Mùa kỷ niệm

Bùi Việt Phương| 17/03/2020 15:26

Tắm xong cơn mưa đầu hè, áo đứa nào cũng lướt thướt, cười ngặt nghẽo vì những trò đùa rồi đứa nào đứa ấy mất hút vào từng lối mòn, vào từng ngôi nhà vắng. Cơn mưa, cơn sốt níu chân tôi với chiếc giường. Một sớm thức dậy nghe cha tôi bảo trường nghỉ học rồi, hôm con ốm là buổi học cuối năm.

Mùa kỷ niệm

Tôi chạy lên đồi, cỏ xanh đã mọc tràn lối đi. Tôi lên sân trường, bao nhiêu cái hang dế mèn đã xới tung những vạch vôi trắng. Những mái lá lặng thinh trong nắng. Ba tháng nghỉ hè mênh mông tôi thả hồn vào tiếng ve, thi thoảng nhớ quá lại lên thăm trường gianh tre trên đồi, lục lọi từng ngăn bàn, tìm một thứ gì là dấu ấn của ngày còn đến lớp như cái thước kẻ gãy, ngòi bút, mẩu phấn…

Mùa hè này, tôi khép cửa bước ra đường vào một buổi chiều nhiều ưu tư. Gió lặng, trời trong xanh không vấn vít một gợn mây. Những ngôi nhà trên phố cũng khép chặt từng ô cửa, tiếng máy điều hòa chạy ro ro, bên trong là cuộc sống náo nức, những chuyến đi đang bị dồn nén, cương tỏa bởi cái nóng. Tôi lặng lẽ ngắm núi đồi phía xa thành phố mỗi ngày như một xa dần, rừng đưa tiếng chim đi mất hút. Phía cuối con đường là ngôi trường nhỏ, ve ngân trong lá, tiếng ngân cô độc giữa phố xá ồn ào. Trống đã tan trường, vài đứa bé còn đứng ngước lên vòm lá bằng cặp kính dày nheo mắt tranh cãi nhau về chủ nhân của âm thanh kỳ diệu ấy. Thế rồi chúng vội vã chạy ra chiếc taxi mà cha mẹ đã thuê đón đi học hàng ngày. Hôm nay, cũng ngày cuối cùng của một năm học. Một chút tuổi thơ ngơ ngác, hồn nhiên vừa tuột khỏi tay các em rồi ư?

Chị ở làng tôi có một quán nước bên sông, nơi có cảng cũ giờ chỉ còn ngổn ngang những ống cống, vật liệu xây dựng. Những mảng bê tông nứt vỡ của bậc thang gợi nhớ một thời xà lan tấp nập. Bao mùa hè qua, cái quán nước đầy ắp gió sông của chị vẫn neo nơi bến cũ, chị cứ tất tả cây mía, quả dừa, gói bò khô, cóc, ổi… phục vụ những người khách xa quê trở về mà nguôi ngoai cái tuổi chớm lục tuần. Tôi hỏi chị bóng mát này là gốc bằng lăng hai chị em trồng ngày tôi xuống đò xa quê đúng không? Chị bảo chị chẳng nhớ làm gì cho nhọc, nhớ nhiều buồn nhiều, có bóng mát thì cậu cứ mắc võng mà nằm đi. Ôi, mùa hè của chị, cứ đầu tắt mặt tối với những đồng tiền lẻ, thoát chốc thấy quán vắng khách, ngước lên phía thượng nguồn đã lại heo may, gió bấc. 

Những ngày mưa bão, cái cọc bê tông chị thường dùng để buộc dây bạt chơ vơ giữa trời, những con thuyền dưới sông lắc lư, từ cửa sổ nhìn ra, tôi lại đưa mắt kiếm tìm một chút gì sót lại của cái quán vắng. Nắng lên, đường khô, phố xá lại nườm nượp những hy vọng mới. Thấy vài người bán quần áo hạ giá trải bạt bày hàng mời khách dưới tán băng lăng hoa đã rụng, giờ bung những chùm hoa mới. Một ngày, rồi hai ngày, tôi bước chân xuống phố thấy mọi người xôn xao chị đã mất, chiều nay đưa tang. Người ủ bệnh như hòn than ủ trấu, gặp dịp là bùng lên. Đám tang lướt qua con đường vắng có cái quán nước, đường đông hay người ta có ý đi chậm lại để vong linh người quá cố dừng chân nơi cả một đời lam lũ. Rồi tất cả lại trở về ồn ã, một người nào đó lại căng bạt bán hàng như chưa từng có bóng chị nơi ấy. Chị vốn chẳng muốn nhớ gì? Nghĩ cũng buồn.

Trưa nay, tôi không thể chợp mắt trên chiếc ghế dài bằng gỗ mát rượi. Vợ tôi bảo oi thế thể nào chiều nay cũng có mưa giông. Nhưng thực ra, tôi mải xem bức ảnh trong chiếc Ipad mỏng mà một người bạn giờ làm giáo viên đã gửi cho tôi. Trong khung hình ấy là một ngôi trường như bao ngôi trường khác. Cũng những dãy nhà cao tầng, hoa phượng, bằng lăng, những hình dáng học trò và thày cô. Có chút gì xao xuyên trong tôi. Đó là ngôi trường tôi học, ừ đó là một kỷ niệm thời hoa niên, dẫu chẳng thể tìm ra một dấu tích nào của ngày xưa. Cũng phải, chẳng thể đòi hỏi tất cả phải vẹn nguyên như ngày nào, cũng như chị tôi bảo chẳng việc gì phải nhớ làm chi cho nặng lòng. Cuộc sống cứ thế trôi qua, những mùa hè đến và đi như một người qua đường lặng lẽ, mang theo những gì quý giá như là cách để đánh giấu sự ghé chân thường niên của mình. Mùa hè nào của tôi trong số ấy? Xa lắm, xa lắm rồi mà tôi vẫn ngỡ mới đâu đây. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mùa kỷ niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO