Nhớ mùa xuân tuyến lửa

Lê Hoài Nam| 28/01/2020 10:05

Nhớ mùa xuân tuyến lửa
Cuộc hội ngộ của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và thương binh
Nguyễn Thị Bích Liên trước thềm xuân mới 2020.
Tháng 12 năm 1965, 17 tuổi, Nguyễn Thị Bích Liên tình nguyện đi thanh niên xung phong, biên chế vào C893, D89, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt tuyến từ Phủ Lý đến cầu Yên, tỉnh Ninh Bình. Sau đó đơn vị của Liên lại hành quân vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến tận Đường 9 - Nam Lào làm nhiệm vụ. Thời điểm này tuyến đường sắt từ Hà Nội vào Vinh và đường bộ nối hậu phương với tiền tuyến bị không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt, nhiều người trong đại đội của chị cũng đã hi sinh ở nơi đây. 

Tuy ngày đó Nguyễn Thị Bích Liên chỉ nặng 35 kg nhưng chị có tinh thần xông pha, tiến công, không quản ngại bất cứ khó khăn gian khổ nào. Khi máy bay địch phá cầu đường, Liên tham gia vận chuyển đất đá san lấp hố bom, mang vác tà vẹt nối lại đường tàu; lại có hôm Liên được huy động vận chuyển đạn cho đơn vị pháo binh đánh trả máy bay địch. Có khi phải ra mặt đường, lên trận địa cả ngày lẫn đêm. Những khi ngớt tiếng bom, pháo, Liên lại cùng đội văn nghệ xung kích “Tiếng hát át tiếng bom” hành quân đến các đơn vị, các trọng điểm và trận địa để biểu diễn. Những vần thơ chị viết ngày đó vẫn còn in dấu: “… Đem tiếng hát át tiếng bom/ Sáo ngân bên suối, trống rung chân đèo/ Hát nơi trọng điểm hiểm nghèo/ Hát trong hang lạnh giữa chiều mưa giăng/ Chéo dù pháo sáng làm khăn/ Dẻo đôi tay múa, mượn trăng thay đèn…”.

Hồi ấy trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam xuất hiện ca sĩ Bích Liên, với giọng nữ cao, trẻ trung, rất chuyên nghiệp, công chúng cả nước yêu mến. Còn Nguyễn Thị Bích Liên ở đơn vị thanh niên chỉ là ca sĩ nghiệp dư, thỉnh thoảng mới được thu thanh một bài hát, phát trong chương trình “Văn nghệ quần chúng”, nhưng những người lính làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn lại rất thích nghe giọng hát của chị, nhất là những khi chị đến tận các trận địa, những cao điểm họ đang chốt giữ để phục vụ. Giọng hát của chị không có nhiều kĩ xảo trong khúc thức, nhưng trong giai điệu như có cả tiếng chim rừng, tiếng suối reo, những âm thanh kì vĩ của đại ngàn Trường Sơn. Lại có khi Liên và anh chị em trong đội văn nghệ vào các quân y viện dã chiến, các trạm phẫu để hát tặng những thương binh đang điều trị. Còn ở các đơn vị thanh niên xung phong thì buổi sinh hoạt nào anh chị em cũng yêu cầu Liên hát. Có khi cảm hứng nghệ sĩ dâng trào, Nguyễn Thị Bích Liên còn sáng tác ca khúc và sáng tác thơ cho đội văn nghệ của chị biểu diễn nữa.

Nhớ mùa xuân tuyến lửa
Khi đã về hưu, Nguyễn Thị Bích Liên vẫn say sưa tham gia hoạt động biểu diễn văn nghệ.

Tôi gặp Nguyễn Thị Bích Liên tại văn phòng của Anh hùng LLVT, Thượng tướng, Viện sĩ,  Nguyễn Huy Hiệu. Năm 2019 này chị Liên đã ở tuổi 71, kém tướng Hiệu một tuổi. Hai người có một kỷ niệm khó quên ở chiến trường. Đó là dịp Tết cách đây 50 năm, đơn vị Liên đang làm nhiệm vụ ở đường 20, một trong những con đường huyết mạch cho những đoàn xe chở người và hàng từ hậu phương ra tiền tuyến. Con đường này cùng với những địa danh “Cua chữ A”, “Đồi Đá Đẽo”, “Cổng Trời”, “Bãi Dinh”, “Cao điểm 468”... là những trọng điểm để phản lực Mỹ đánh phá. Những cánh rừng hai bên đường cũng bị bom đạn Mỹ cày đi xới lại, không còn một bóng cây xanh. Đơn vị Liên phải lánh vào một cánh rừng già, nơi có bản của đồng bào dân tộc, cách xa đường để tổ chức đón Tết. 

Hôm ấy đã là ngày cuối cùng của năm cũ, trên tổng đội phân phối về cho đại đội mấy hộp thịt lợn, mấy hộp cá mòi. Nhưng thịt cá không quý bằng muối và rau. Thấy đơn vị chở hàng đến, bà con dân tộc ít người túa ra xem. Họ nhìn thấy những túi muối trắng tỏ ra rất thèm, liền ngỏ lời xin: “Cái bộ đội chúng mày cho chúng tao muối với rau rồi thích cái gì cứ vào buôn mà lấy”. 

Tuy họ bảo “thích cái gì cứ vào buôn mà lấy” nhưng trong buôn, chiến tranh cũng làm xơ xác, chẳng có con vật nào sống được. Rau thì chỉ có rau rừng mà cũng phải lặn lội vào tận rừng sâu mới kiếm được. Nhưng vì tình quân dân, nghĩa đồng bào, đơn vị quyết định san sẻ cho bà con trong buôn một nửa số lương thực thực phẩm để họ cũng được vui đón Tết. Số còn lại không đủ cho đơn vị ăn tươi một bữa. Đang lúc lo toan thì mấy anh bộ đội của Trung đoàn Triệu Hải (sau này đổi thành Trung đoàn 27 Anh hùng) ghé thăm. Thấy đơn vị thanh niên xung phong đón Tết “đơn sơ” quá, họ liền về nói với thủ trưởng đơn vị và thủ trưởng đã mời cả đại đội thanh niên xung phong vào đơn vị để cùng ăn Tết. Trung đoàn Triệu Hải là đơn vị chủ lực, mới tham gia chiến dịch ở Quảng Trị rút ra đây để củng cố lực lượng, Tết xong, họ lại hành quân vào tham gia trận đánh. Họ được cấp trên phân phối xuống một lượng lương thực thực phẩm với khẩu phần không hơn gì đơn vị thanh niên xung phong, nhưng dù sao nơi họ trú quân là cánh rừng còn khá hoang sơ, dưới suối có cá cua cho họ bắt, những khoảng trống trong rừng còn kiếm được rau tập tàng bổ sung cho bữa “cỗ Tết” thêm thịnh soạn. Bộ đội và thanh niên xung phong ngồi lẫn với nhau, vui vẻ náo nhiệt. Rượu sắn mua của đồng bào dân tộc, nồng độ men không cao nhưng vẫn làm cho những gương mặt vốn xanh xao vì muỗi, vắt và sốt rét rừng, đen nhẻm vì nắng gió miền Trung ửng lên chút sắc hồng. 

Buổi tối, trong “hội trường” một nửa chìm dưới lòng đất, một nửa nhô lên trời với mái và vách đều thưng bằng nứa, chàng đại đội trưởng trẻ tuổi Nguyễn Huy Hiệu đã chỉ huy quân lính chuẩn bị cho một đêm giao lưu văn nghệ đón giao thừa không kém phần chu đáo. Họ thiết kế những chiếc đèn “phòng không” bằng ống pháo sáng rất điệu đàng, chỉ chiếu sáng trong phạm vi hội trường mà không lọt ánh sáng ra ngoài tránh sự dòm dỏ của máy bay trinh sát địch. Không những thế, mấy chàng lính trẻ còn vào rừng kiếm được cả những bông hoa dong riềng đỏ chói, những chùm hoa tầm ma duyên dáng cắm vào những cái cát tút đạn 57 ly khiến không khí đón xuân càng thêm lãng mạn. Anh đại đội trưởng trẻ Nguyễn Huy Hiệu đã đẹp trai lại rất vui tính và thích văn nghệ. Cứ sau mỗi tiết mục dù của bộ đội hay thanh niên xung phong, đại đội trưởng Hiệu lại cầm một bông tầm ma lên tặng. Nguyễn Thị Bích Liên hát ba bài liền được đại đội trưởng Hiệu tặng ba bông tầm ma, ánh mắt anh nhìn Liên như muốn nhắn nhủ điều gì. Nhưng, đêm văn nghệ đón giao thừa đang vào độ “cao trào” thì quân báo và trinh sát báo rằng có khả năng bọn địch sẽ tấn công chúng ta ngay trong những giây phút đầu tiên của năm mới, thế là cuộc vui đành phải dừng lại giữa chừng. Bộ đội chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Thanh niên xung phong trở về với con đường 20 còn khét lẹt hơi bom.

Năm 1974, nữ thương binh Nguyễn Thị Bích Liên nhận tấm bằng “Dũng sĩ diệt Mỹ ngành Giao thông vận tải” chuyển ngành về công tác tại phủ Thủ tướng. Thỉnh thoảng nhớ đến người đại đội trưởng trẻ tuổi, nhưng chị chẳng biết anh ở đâu, còn sống hay đã hy sinh mà tìm. Năm 1992, Liên nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng vốn là người nhiệt huyết, chị lại được khoác lên vai bao nhiêu cương vị, nào đội trưởng đội văn nghệ “Lá Đỏ” (tiền thân là đội văn nghệ xung kích “Tiếng hát át tiếng bom”), nào tham gia phụ trách Hội Chữ thập đỏ, hội Cựu TNXP phường Cát Linh và hàng chục cương vị khác nữa. Cho tới mãi gần đây khi tuổi đã cao, sức đã giảm, không còn tham gia được nhiều cương vị nữa, Liên mới có những ngày tháng thong dong sống cho riêng mình. Chị thăm dò nhiều nguồn thì được biết chàng đại đội tưởng trẻ tuổi năm xưa chị gặp trong dịp Tết ở tuyến lửa, sau khi chia tay, anh chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, trở thành Anh hùng LLVT, một sĩ quan cấp tướng và giữ cương vị Tư lệnh quân đoàn 1 khi anh mới ở tuổi 40. Trước khi nghỉ hưu anh mang quân hàm Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1998 - 2011), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nước Cộng hòa Liên bang Nga.

Nguyễn Thị Bích Liên đã tìm được đến văn phòng Viện sĩ của anh. Một cuộc hội ngộ rất cảm động. Họ cùng nhắc lại những kỷ niệm tuy ngắn ngủi nhưng không thể quên trong chiến tranh. Rồi, rất tự nhiên từ con tim hối thúc, Nguyễn Thị Bích Liên lại hát tặng Thượng tướng những bài ca năm xưa chị đã hát trong đêm văn nghệ đón giao thừa bên đường 20 Quyết Thắng. Chưa đến Tết nhưng lời ca đậm đà hương sắc núi rừng như vẫy gọi mùa xuân về thấp thoáng ngoài khung cửa.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mùa xuân tuyến lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO