn lộn trong hậu trường và cánh gà sân khấu, được “sống” cùng sân khấu và từ đó có những trải nghiệm về quá trình sáng tạo nghệ thuật trên sàn diễn, NSND Lê Huy Quang đã có nhiều bài viết - những suy nghĩ của riêng mình - về văn học, nghệ thuật được thể hiện trong phần I của tập sách. Đây không chỉ là những quan niệm về công tác nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu trên nửa thế kỷ qua, mà còn là những cảm xúc, đánh giá, nhận định, ghi chép… qua những vở diễn của đồng nghiệp, hay những tác phẩm mà ông trực tiếp thiết kế mỹ thuật. 

Trong phần II và phần III, tác giả viết về chân dung các nhà văn, tác giả, nhà thơ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật như: Học Phi, Lộng Chương, Mịch Quang, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ…; Giải thưởng Nhà nước như: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Xuân Trình, Hồng Phi, Chu Lai… Bên cạnh đó, tác giả còn khắc họa rõ nét chân dung một số đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng của ngành sân khấu như kịch sĩ, nhà thơ Lê Đại Thanh; NSND tuồng Bạch Trà; NSND chèo Minh Lý; NSND, đạo diễn Xuân Đàm; NSND, đạo diễn Xuân Huyền; NSND Trọng Khôi; NSND Lê Tiến Thọ; NSND Hoàng Khiềm; các NSƯT Đoàn Anh Thắng, Chiều Xuân, Mỹ Linh… cùng các nhà thơ, nhà văn - ngoài công việc văn chương, còn đam mê hội họa như Trần Nhương, Nguyễn Đình Chính, Đỗ Trung Lai. 

Là một họa sĩ nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, NSND Lê Huy Quang đã thiết kế mỹ thuật cho trên 300 vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, dân ca đến kịch nói, nhạc vũ kịch, ca múa nhạc, múa rối, xiếc. Chính từ trong “bếp núc” của sân khấu, ông đã gặp gỡ, quen biết nhiều họa sĩ đã từng thiết kế sân khấu và điện ảnh mà ông yêu mến, quý trọng như danh họa Bùi Xuân Phái (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật)..., họa sĩ Lê Huy Hòa - họa sĩ Ngô Mạnh Lân (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật), Tường Vân; và các họa sĩ tên tuổi như: Từ Thành, Lê Huy Tiếp, Lê Trí Dũng, Công Quốc Hà, Lê Quang Chiến… Rất tiếc vì dung lượng có hạn, nên một số bài viết về các văn nghệ sĩ trẻ, chưa thể có mặt trong cuốn sách này.

Ngoài ra, phần Phụ lục của cuốn sách còn in 3 vở kịch nói về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính - bộ đội Cụ Hồ (Họ vẫn là người lính; Một thời lầm lỡ; Phía trước là niềm tin) để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về những công việc “bếp núc” của tác giả, NSND Lê Huy Quang, trên con đường sáng tạo nghệ thuật sân khấu.        

Văn học nghệ thuật là một dòng chảy không ngừng giữa hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống, và không thể nào tách rời khỏi cuộc sống. Vì thế, với tư cách là một nghệ sĩ đã nhiều năm gắn bó với “thánh đường sân khấu”, NSND Lê Huy Quang đã gửi gắm lòng mình với nghệ thuật sân khấu, với các nghệ sĩ, với cuộc sống. Và như thế - như lời tự bạch của ông về cuốn sách - mục đích cuối cùng và quan thiết nhất, chính là mang đến một niềm vui nhỏ nhoi, bình dị, cho những người vẫn đang bị hấp dẫn bởi ánh đèn sân khấu hôm nay, cũng như những ai đã và đang yêu quý các nghệ sĩ! 
(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Một góc nhìn cuộc sống từ sân khấu - nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO