Ngăn chặn bạo hành trong nhà trường: Việc cần làm ngay!

Linh Nhi/Hoài Thanh/HNM ghi| 08/12/2018 11:59

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các sự việc thầy, cô giáo bạo hành học sinh. Đã đến lúc cần có giải pháp chấn chỉnh đạo đức tại môi trường sư phạm một cách hiệu quả - đó là ý kiến chung của nhiều người khi trao đổi với phóng viên.

Ngăn chặn bạo hành trong nhà trường: Việc cần làm ngay!
Sứ mệnh của nhà giáo là tìm ra phương pháp giáo dục gần gũi, thân thiện với học trò. Ảnh: Thái Hiền

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội):
Nhà giáo cần được trang bị kỹ năng giáo dục nhiều hơn


Mỗi năm có khoảng 1 tỷ trẻ em, tương đương một nửa dân số trẻ em toàn thế giới phải gánh chịu bạo lực. Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, được phát hiện và giải quyết. Ba năm gần đây, với sự sát sao của các cấp, ngành chức năng, số vụ bạo lực xâm hại trẻ em ở Việt Nam giảm 3-4%, nhưng tính chất thì vẫn nghiêm trọng, phức tạp. 

Trên thực tế, văn bản và công tác chỉ đạo được quan tâm đầy đủ, triển khai sâu rộng, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan như ở một số địa phương trách nhiệm, sự vào cuộc, phối hợp bảo vệ an toàn cho trẻ em còn hạn chế; cơ sở giáo dục dành cho nhóm trẻ chuyên biệt, khuyết tật còn rất thiếu; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đầu tư kịp thời... dẫn đến bạo lực, bạo hành học sinh chưa được ngăn chặn. Song, tôi cho rằng việc cần làm ngay là tăng cường tập huấn, trang bị kỹ năng giáo dục cho đội ngũ giáo viên, để thầy cô tự răn bản thân nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức xử lý tình huống, không dễ bị tác động từ sức ép công việc, tâm tư, hoặc hoàn cảnh sống mà vi phạm đạo đức người làm thầy.
Ngăn chặn bạo hành trong nhà trường: Việc cần làm ngay!
Các thầy cô không chỉ cần được đào tạo nghiệp vụ mà còn cần được trang bị kỹ năng xử lý tình huống. Ảnh: Bá Hoạt

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ: 
Xâm phạm học sinh là hành vi không thể chấp nhận


Hành vi bạo lực học đường của thầy, cô giáo với học sinh xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy rất đáng báo động về nhân cách của giáo viên. Tôi rất buồn khi thấy đồng nghiệp của mình có những hành vi thể hiện sự yếu kém về năng lực, chuyên môn. Quá trình đào tạo sư phạm của ta không có môn học cụ thể về giáo dục đạo đức, kỹ năng sư phạm mà chỉ có một số học phần nói về đạo đức và chỉ tập trung vào lý thuyết, còn thực tế được tiếp xúc với học sinh rất ít. Khi hoàn thành chương trình sư phạm, sinh viên chỉ có hai tháng thực tập trước khi trở thành giáo viên chính thức. Những giờ thực tập này, sinh viên chỉ tập trung chủ yếu vào chuyên môn, chưa chú trọng việc ứng xử tình huống sư phạm, chưa được đánh giá về đạo đức. Do đó, nhiều người cho việc giáo dục học sinh bằng áp đặt, quát mắng là bình thường. Theo tôi, ngành Giáo dục hiện nay vẫn mang nặng tư duy bao cấp nên triệt tiêu ý thức phục  vụ của nhà giáo. Do vậy, phải nghiên cứu để thay đổi phương thức quản lý và tôi đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đưa ra khỏi ngành, không chần chừ đối với giáo viên bạo hành học sinh. Đây là giải pháp căn cơ giải quyết tận gốc vấn đề này.

Chị Phạm Mai Lan (phường Ngô Gia Tự, quận Long Biên):
Học sinh cần được yêu thương...


Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, học sinh phải tiếp xúc với quá nhiều thông tin, dư luận, tư tưởng, trong đó tích cực có song tiêu cực cũng rất nhiều. Làm thế nào để các em biết lựa chọn cái hay cái tốt, loại bỏ cái xấu, cái dở, để có tư duy, hành động, ý thức tốt trách nhiệm phần lớn thuộc về các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo. Các em học sinh phải chịu gánh nặng áp lực học hành, nên khó có thể tự kiểm soát tốt bản thân nếu thiếu vắng trách nhiệm giáo dục với kiến thức, phương pháp tốt từ phụ huynh và sự tận tâm, bao dung, nhiệt huyết, kỹ năng sư phạm tốt từ phía thầy cô giáo. Một học sinh hoàn thiện về nhân cách, học hành giỏi giang rất cần sự uốn nắn, kèm cặp, dạy bảo tận tâm từ phụ huynh và thầy cô. Vì vậy, người lớn chúng ta cần nghiêm khắc tự hỏi mình đã hết trách nhiệm chưa, còn yếu kém chỗ nào để không giáo dục được một đứa trẻ nên người, phải chăng mình bất lực nên phải dùng vũ lực với các em?

Cô Phạm Thanh Thủy, giáo viên Trường Mầm non Bình Minh (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm): 
Người thầy phải dùng năng lực sư phạm...


Sứ mệnh của nhà giáo là phải tìm ra phương pháp dạy học trò. Nếu thờ ơ, buông xuôi với học sinh hư, thầy cô còn đáng trách hơn vì có thái độ sống vô cảm, thiếu trách nhiệm. Việc thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế của ngành Giáo dục thì chúng ta phải lên án, kỷ luật. Nếu mắc lỗi lần đầu, không liên quan đến hình sự, thì nhà trường chỉ nên tạm đình chỉ công tác, sau đó tạo cơ hội để thầy cô trở lại lớp sửa sai. Nếu trường tạo điều kiện, giáo dục nhiều lần mà thầy cô vẫn không thay đổi thì lúc đó áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất là đuổi việc. Chúng ta cần cho người thầy cơ hội để tự sửa chữa, thấy đó là bài học xương máu của mình. Nếu không, các thầy, cô trẻ sẽ không dám làm gì cả. Chính nhà trường và công đoàn giáo dục phải là chỗ dựa, là nơi bảo vệ các thầy cô để họ yên tâm thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình. Việc xử lý cũng cần thấu tình đạt lý, đừng để thầy cô thấy không được bảo vệ mà mất đi niềm tin.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty phát triển trạm sạc xe điện
    Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
  • Thị trường bất động sản “bắt sóng” xu hướng “live - work - play”
    Xu hướng “live - work - play” (sống - làm việc - tận hưởng) đang là hướng đi đột phá của các nhà phát triển bất động sản cao cấp. Tòa căn hộ TC2 - The Canopy Summit (dự án The Canopy Residences, Vinhomes Smart City, Hà Nội) với hệ tiện ích vượt trên cả sự tiện nghi đang cho thấy khả năng nâng tầm xu hướng của thương hiệu BĐS hàng đầu.
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn bạo hành trong nhà trường: Việc cần làm ngay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO