Ông Tiến sĩ cả đời "đắm đuối" với rùa

Thu Hằng/HNM| 21/03/2019 18:35

Quy luật của thời gian đôi khi như bị phá vỡ bởi những con người đầy đam mê, cống hiến cả đời cho nghiên cứu khoa học. Nhìn PGS.TS Hà Đình Đức say sưa, đắm mình trong công việc, nhất là với chú rùa, khó ai nghĩ ông đã bước sang tuổi 80. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012 như một cú hích, động lực để ông tiếp tục có những công trình đóng góp cho Hà Nội.

Phó giáo sư “rùa” và hơn ¼ thế kỷ

Đã hai năm nay, PGS.TS Hà Đình Đức chuyển về sống cùng cậu con trai cả trong một tòa nhà 7 tầng, rộng rãi trên phố Âu Cơ. Trong căn phòng ấm cúng “giàu” sách vở, với giọng nói nhỏ nhẹ, ông như trở về với ngày xưa, từ cậu bé xứ Thanh trải qua bao thăng trầm, phấn đấu để trở thành một nhà khoa học uy tín, một công dân ưu tú của Thủ đô. 
Ông Tiến sĩ cả đời
PGS.TS Hà Đình Đức trong phòng làm việc tại nhà riêng.

Cầm tinh con rồng (tuổi Thìn), ông sinh ra bên dòng Lương Giang (nay gọi là sông Chu) huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 20 tuổi, ông ra Hà Nội học, là lứa sinh viên đầu tiên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa cho đến khi nghỉ hưu (2005). 

Mọisựđềunhânduyên

Với ông, việc tập trung vào nghiên cứu loài rùa cũng vậy, dù khởi đầu của nó có vẻ như tình cờ. 

Tháng 3-1991, trong một lần đi qua phố Hàng Khay, bất ngờ ông Đức được nhìn thấy chú rùa nổi trên mặt hồ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng đó, tự nhiên ông có một cảm giác rất lạ, vừa thích thú, vừa cảm thấy chú rùa như thân thuộc với mình từ bao giờ. Bảy tháng sau, Công ty Dịch vụ khai thác Du lịch thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội mời ông tham gia Dự án Khai thác hồ Hoàn Kiếm bảo vệ rùa. Từ đó, ông bắt đầu hoạt động bảo vệ rùa Hoàn Kiếm, bảo vệ hồ Hoàn Kiếm và khu vực hồ Hoàn Kiếm… 
Ông Tiến sĩ cả đời
Hoàng tử Nhật Bản Akishino cùng PGS.TS Hà Đình Đức xem ảnh rùa hồ Hoàn Kiếm (ngày 17-8-2012).

Nhiều năm trôi đi, sau những nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu không biết mệt mỏi của mình, đến nay, PGS.TS Hà Đình Đức là người nghiên cứu lâu nhất và có nhiều bài viết nhất về loài rùa hồ Hoàn Kiếm. Ông sở hữu hàng trăm bức ảnh, băng ghi hình về rùa hồ Hoàn Kiếm và hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm. Vì thế, ông được mọi người yêu mến gọi với biệt danh “Giáo sư rùa”. 

Ông tâm sự: “Lâu nay người dân Việt Nam vẫn tin rằng, rùa hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho rùa thần sau khi đánh thắng giặc Minh xâm lược ở thế kỷ XV. Bởi vậy, cá thể rùa này được người dân quen gọi một cách cung kính là “cụ” rùa.

Suốt hơn ¼ thế kỷ qua, hồ Hoàn Kiếm và “cụ” rùa để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc. Tôi có 6 công trình nghiên cứu cấp quốc gia về hồ Hoàn Kiếm, viết 200 tin, bài về rùa hồ Hoàn Kiếm… Hầu như tất cả hãng thông tấn lớn trên thế giới quan tâm tới “cụ” rùa đã phỏng vấn tôi. Tôi còn nhớ, trong một lần có một phóng viên phỏng vấn tôi và gọi “cụ” rùa là "con” rùa, tôi đã dập máy vì tôi bảo rằng cứ gọi “cụ” là "con" thì tôi không trả lời”…
Ông Tiến sĩ cả đời
Một trong những bức ảnh ưng ý nhất của PGS.TS Hà Đình Đức với "cụ" rùa hồ Hoàn Kiếm (ngày 8-12-2014).

“Nhà rùa học” này đã từng miệt mài gõ cửa các cấp chính quyền, đề xuất các giải pháp để bảo vệ và giữ gìn cho “cụ” một môi trường sống an toàn.

Còn nhớ năm 1992, khi Hà Nội rục rịch triển khai “Dự án nạo vét hồ Hoàn Kiếm bằng cơ giới” với quy mô lớn, đào 100.000m3 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào hồ Hoàn Kiếm. Nhận thấy nguy cơ làm xáo trộn môi trường, hệ sinh thái của “cụ”, ông lập tức gửi tờ trình lên cấp trên, nêu rõ tác hại của vấn đề này và đề xuất phương pháp nạo vét bằng biện pháp thủ công. 

Tôi tò mò hỏi ông rằng vì sao ông cứ mải miết cả đời “đắm đuối” với loài rùa như thế, ông bảo có lẽ bởi sự thôi thúc tự nhiên đã giúp ông luôn tràn đầy năng lượng để lăn lộn với công việc mà mình say mê, kịp thời đề xuất những biện pháp cấp bách bảo vệ rùa. 

Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí từ hàng chục năm trước, PGS.TS Hà Đình Đức luôn bày tỏ nỗi canh cánh phải tìm nguồn bổ sung, vì ông khẳng định hồ Hoàn Kiếm chỉ có duy nhất một “cụ” rùa. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng hễ nghe tin ở đâu có hậu duệ của “cụ” là ông lại lên đường.

Yêu Hà Nội theo cách riêng của mình

Dù không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng PGS.TS Hà Đình Đức yêu mến và gắn bó với mảnh đất này bằng một tình yêu nồng nàn. Ông chia sẻ: “Tôi yêu Hà Nội theo kiểu của riêng mình. Và tôi luôn tâm niệm phải làm việc gì đó có ích cho Hà Nội, phải biến tình yêu ấy thành những việc làm vì Hà Nội”. 
Ông Tiến sĩ cả đời
PGS.TS Hà Đình Đức có thể nói chuyện về "cụ" rùa cả ngày không chán

PGS.TS Hà Đình Đức không chỉ dành tâm huyết cùng thời gian nghiên cứu và bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm, ông còn có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội trên nhiều lĩnh vực khoa học về bảo vệ thiên nhiên, di sản lịch sử, văn hóa…

Những nghiên cứu thâm sâu về văn hóa, lịch sử đã làm cơ sở để ông đề xuất lấy ngày vua Lê đăng quang tại điện Kính Thiên (15 tháng Tư âm lịch) hằng năm làm ngày lễ hội của Hà Nội và đã được chấp nhận. Năm 2009, ông nêu ý tưởng về xây cột mốc “Hà Nội Km 0” tại hồ Hoàn Kiếm, đồng thời đưa ra đề xuất tôn tạo khu tưởng niệm Vua Lê. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông kiến nghị đặt tên Đào Cam Mộc – người có công đầu tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua – cho một đường phố ở Thủ đô, và đến nay Hà Nội đã có một con phố ở huyện Đông Anh mang tên Đào Cam Mộc…

Với tâm huyết của một công dân vì Thủ đô thân yêu, ông đau đáu trước những hành động có nguy cơ xâm phạm tới văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Hà Nội.

Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú là niềm vui, là động lực

Năm 2012, PGS.TS Hà Đình Đức được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, với ông đó không phải là điểm đến để dừng lại. Ông luôn làm việc với tất cả say mê và nhiệt huyết của ngọn lửa tình yêu Hà Nội. 

Khi "cụ” rùa được cho là cuối cùng ở hồ Hoàn Kiếm mất vào đầu năm 2016, trong suốt quá trình làm tiêu bản “cụ” tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, PGS.TS Hà Đình Đức đã đồng hành cùng các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. 
Ông Tiến sĩ cả đời
PGS.TS Hà Đình Đức trò chuyện với hai chuyên gia Đức trong quá trình làm tiêu bản rùa hồ Hoàn Kiếm.

“Cụ” rùa được làm tiêu bản theo phương pháp nhựa hóa, với sự tham gia của hai chuyên gia hàng đầu về chế tạo mẫu vật đến từ Đức. Các chuyên gia Đức chưa từng làm tiêu bản rùa nước ngọt nào lớn như “cụ” rùa hồ Hoàn Kiếm nên trong quá trình làm họ thường xuyên trao đổi ý kiến với ông với mong muốn tiêu bản sẽ giống như “cụ” rùa khi còn sống.
Ông Tiến sĩ cả đời
PGS.TS Hà Đình Đức và hai chuyên gia Đức bên tiêu bản "cụ" rùa hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, việc tìm hậu duệ của “cụ” là điều mà ai cũng mong ngóng. Gần đây, vào trưa mùng Một Tết Kỷ Hợi 2019, có người quá yêu hồ Hoàn Kiếm và nhớ “cụ” nên đã chụp ảnh một chú rùa ở đâu đó rồi tung lên mạng khiến người cả tin cứ tưởng là con cháu “cụ” rùa. Vụ việc chỉ lắng xuống khi PGS.TS Hà Đình Đức lên tiếng nói rõ sự thật. 
Ông Tiến sĩ cả đời
Sau hơn 3 năm “đi vắng”, "cụ" rùa đã trở về và an vị tại đền Ngọc Sơn. Ảnh chụp sáng 15-3-2019

“Rùa hồ Hoàn Kiếm là nhân chứng cho một truyền thuyết lịch sử nhưng đồng thời cũng là một sinh vật thật. Đã là sinh vật thì đều có “sinh – lão – bệnh – tử”. Trước và sau khi “cụ” rùa ra đi, tôi có đi khảo sát rất nhiều nơi như một số khu vực Thọ Xuân và Yên Định thuộc Thanh Hóa, Ao Châu (Phú Thọ), đầm Vân Hội, Móng Hội (Yên Bái)… thì có nhiều cá thể rùa lớn, nhưng khi tới chỉ còn xương, sọ", PGS.TS Hà Đình Đức cho hay. 

Có đề xuất thả rùa Đồng Mô xuống hồ Hoàn Kiếm. Phải nói rùa Đồng Mô có hình thái khác “cụ” rùa hồ Hoàn Kiếm.. Rùa hồ Hoàn Kiếm là giống rùa quý, gắn với lịch sử linh thiêng nên hãy coi việc rùa xuất hiện ở hồ Hoàn Kiếm là rất tự nhiên. "Tôi tin rồi đến một lúc nào đó, loài rùa quý này sẽ lại xuất hiện”… Và đôi mắt ông lóe lên niềm tin của một "nhà rùa học”.
PGS.TS Hà Đình Đức đã được Đảng, Nhà nước trao tặng và ghi nhận những danh hiệu cao quý:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005
- Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội năm 2010 và năm 2011 (bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm)
- Chứng nhận đóng góp cho các hoạt động 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2011
- Danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2010
- Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” hai lần: Năm 1986 và năm 2004
- Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012
- Giải thưởng Hồ Chí Minh (đồng tác giả) về cụm công trình Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam; Sách Đỏ và Danh mục Đỏ Việt Nam năm 2012
- Trí thức tiêu biểu Thủ đô năm 2014.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ông Tiến sĩ cả đời "đắm đuối" với rùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO