Người ghi cuộc đời bằng những vần thơ

Xuân Sang| 04/02/2019 22:49

“Gia tài chỉ có vần thơ Mỗi lời là một sợi tơ ruột tằm” Đó là những vần thơ được trích trong tập thơ “Duyên Lê” của cụ bà Lê Thị Phan - người đã sống hơn thế kỷ. Trải qua bao thăng trầm, buồn vui trong cuộc sống, giờ đây cụ đã 101 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn giữ cho mình sự minh mẫn và tình yêu vô bờ đối với thi ca.

Người ghi cuộc đời  bằng những vần thơ
Cụ bà Lê Thị Phan 101 tuổi
Chúng tôi đến thăm cụ bà Lê Thị Phan vào một ngày nắng đẹp. Trong căn nhà ngập tràn sắc xanh của hoa lá, cỏ cây tại TP. Hồ Chí Minh, tôi thật sự bất ngờ, thán phục và lôi cuốn với bởi những câu chuyện cuộc đời và những vần thơ mà cụ bà đã viết.

Cụ bà Lê Thị Phan sinh ngày 5/2/1918 tại làng Phong Mục, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là một trong những người phụ nữ họ Lê dòng Lê Thánh Tông. Thuở còn thơ cô bé Phan đã sớm phải chịu thiệt thòi bởi mẹ mất khi mới 18 tháng tuổi rồi bố lấy vợ hai. Năm 10 tuổi Lê Thị Phan mới được đi học vỡ lòng, nhưng chỉ biết hết mặt chữ, chính tả chưa thạo bà đã phải nghỉ học. Ham học, không muốn rời xa con chữ nên cô bé Phan thường đứng ngoài nghe lỏm thầy dạy, thầy đọc. Và rồi tự khi nào chữ Quốc ngữ, chữ Hán đã ngấm vào cô bé Phan chẳng rõ. “Lúc lên núi Am Tiên, tôi đã đọc được chữ Quốc ngữ rồi đọc được cả sách và còn học được cả chữ Hán, thuộc hết Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm…” – cụ bà Lê Thị Phan nhớ lại.

Thừa hưởng “gen trội” văn chương của tổ tông, lại ham học, yêu thơ nên duyên nợ với thi ca cũng đã đến với Lê Thị Phan khi cô bé mới 14 tuổi. Cụ bà kể: Hôm ấy mấy anh em đi chơi trong thôn, qua bến đò ngang bèn rủ nhau xuống chơi. Trước phong cảnh hữu tình ấy, tôi liền “ký họa” bằng những vần thơ: 

Buổi chiều mát mẻ dạo thuyền chơi
Cùng mấy anh em hưởng thú vui
Ngắm cảnh trên trời mây man mác
Dưới sông làn sóng lúc đầy vơi.
(Dạo chơi trên sông)

Cũng từ khi ấy tình yêu với thơ ca của cô bé Phan lớn dần theo năm tháng. Sau này khi lập gia đình, làm dâu gia đình cụ Nguyễn Đan Quế (cụ đốc Quế từng làm đốc học ở Thanh Hóa và một thời là chủ bút tờ báo ở Huế), nên bà càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn chương, chữ nghĩa. Dù phải làm đủ nghề để mưu sinh (nào làm bánh giò, nào làm kẹo kéo, kẹo ba màu để bán; nào cày cấy, ruộng nương để nuôi ba con và một cháu con của chị gái)… nhưng những vất vả gian truân ấy chẳng thể khiến Lê Thị Phan lùi bước và chẳng thể xóa nhòa tình yêu thơ ca trong bà. Nó như một điểm tựa, một động lực để bà vượt qua những gian khổ, khó nhọc trong cuộc sống. Hãy nghe những tâm tình bà trao gửi trong những câu thơ:

Vốn là thôn nữ đất Thanh Hoa
Quyết chí vươn lên giữ nếp nhà
Bão táp phong ba không chút sợ
Phong trần dày dạn đã từng qua
(Thôn nữ quê Thanh)

Rồi những vần thơ tự trào tràn đầy niềm lạc quan:
Mất mật, còn gan chẳng sợ gì
Cuộc đời gian khổ đã nhiều khi
Đói cơm rách áo nuôi con cháu
Quyết chí vươn lên chẳng sợ gì
(Mất mật)

Bà bảo “phải học thì mới làm được thơ, sách dạy tôi biết làm thơ”. Bà làm thơ trên đường, làm khi rảnh rỗi. Nào lục bát, nào song thất lục bát, tứ tuyệt… và bà còn truyền tình yêu với thơ ca của mình cho con cái.

TS. Nguyễn Thị Lan – con gái cụ bà Lê Thị Phan nhớ lại: Tôi vẫn nhớ những tháng năm hai mẹ con đi bộ đi chợ bán hàng. Mẹ tôi gánh 30 đến 40kg, còn tôi cũng phải gánh chừng 8 đến 10kg lẽo đẽo chạy theo mẹ trên một quãng đường dài cả đi cả về chừng 50km. Mẹ tôi luôn động viên tôi cố gắng rồi bà còn dạy cho tôi thuộc Truyện Kiều của Nguyễn Du và rất nhiều thơ của các tác giả khác nữa. Tình yêu thơ và sự nhiệt tình của mẹ đã truyền cho tôi tình yêu thơ ca Việt Nam.
Người ghi cuộc đời  bằng những vần thơ
Cụ bà Lê Thị Phan ký tặng sách cho cháu Lê Thị Huệ
Yêu thơ và say thơ từ bé nên sau này khi tuổi đã cao bà vẫn làm thơ. Với bà, thơ như là một cách ghi nhật ký những cảm xúc thường ngày trong đời mình. Nhà thơ Lê Quang Sinh khi đọc những vần thơ của bà đã nhận xét: “Mỗi lần đọc thơ bà, tôi tự hỏi: phải chăng thói quen “nói thơ” với tài ứng khẩu trời phú đã cho bà một đời sống “không già” theo năm tháng. Bà trẻ trung trong sức vóc, minh tường trong trí lực – một điều mà ai cũng ao ước, cũng cầu mong trong cõi nhân gian này, nhưng không dễ gì mấy ai đạt được”.

Năm 98 tuổi, cụ bà Lê Thị Phan đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Duyên Lê” tổng hợp nhiều bài thơ được bà sáng tác trong nhiều chặng đường của cuộc đời mình. Nói về tên của tập thơ, cụ bà Lê Thị Phan chia sẻ: “Duyên Lê” bắt nguồn từ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Duyên tên của núi dãy núi gần nhà mà ngày nhỏ tôi vẫn thường ra chơi rồi từ đó ngắm nhìn dòng sông Mã, còn Lê là dòng họ của tôi”. 

Duyên Lê dù chỉ là một phần trong số “gia tài” thơ của cụ bà Lê Thị Phan nhưng nó như một cuốn nhật ký bằng thơ ghi lại hành trình mà tác giả đã đi qua. Ở đó có bóng dáng của một người phụ nữ đã trải qua một chuỗi những ngày tháng mưu sinh vất vả; có tình yêu thương vô bờ với quê hương, dòng tộc, gia đình; có những lời nhắn nhủ con cháu gắng gìn giữ nếp gia phong và có cả niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống... 

Thuở hàn vi đã qua, giờ đây cụ Lê Thị Phan đã có thể sống những ngày thanh nhàn bên con cháu. Ở tuổi 101 cụ vẫn giữ được sự minh mẫn, vẫn kiên trì luyện tập thể dục hàng ngày và đặc biệt vẫn còn sáng tác thơ. 3 người con của cụ nay đều đã trưởng thành, thành đạt, các cháu chắt cũng đều phương trưởng, người là tiến sĩ, người là cử nhân, người là doanh nhân nổi tiếng. Và có lẽ trong sâu thẳm trái tim của họ luôn khắc sâu sự biết ơn và tình yêu thương vô bờ đối với người mẹ, người bà nghị lực, tài hoa và luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Người ghi cuộc đời  bằng những vần thơ
Cụ bà Lê Thị Phan cùng con trai Nguyễn Đình Thắng tại tư gia.

“Đối với tôi mẹ vừa là người mẹ, vừa là người thầy dạy dỗ chúng tôi lớn khôn nên người. Ngay từ tấm bé tôi đã được mẹ ru bằng những câu ca dao, bằng những bài thơ của cha ông để lại và bằng cả những bài thơ của mẹ. Những vần thơ và tình yêu của mẹ đã giúp chúng tôi trưởng thành” – Ông Nguyễn Đình Thắng, con trai của cụ bà Lê Thị Phan chia sẻ. Trong niềm xúc động, ông đọc cho tôi nghe bài thơ viết về mẹ của mình:

Chiều nghiêng bóng ngả lưng đồi
Đổ trên đời mẹ trĩu đôi vai gầy 
Sương buồn lạnh giữa bàn tay 
Những hôm, những cấy, 
những cày mẹ ơi

Giọt mồ hôi rơi
rơi
     rơi!
Dấu chân trên cát một đời còn đây
Bóng chiều, đôi vai gầy, giọt mồ hôi và dấu chân trên cát… rồi cả những vần thơ của người mẹ ấy… tất cả đã trở thành hành trang, là động lực, là niềm tự hào của con, của cháu trong gia đình cụ bà Lê Thị Phan. Thật đáng trân trọng biết bao!  
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người ghi cuộc đời bằng những vần thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO