Ngọt thơm bát nước chè đâm

Trần Thị Hồng Anh| 19/07/2020 07:21

Ngọt thơm bát nước chè đâm

Chẳng biết từ lúc nào chị thích uống nước chè đâm - một thứ nước uống có từ lâu đời của người Thái bản địa tại Quỳ Hợp, Nghệ An (tiếng Thái gọi là chè tắm). Có lẽ từ ngày đầu tiên, khi chị được bà mự bên chồng vấn tóc, buộc khăn và làm lễ gọi vía để trở thành con dâu Thái... Chị cũng không nhớ rõ nữa, chỉ biết lâu lâu không uống thì nhớ, cảm thấy thiêu thiếu. Như hôm nay, trước lúc về nhà bố mẹ, chị nhắn tin cho bà mự út: Mự làm nước chè đâm không? Làm thêm cho cháu với! Mự út chiều cháu dâu đã làm sẵn đợi trước từ sáng. Màu xanh của nước chè nổi lên trên màu trắng của bát sứ thật đẹp, như một đóa hoa xinh làm dịu cả nắng hè. Ngọn gió Lào ran rát cũng dừng lại ngoài khoảng sân rộng trước cái màu xanh đậm của bát nước chè đâm. 

Bưng bát nước nhấp một ngụm, chị để cho vị chát ngấm từ từ, rồi vị ngọt lan dần trong miệng. Chốc lát bao nhiêu cái nóng thiêu đốt của con đường ngoài kia tan biến. Chỉ còn lại vị ngọt mát phảng phất hương thơm của chè đồi già nắng và tình cảm của người thân yêu. 

Ngày mới về làm dâu, nhìn bát nước chè xanh ngát mà chị ngại ngần, nhấp một tí vì nể người mời. Nhưng sau khi uống, chị thích như trẻ con thích nước ngọt. Vừa lạ lẫm, lại vừa thân thuộc của hương chè xanh ngậm nắng. Dư vị thơm ngọt cứ đọng lại mãi trong miệng và trên chóp mũi. 

Vùng đất nơi chị sống và làm việc có rất nhiều chè, những đồi chè nối tiếp nhau không dứt óng ánh dưới ánh nắng. Hầu hết nhà ai cũng trồng ít nhất một vài hàng để uống. Người ta đặt một công ty chế biến chè ở đây nhưng chè đâm là một cách pha chế độc đáo, riêng biệt của bà con trong các bản làng. Từ xa xưa, người Thái thường lấy lá và vỏ cây rừng giã ra rồi nấu nước uống. Khi biết đến cây chè thì họ dùng loại cây này thay cho cây rừng. Ngày trước, nước chè đâm chỉ được làm khi có lễ hội hay có khách, nhưng bây giờ trong nhà bố mẹ hay chú bác xung quanh nghỉ hưu rảnh rỗi nên lúc nào cũng có.

Trong các loại nước uống từ chè xanh thì nước chè đâm là công phu nhất. Để làm được bát nước chè ngon, có màu xanh đẹp mắt, người hái chè phải chọn những nhánh chè lá dày, không bị đỏ ngọn, không bị khuất nắng. Đem về rửa nhẹ tay để chè không bị dập, phải đâm khi chè vẫn còn ướt nước. Chè bỏ vào đâm cắt ra, có cả lá và cành thì mới đạt yêu cầu. Dụng cụ đâm chè là một cái cối làm từ ống mét già lót một miếng gỗ ở đáy, một cái chày gỗ và một cái huột (đồ vật đan bằng tre có các lỗ nhỏ) để lóng bã chè. Mỗi sáng bố chị thường làm việc này, chị muốn làm thay ông cũng không cho. Ông bảo, muốn ngon thì phải đâm chè đều tay, không quá nát, mà tay con yếu không làm được đâu. Chị đành ngồi bên cạnh nhìn ông làm. Chè đâm xong rồi thì lấy một ca nước sôi nguội đổ vào, rồi rót qua cái lóng, khi uống pha thêm nước nóng (theo công thức ba sôi hai lạnh). Tùy theo thời tiết và sở thích của từng người mà có thể dùng nóng hay dùng lạnh. Rảnh rỗi, mọi người tập trung lại, tiếng cười nói vui vẻ, rộn ràng cả xóm nhỏ, ấm nước vơi dần trong những câu chuyện tâm tình. Mỗi lần uống bát nước chè đâm ở nơi khác, chị lại nhớ về cảm giác ấm áp của xóm làng, của gia đình nơi quê hương. 

Giờ đây, không chỉ có người Thái mới uống chè đâm. Nhiều nhà ở thị trấn cũng đã học cách làm để uống hàng ngày bởi nó dễ uống, không say và tốt cho sức khỏe. Đi dọc theo con đường bao quanh hồ Thung Mây thơ mộng của thị trấn Quỳ Hợp có nhiều quán bán nước chè đâm. Chè đâm cũng theo chân những người con dân tộc Thái đi xa đến với các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Nhưng có lẽ phải là chè trồng trên đồi và nước của những vùng đất đá ong thì mới thơm ngon được. Vị ngọt mát của nước chè đâm còn quyến rũ với người của vùng miền khác. Đã có một người con quê lúa Thái Bình say mê hương vị chè đâm, chị chọn thức uống này để làm nên một quán nước chè đâm Quỳ Hợp tại Hà Nội với cái tên Phốm Hóm (nàng tóc thơm) phố Nguyên Hồng. 

Thời gian cứ trôi qua, trong cái khắc nghiệt của khí hậu miền Trung, vị ngọt thơm của nước chè đâm cứ theo mãi trên con đường chị về nhà. Vị ngọt ấy như là một trong những nỗi nhớ về vòng tay ấm áp của gia đình, của tình quê. Hương chè thơm thơm, vị chan chát, ngòn ngọt, say đấy mà không nôn nao khó chịu, không cồn cào ruột gan như chè om nấu. Hương vị chè càng uống càng ngấm và nhớ lâu như ân tình của mọi người nơi bản mường.
(0) Bình luận
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
  • Bến đợi
    Bà lão co ro trông thật tội nghiệp trước thềm khoa ung bướu của một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Bộ quần áo bạc màu, nhăn nhó càng làm cho thân hình bà lão thêm khắc khổ, nhỏ bé trước biển người đang chen chúc nhau xếp hàng chờ đến lượt được khám.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngọt thơm bát nước chè đâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO