''Một thời hành điệu'' - Những thanh âm cuộc sống

Phùng Văn Khai| 31/05/2020 09:31

Phật ở ngay trong trái tim mỗi con người. Điều giản dị ấy không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, thậm chí có người cả đời không ngộ được cũng là lẽ thường.

''Một thời hành điệu'' - Những thanh âm cuộc sống
Đại đức Thích Đồng Đạo cùng tác giả bài viết.
Phật ở ngay trong trái tim mỗi con người. Điều giản dị ấy không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, thậm chí có người cả đời không ngộ được cũng là lẽ thường. Trong cõi chúng sinh vô vàn ấy, những khát vọng thiện lành rất cần được nhân lên, thực hiện, đưa tới cho chính con người, để con người cân bằng hơn, giúp cuộc sống thêm thanh bình xuân sắc.

Tôi đã gặp con người như thế, không chỉ trực tiếp chuyện trò, đàm đạo việc đạo việc đời mà còn được đi sâu trong từng cung bậc, đồng điệu sẻ chia, cả những băn khoăn ngẫm ngợi, khát vọng và suy tư đã hiện ra một cách chân thành. Đó là Đại đức Thích Đồng Đạo và tập truyện Một thời hành điệu của thầy.

Đại đức Thích Đồng Đạo mười một tuổi vào chùa tu Phật, thấm thoắt cũng đã vài chục năm. Từ cậu thiếu niên lam làm hiếu động tới chốn tu hành quy củ thâm nghiêm hẳn đã phải tự vượt qua chính mình, vượt qua không ít quan ải thác ghềnh sóng ngầm bão lốc. Bão thổi trong lòng người cuồn cuộn cũng là thử thách dạ sắt gan vàng không dễ dàng tự bước được qua. Vậy mà cậu bé Tèo tinh nghịch nhưng cũng đầy cả nghĩ ấy đã vượt qua từng chặng, từng chặng. Có những khúc vượt qua rồi không dám nghĩ là mình đã đi qua.

''Một thời hành điệu'' - Những thanh âm cuộc sống
Bìa sách

Một thời hành điệu nhiều cung bậc cảm xúc. Nhưng hiện ra rõ ràng nhất, ám ảnh người đọc nhất chính là vô vàn thanh âm cuộc sống. Những gì thường nhật của con người, từ cậu bé Tèo đến đám thằng Hân, thằng Linh, thằng Còi, thằng Đạt, anh Trung chăn bò, bà Ba bảy mươi tuổi trẻ như bà tiên… đã lần lượt được vẽ lên từ sự rung động chân thành, từ trái tim nóng hổi và tâm hồn san sẻ. Một thời hành điệu bởi vậy mau chóng chạm tới trái tim người đọc. Câu chữ giản dị, cách kể chuyện gợi mở, những điểm nhìn thành thực, sáng trong chính là điểm sáng nhân văn trong Một thời hành điệu.

Đại đức Thích Đồng Đạo không chỉ giỏi ngoại ngữ mà vốn tiếng Việt của thầy cũng rất phong phú, nhất là ngôn ngữ từ chính quê hương bản quán của thầy - vùng đất võ Bình Định ngang tàng mà cũng đầy uyển chuyển trong công cuộc mưu sinh.

Đã thấy lấp ló tài văn từ Một thời hành điệu. Tài văn ở đây không phải câu chữ bổng trầm, càng không phải những cốt truyện éo le, bi lụy, mà là những gì thân thuộc nhất, những thanh âm của cuộc sống se sẽ hiện ra, nhắc nhở, gợi về, hướng tới. 

Cả tập truyện nhất quán về phong cách thể hiện. Trong chính mình có điều gì đều được gạn đục khơi trong đưa tới người đọc, như mình nói với mình, nói với đồng đạo, nói với cuộc đời. Chính sự giản dị của văn phong là cách thể hiện tài tình nhất những chất chứa nội tâm, chiêm nghiệm từ cuộc đời bề bộn mà gọi ra, tìm nhặt những hạt vàng lấp lánh cũng là cuộc giao thoa giữa đạo và đời trong Một thời hành điệu.

Ý thức rất rõ việc viết ra những câu chuyện từ cuộc đời mình, từ những gì mình nhìn thấy, mình cảm nhận cũng là một thanh âm, những thanh âm hữu ích trong cuộc sống. Tự thân cuộc sống bao giờ cũng cao hơn những triết lý cao siêu. Những bài học lớn bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống. Bởi vậy, Đại đức Thích Đồng Đạo đã tự tìm riêng cho mình một lối đi, một cách làm, sự thực hành trong cuộc đời dài rộng.

Một thời hành điệu còn có vẻ đẹp ở sự thực hành. Sự thực hành diễn ra trong mỗi câu chuyện nhỏ. Sự thực hành ngân lên, đánh thức, đồng hành với mọi người. Đó cũng là khao khát lớn của người cầm bút.

Một thời hành điệu có những trang viết rất hay về người mẹ: “Ngày mai mình đi rồi. Cuộc sống má mình sẽ ra sao đây? Ai sẽ phụ má tát nước, ai sẽ gánh lúa từ ruộng về cùng má kia chứ, ai sẽ lo cho hai đứa em? Một mình má gánh hết hay sao? Vì cái ăn, cái mặc cho mấy đứa mà má phải như con cò ốm gầy lặn lội từ mờ sáng đến tối mịt… Ngày mai mình đi rồi má trông cậy vào ai?”.

Những câu hỏi vang lên chất chứa. Nghĩ về người mẹ dứt ruột sinh con ra nuôi dưỡng lớn khôn để mong được cậy nhờ khi tuổi chiều xế bóng, nay con đi tách biệt sang một địa hạt mới mẻ, liệu rồi có chân cứng đá mềm? Con ơi! Có người mẹ nào không đêm ngày lo lắng dõi theo từng bữa ăn giấc ngủ của con? Ở nơi khác thường ấy, liệu cuộc sống của con có ổn định như niềm mong của mẹ?

Những lời độc thoại, những câu hỏi cứa rất sâu vào tim óc con người. Cậu bé hơn mười tuổi đầu đã sớm phải đối diện với những câu hỏi lớn. Đó cũng là những thử thách miên man, đằng đẵng tới hôm nay.

Một thời hành điệu còn là sự giãi bày gan ruột để chúng ta có cái nhìn công tâm và bình tâm hơn về sự trưởng thành của mỗi con người trong môi trường Phật giáo. Ở đó có nhiều lắm những tâm hồn dung dị, sẻ chia. Ở đó cũng rất cần chia sẻ. Đó cũng là sự hòa đồng, sự bổ sung cho nhau giữa đạo và đời. Để đạo và đời luôn tươi xanh trong cuộc sống.

Một thời hành điệu - những thanh âm cuộc sống đã và đang đến với cuộc sống ở ngoài kia, như dòng suối dòng sông chảy đến tận cùng góp lên biển rộng. Trong chặng đường miệt mài ấy, những thanh âm hữu ích đã góp phần tạo dựng niềm tin, tạo thành lẽ sống ở đời.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
''Một thời hành điệu'' - Những thanh âm cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO