Nhà báo Vương Tâm: Cần bản lĩnh để vượt qua cám dỗ và quyền lực

Đoàn Khánh (thực hiện)| 20/06/2018 14:24

Trong số những nhà báo viết về văn hóa có nhà thơ Vương Tâm, một trong những tác giả được bạn đọc yêu mến không những bởi các sáng tác của ông gần gũi với đời thường mà còn vì những bài ông viết là những trải nghiệm sống lý thú, là kết quả của những chuyến đi thực tế. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên báo Người Hà Nội đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Vương Tâm xoay quanh những trang viết của ông.

PV: Xin ông nói đôi điều về quá trình đến với thơ văn và đến với nghề báo của mình?  

Nhà báo Vương Tâm: Tôi làm thơ từ rất sớm, có bài in ở báo Thiếu niên Tiền phong, năm 1958, hồi học lớp 5, khoảng 12 tuổi. Sau đó là một chặng đường dài, hơn 10 năm, tôi làm thơ, viết truyện ngắn và làm báo nghiệp dư, khi về công tác tại ngành Khí tượng. Năm 1974, tôi được đi học lớp Bồi dưỡng viết văn khóa 7 (1974 - 1975), của Hội Nhà văn Việt Nam, tại Quảng Bá. Từ đó tôi được phân công chuyên trách tuyên truyền báo chí của Tổng cục Khí tượng thủy văn. Năm 1989, tôi chuyển sang làm việc tại báo Hà Nội mới, rồi sau đó làm trưởng ban Hà Nội mới cuối tuần cho đến khi về hưu, năm 2006. Hiện tôi vẫn làm thêm, biên tập viên của tạp chí Văn Việt và cộng tác thường xuyên với một số tờ báo như Văn nghệ, Giáo dục Thời đại, Văn nghệ Công an, Hà Nội mới chủ nhật...

Nhà báo Vương Tâm: Cần bản lĩnh  để vượt qua cám dỗ và quyền lực
PV: Nhiều người nhận xét ông là nhà thơ có phong cách sáng tác rất trẻ, hơn nữa, 90% thơ của ông là thơ tình. Vậy ở lĩnh vực báo chí thì sao, thưa ông? 

Nhà báo Vương Tâm: Đúng là 90% thơ của tôi dành cho đề tài tình yêu. Tình yêu đâu có tuổi, vậy nên khi làm thơ tình, tôi luôn luôn có cảm xúc chân thực với cách diễn đạt linh hoạt và tươi mới. Điều này rất ảnh hưởng tới giọng điệu và phương pháp bố cục các bài báo của tôi trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là cách đặt vấn đề, tạo dựng chân dung nghệ thuật một cách thú vị. Mỗi khi định viết một đề tài nào đó, sau khi ghi chép, thu nạp thông tin, bao giờ tôi cũng suy nghĩ tìm ra một chủ đề để hướng tới và xác định được giọng điệu dẫn dắt, nhằm lôi cuốn bạn đọc. Lúc đó, lượng thông tin mới được chọn lọc và huy động một cách triệt để nhất, làm cho ý tưởng được chói sáng, cùng với những dẫn chứng sinh động.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những bài viết tâm đắc trong thời gian công tác tại báo Hà Nội mới? 

Nhà báo Vương Tâm: Tôi còn nhớ những bài báo tâm đắc của mình khi công tác tại báo Hà Nội mới, như: Một kiểu chơi của Giang, nói về nghệ thuật dựng vở của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang; Sự dịu dàng của sắt, viết về nghệ thuật điêu khắc sắt hiện đại; Để có những mùa lễ hội “sạch”, lên án những hiện tượng tiêu cực trong cách tổ chức lễ hội; Tượng cũng cần thở, tìm ra những điểm yếu của các nhóm tượng vườn trên toàn quốc; Othello của chị Thành, phát hiện những nét độc đáo trong cách dàn dựng vở kịch kinh điển Othello (William Shakespeare) của đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành. Hoặc như bài Quyền lực LOGO, phê phán sự can thiệp thô bạo của các nhà tài trợ về những chuyện quảng cáo, danh sách ca sĩ, hoặc bài hát trong các chương trình ca nhạc...

PV: Vốn là trưởng ban Hà Nội mới cuối tuần, theo ông để tạo dựng phong cách cho tờ báo một cách hiệu quả cần có những nguyên tắc nào? 

Nhà báo Vương Tâm: Khi còn làm trưởng ban Hà Nội mới chủ nhật sau này chuyển thành Hà Nội mới cuối tuần, tôi có hai nguyên tắc để tạo dựng phong cách cho tờ báo: Thứ nhất là thiết kế những chuyên mục độc đáo, nhưng phải có sức thu hút bạn đọc cùng tham gia; thứ hai là phong cách tác giả, ở đây bài báo cần có hơi văn, mang cách nghĩ, cách cảm thụ riêng biệt của người viết. Do vậy việc tìm được mạng lưới cộng tác viên đáp ứng được tiêu chí trên rất quan trọng, điều này quyết định sắc thái của tờ báo.

Do đó, tờ báo cần có những chuyên mục mới và thu hút người đọc và người tham gia viết bài. Có những chuyên mục được giữ lâu dài, gần hai chục năm nay như Hà Nội tạp văn, Bài hát được nhiều người yêu thích, Quanh sàn diễn, Tác giả - tác phẩm... Sau này báo Hà Nội mới đã tập hợp tuyển chọn các bài hay và kết hợp với các nhà xuất bản phát hành tới 6 tập sách bán khá chạy. Trong đó cuốn 99 Bài hát được nhiều người yêu thích được tái bản tới 8 lần.

PV: Với ông, điều quan trọng nhất đối với một người làm báo là gì?

Nhà báo Vương Tâm: Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với người làm báo là cách nhìn nhận khách quan trước hiện thực. Khách quan để phân tích hiện thực với nhiều góc độ khác nhau. Điều này đòi hỏi một sự lao động nhẫn nại, dũng cảm trong khai thác thông tin đối kháng, ngược chiều để nhìn hiện thực một cách chính xác với bản chất của nó. Điều này thể hiện cái “tài” của nhà báo. Còn việc khó nhất với người làm báo là bản lĩnh bảo vệ cách nhìn nhận khách quan. Đứng trước những khó khăn, chướng ngại vật cản trở mình; kể cả sự cám dỗ của đồng tiền và sự đe dọa, áp đảo, nhà báo cần dũng cảm vượt qua khi cần bày tỏ quan điểm của mình bằng những con chữ sắc bén. Đó cũng là cái “đức” của nhà báo vậy.

PV: Làm thơ và làm báo nhiều năm, những người bạn văn thơ có ý nghĩa thế nào với ông trong cuộc sống và trong công việc? Có nhiều người chọn cách vừa làm báo vừa sáng tác như ông?

Nhà báo Vương Tâm: Với tôi những người bạn văn thơ luôn luôn là cánh đồng tâm hồn trong trẻo, ấm áp, mà tôi thấy yên bình, tin cậy. Mỗi khi trò chuyện, tâm sự, tôi thường nạp được cách suy tư mới và đôi khi còn nhận được những ý tưởng lóa sáng cho sáng tác. Ở họ bao giờ cũng có sự mách bảo bất ngờ. Tôi học những bạn văn thơ già cũng như trẻ ở sự bao dung và tình yêu thương cuộc sống một cách chân thành.

Trên thực tế không ít người chọn cách vừa làm báo vừa sáng tác như Nguyễn Sĩ Đại, Hải Đường, Nguyễn Việt Chiến, Đặng Huy Giang, Y Ban, Lê Anh Hoài, Phạm Khải... Bởi hai lĩnh vực này đều có thể nương tựa vào nhau để các tác giả hành nghề một cách hiệu quả nhất, mặc dù cách tư duy của hai lĩnh vực tưởng như khác hẳn nhau.

PV: Hai lĩnh vực này khác nhau ở điểm gì? Nếu vốn sống là nguyên liệu của sáng tác, thì theo ông với báo chí, cái gì là nguyên liệu cho bài viết?

Nhà báo Vương Tâm: Đúng như nhiều người nhận xét, vốn sống là nguyên liệu của sáng tác. Với báo chí, tôi cho rằng thông tin là nguyên liệu cho bài viết. Nhưng tôi nhấn mạnh khối lượng thông tin của nhà báo phải được cung cấp từ thực tế, tập trung hơn theo chủ đề và đặc biệt cần được bổ sung nguồn tin nhiều góc độ, thậm chí trái ngược nhau để phản ảnh thực tế không những chính xác hơn, bản chất hơn mà cần lung linh, sinh động. Khi đó bài báo mới có ý nghĩa đối với người đọc.

PV: Ông nghĩ sao về đội ngũ những người làm báo hiện nay? 

Nhà báo Vương Tâm: Đội ngũ làm báo hiện nay ngày càng lớn mạnh và đầy tiềm năng. Nhất là các nhà báo trẻ, họ có sức bật và nhìn hiện thực một cách biện chứng. Hầu hết các nhà báo xứng đáng là những người lao động tiên phong và dũng cảm trong lĩnh vực thông tin. Họ hoàn thành công việc xuất sắc với những bài báo đầy tính chiến đấu và có tính xây dựng; đóng góp không nhỏ vào công cuộc đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng; đem lại những giải pháp tốt nhất cho cuộc sống mới, cho một nền văn hóa mới. Tuy nhiên, các nhà báo trẻ, khi đứng trước sự thách thức của thị trường, họ cần vững vàng, tránh những dấu vết tiêu cực đã xuất hiện bấy lâu nay trong hàng ngũ làm báo chuyên nghiệp; đó là cách viết nghèo nàn, thông tin một chiều, thiếu khách quan. Họ trở thành những nhà báo “công chức” lạnh lùng, làm công ăn lương thuần tuý, ngại đi thực tế, chuyên xào xáo các báo cáo của cơ sở để viết bài.

PV: Rất mong ông chia sẻ thêm về công việc sáng tác và viết báo sau khi về hưu? Nhờ đâu những sáng tác của ông vẫn đều đều xuất hiện trên các báo?

Nhà báo Vương Tâm: Người ta thường nói nghiệp văn chương, báo chí không có chuyện hưu trí. Ắt chẳng sai, nhưng sau khi về hưu, nhà báo không còn cơ hội đến với cơ sở, bị cắt nguồn thông tin quả là không dễ dàng gì khi viết bài. Vậy nếu còn giữ được tình yêu với nghề nghiệp nhà báo hưu trí phải vượt qua nhiều trở ngại mới làm được việc. Bởi lẽ muốn đi thực tế, đòi hỏi nhiều khoản lắm, nào là sức khỏe, nào là tiền bạc, nào là phương tiện… tự túc là chính. Vậy nếu không thu xếp khéo thì chẳng thể nào đi nổi. 

Với tôi, khi có điều kiện đi được là tôi thực hiện ngay, hoặc kết hợp trong các đợt dự trại sáng tác, tôi thường thâm nhập thực tế, với cách khai thác thông tin khác nhau. Tôi tự phân loại thông tin theo cách làm việc của từng thể loại, thông tin cho báo chí, hoặc cấp độ thông tin sâu lắng và gây ấn tượng gợi mở cho văn, cho thơ, đều được quy nạp một cách tự nhiên theo sự nhạy cảm trong công việc. Vậy nên, trong một chuyến đi, tôi có thể làm thơ, viết bút ký, hoặc phóng sự, kể cả có khi bắt gặp được cái tứ cho truyện ngắn cũng nên. Tôi vẫn viết đều đặn bằng cách đó.  

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Vương Tâm: Cần bản lĩnh để vượt qua cám dỗ và quyền lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO