Những trường hợp nào được xóa nợ, khoanh nợ thuế?

TBTCO| 24/08/2019 20:19

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký các công văn trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri một số tỉnh về nội dung liên quan tới xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế đối với hợp tác xã bị phá sản, người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, ngưng nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh.

xóa nợ thuế
Sớm có nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa của Đức Minh

Xóa nợ thuế cho hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà không còn tài sản

Theo ý kiến cử tri tỉnh Bến Tre, có nhiều hợp tác xã, thành lập theo Luật Hợp tác xã 2003, đến nay không hoạt động và còn nợ thuế nên không thể thực hiện giải thể bắt buộc được. Do vậy, cử tri đề nghị trung ương nghiên cứu, sớm có hướng dẫn về xử lý nợ thuế đối với các hợp tác xã này.

Theo văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre (số 9767/BTC-TCT do Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ngày 20/8/2019), Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 1 Điều 85 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt” được xóa nợ thuế.

Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuộc trường hợp được xóa nợ tiền thuế.

Đối với các hợp tác xã không còn hoạt động và nợ thuế, Bộ Tài chính đề nghị Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn xem xét để làm thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản.

Trường hợp giá trị tài sản của hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ thuế thì hợp tác xã được xem xét xóa nợ thuế.

Từ 1/7/2020, khoanh nợ thuế cho người nộp thuế mất tích, tự giải thể

Trả lời ý kiến cử tri tỉnh Trà Vinh, tại văn bản số 9769/BTC- TCT, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào Điều 83 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Khoản 6, điều 19 của luật này, từ ngày 1/7/2020, người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, phá sản, ngưng nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh thuộc trường hợp được khoanh nợ thuế và cơ quan thuế chưa tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp này.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, trong đó có giải pháp không tính tiền chậm nộp; xóa tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực thi hành đối với người nộp thuế đã chết, mất tích, tự giải thể, phá sản, ngưng nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh.

Nhiều khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi

Cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng thuế ngày càng tăng và mang tính phức tạp, có trường hợp số tiền nợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp chây ỳ, không thể thu hồi. Do vậy cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị ngành Thuế cần phối hợp với các ngành liên quan xử lý dứt điểm các trường hợp này.

Tại văn bản số 9768/BTC-TCT, Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến 31/7/2019 là 83.158 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 8,9% so với thời điểm 31/12/2018.

Tiền thuế nợ có khả năng thu là 27.470 tỷ đồng, chỉ chiếm 33% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ đọng này đã giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nhóm nợ có khả năng thu là 16.678 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng số tiền thuế nợ, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 9% so với thời điểm 31/12/208.

Số tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi là 39.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,9% tổng tiền nợ thuế, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018, tăng 3,8% so với thời điểm 31/12/2018.

Qua cơ cấu nợ nêu trên cho thấy số tiền thuế nợ đọng vẫn còn lớn.

Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, chấm dứt hoạt động, tự giải thể, phá sản, ngưng nghỉ và bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh của nhóm đối tượng này (chiếm (46,9%).

Luật Quản lý thuế quy định tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp. Quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, đã giải thể, phá sản, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp thuế nên tiền phạt, tiền chậm nộp càng tăng lên, song thực tế các khoản nợ này không còn khả năng thu hồi.

Ngoài ra, còn một số người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, chây ỳ nợ thuế và phát sinh tiền phạt, tiền chậm nộp của nhóm nợ có khả năng thu hồi (chiếm 20,1%).

Theo Bộ Tài chính, đối với các đối tượng này, mặc dù cơ quan thế đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.

Trước tình hình trên, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai nhiều biện pháp để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, như ngày 15/10/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành Thuế quản lý.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ thuế, như: tổ chức rà soát, phân loại nợ phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, tăng cường thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin người nợ thuế dây dưa, chây ỳ lên các phương tiện thông tin đại chúng,…

Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, xử lý nghiêm các doanh nghiệp bỏ trốn, cố tình nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hà Nội - nơi hội tụ của nghệ sĩ múa rối thế giới tại Liên hoan Múa rối quốc tế 2024
    Hà Nội sẽ là nơi diễn ra “Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024” với sự tham gia của hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một sự kiện văn hóa nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng đối với nghệ thuật múa rối, tạo sức sống mới và động lực để xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
  • Trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”
    Ngày 25/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ Khai mạc Trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt" do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức. Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024) và ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954-21/7/2024).
  • Hà Nội tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các làng nghề
    UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 128 /KH-UBND Tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
  • Hà Nội, vừa xa đã nhớ
    Tôi muốn xa Hà Nội thực hiện một chuyến đi dài ngày ngoài dải đất hình chữ S để khám phá những miền đất mới. Điều mong ước cháy bỏng đó đã trở thành hiện thực sau khi tôi xin được visa thăm người thân tại châu Âu.
  • Hà Nội tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn du lịch trong dịp lễ 30/4 - 1/5
    Sở Du lịch thành phố Hà Nội yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giả, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung...
Đừng bỏ lỡ
Những trường hợp nào được xóa nợ, khoanh nợ thuế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO