Mưa xuân

Nguyễn Minh Hoa| 10/04/2020 13:46

Xứ Bắc có bốn mùa. Những cơn mưa mùa hạ cho đất trời dịu lại sau những ngày nắng đổ lửa. Mùa thu họa hoằn mới có những cơn mưa ướt đường để người ta đỡ thương những bông hoa bạc cả màu cánh vì nắng cuối mùa. Còn những cơn mưa mùa đông khiến người ta sợ, chỉ mong rét ngọt chứ mưa trong giá lạnh thì thật đáng sợ.

Mưa xuân

Xứ Bắc có bốn mùa. Những cơn mưa mùa hạ cho đất trời dịu lại sau những ngày nắng đổ lửa. Mùa thu họa hoằn mới có những cơn mưa ướt đường để người ta đỡ thương những bông hoa bạc cả màu cánh vì nắng cuối mùa. Còn những cơn mưa mùa đông khiến người ta sợ, chỉ mong rét ngọt  chứ mưa trong giá lạnh thì thật đáng sợ. Chỉ khi mùa xuân đến, mưa xuân mới làm người ta ưng ý. Trong nhiều lễ hội mùa xuân, cầu mưa là một nghi thức khá quan trọng, mưa thuận gió hòa mới mong mùa màng tươi tốt, đời sống của dân thôn no đủ.

 Mưa bụi và se lạnh, lạnh đủ để con gái mang áo ấm làm duyên, nếu lỡ quên thì tô lại son môi thôi cũng đủ ấm. Không có nắng mà màu áo, màu son con gái tươi tắn cũng khiến phố bừng sáng. Đám thanh tân ồn ã tìm đến những quán hàng hoài cổ ngắm nhìn đầy lạ lẫm. Họ phải hỏi về một món đồ, là cái xe phượng hoàng, là hộp phấn con én, hay cái máy khâu từ thời xa lắc, bọc chỗ tay cầm là một miếng vải hoa con công. Ngoài kia mưa ướt áo, những bông hoa mang màu tươi tắn nhất, màu mà hoa dành dụm để có được trong làn mưa xuân, hay chính mưa xuân cho hoa màu đẹp như thế không biết. 

Những con đường ướt mưa dẫn về làng, lúa bén rễ đã xanh om, mưa đọng trên lá lúa, trên cỏ như những hạt ngọc trong vắt. Có ngày nắng nỏ, có tiết hanh hao, rồi chuyển gió giao mùa. Xuân về đem mưa đến, mưa lớp lớp cho cha trời mẹ đất giao hòa, cùng với đó vạn vật sinh sôi, vạn vật hồi sinh với một nguồn sinh khí ngập tràn. Thế nên trong mùa xuân, những làng, những tổng thường mở hội. Khách phương xa về theo lối cờ hội là về đến quán, đến đình. Trong làn mưa bụi khói hương không bay xa mà tan trong mưa. Người ta thành tâm dâng lễ vật đến vị thánh linh thiêng để cầu mong những an hòa, thịnh vượng. Đám rước từ miếu về đình đi trong mưa bay, những sơn son thếp vàng ướt mưa lấp lánh. Là thời gian, là đức tin tự tiền nhân truyền lại hay tự trong mỗi người hôm nay, mới như làn mưa vừa buông xuống. Đám rước đi qua cánh đồng, cơn gió như chậm lại. Gió truyền đi nguồn sinh khí tốt cho cả vùng trời, từ cổ thụ giữa cánh đồng, đến hàng cây gạo dưới bến sông, cho đến con mương dẫn nước vào cánh đồng và đến với mỗi người tín tâm. Lúa mới cấy gặp mưa xuân như nhìn thấy nhánh lên xanh. Tiếng trống âm vang qua cánh đồng, làng xã bên cũng lùng tùng trống hội. 

Đám rước qua làng, người trong làng sắp mâm lễ nhỏ bầy ra cổng dâng Thánh. Một lần nữa nhắc nhớ công trạng của ngài khai ấp lập làng, để dân làng hôm nay có ruộng đồng màu mỡ, hoa trái bốn mùa. Nhiều nhà mở toang cửa đón luồng sinh khí ấy. Mưa xuân bay cùng nếp nghĩ vượt thời gian trở về những ngày xa xưa,  giặc giã, thiên tai, đói kém, ngài đã hiển linh cứu giúp dân làng. Không gian thiêng  như rộng mở khắp vùng đất thờ ngài. Từ đình miếu, cho đến mỗi nóc nhà khói hương đang lan tỏa.

Mưa trong mấy ngày hội, bông hoa trong sân miếu, sân đền đẫm nước, hương hoa tan trong mưa xuân và lộc mầm cũng nao nức. Mưa nhắc người ta rằng mùa sẽ  thuận cho gieo trồng, sinh sôi, nảy nở. Mưa biến tan nỗi buồn về nơi thăm thẳm, mưa cho nguồn dương khí từ trời thấm xuống  đất nâu, sinh lực từ vũ trụ thấm trong hơi thở, phải cảm nhận được điều ấy mới là đón nhận trọn vẹn mùa xuân. 

Mưa ướt mái đình để rêu phủ, khói hương cũng vẫn tan trong mưa khiến không gian trở nên huyền ảo. Đám con gái lấy tay che đầu như thể làm duyên. Đám con trai thây kệ mưa buông, sau việc làng chúng tụ tập nói cười rôm rả. Nhiều ánh mắt gặp nhau ngại ngùng, cô gái cúi xuống lảng tránh. Những con ngõ nhỏ hình xương cá dắt lối về nhà, kẻ đi trước, người đi sau, mưa chùng chình khiến chẳng ai bước vội. Lạ thật, cứ đến hẹn là mùa xuân về, cứ đến ngày là làng mở hội, sao tâm trạng con người trong đám hội khác thế? Thấy gần gụi, da diết, thấy nhớ mong đến không ngủ. Mong cho trời sáng để ra việc làng, mong cho trời tối để đưa người về, mong giáp mặt để nói gì đó bâng quơ, điều nghĩ mãi thì chẳng dám nói.

Thế rồi, khi mưa cạn, le lói nắng mới từ cánh đồng lúa đã xanh có nhà gái nhận trầu cau người ngõ ngoài, với lời hẹn sau vụ tháng 10 xin được cưới hỏi liền tay.

Từ hôm mưa rửa cửa đình sau ngày lễ hội, đến đêm động trời chuyển mùa không mấy xa. Rồng đón lối, mây vần vũ, mưa về đúng cho lúa phất cờ mà lên. Mùa đã qua trong những nhớ nhung, nhớ một đêm hội xuân, cỏ nát ngái dưới chân bước,  mưa phủ bụi mà ấm áp lạ thường. Hai trái tim nghe thật rõ nhịp đập. Cô gái không nói nhận lời nhưng thủy chung như nhất với mối tình đầu. Để mấy chục năm đằng đẵng, có người thoát ly trên tỉnh mà không tuần nào không đạp xe về làng, lỉnh kỉnh quà treo ghi đông, là áo cho vợ, là đồ chơi cho con. Đến tuổi hưu, ông trả nhà tập thể, về xây tường hoa cho sân nhà gọn ghẽ, chặt tre, ngâm xoan sửa nhà ngang tươm tất, lo toan bao việc lớn cho vợ con. Mùa lại mùa qua, tóc pha sương, cháu con đầy nhà, ông vẫn nhặt cỏ mần trầu cho bà đun nước gội đầu. Ông nhớ suối tóc dài ướt mưa hội mùa xuân năm ấy.

Làng đã giao việc, hội mùa xuân năm sau, ông sẽ làm chủ tế, vì gia đình nhà mình tốt phúc lộc. Bà cũng nhớ hội xuân năm xưa, thế mà đã 50 năm. Thời gian đằng đẵng mà thu lại cũng chỉ trong lòng tay. Các con đi vắng cả, ông nắm lấy tay bà, khô gầy và đồi mồi đã mọc đầy.

Những hạt mưa xuân vẫn giăng mắc êm đềm như xưa. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mưa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO