Phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

03/04/2018 11:38

Phố Nguyễn Du bắt đầu từ phố Huế đến đường Lê Duẩn, cắt ngang qua phố Bà Triệu, Quang Trung, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, chạy trên bờ bắc hồ Thiền Quang.

Phố Nguyễn Du dài 1.060m, rộng 10m.

Phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đây nguyên là phần đất của bốn phường thôn cũ của huyện Thọ Xương, tính từ đông sang tây là phường Phục Cổ, thôn Thuần Mỹ, thôn Liên Thủy, và thôn Cung Tiên. Phường Phục Cổ và thôn Thuần Mỹ thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi là tổng Kim Liên), còn hai thôn kia thì thuộc tổng Tiền Nghiêm. Tới giữa thế kỷ XIX thôn Liên Thủy đổi là Liên Đường, còn thôn Cung Tiên hợp với thôn Tứ Mỹ thành thôn Tiên Mỹ (tổng Tiền Nghiêm cũng đổi ra là Vĩnh Xương). Đình của phường Phục Cổ vốn ở chỗ số nhà 16 phố Nguyễn Du ngày nay, đình này mới dỡ vào tháng 7/1967.

Thời Pháp thuộc là 3 đoạn phố: Đường số 68 (voie No68), năm 1919 đổi thành phố Ri-ki-ê (rue Riquier). Đường số 172 (voie No72), năm 1928 đổi thành phố Sác lơ Ha-le (Charles Halais). Đường số 168 (voie No168), năm 1929 đổi thành phố Đuy-phuốc (rue Dufourcq),

Năm 1943 sáp nhập cả 3 phố trên thành phố Nguyễn Du, các lần đổi tên phố vào các năm 1945, 1949 và 1951 tên phố Nguyễn Du đều được giữ nguyên.

Nay thuộc phường Bùi Thị Xuân và Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.

Nguyễn Du (1766-1820) người làng Tiên Điền, nay thuộc xã Xuân Tiên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An. Ông là con trai thứ bảy của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (và là con trai thứ ba của bà Trần Thị Tần, một vợ lẽ của ông Nghiễm, người làng Hoa thiều, nay là Kim Thiều, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Năm 19 tuổi đi thi hương, ông chỉ đỗ thấp (tương đương với tú tài sau này). Ông có lên Thái Nguyên ở với bố nuôi và giữ một chức quan nhỏ. Khi Tây Sơn ra Bắc, ông lánh về sống ở Thái Bình (quê vợ) một thời gian rồi về ở quê cha. Chính trong mười năm này, sống gần gũi với nhân dân, ông đã học được nhiều điều bổ ích cho tư tưởng cũng như cho sáng tác văn học sau này. Khi Gia Long lên ngôi, tìm dùng con cháu các quan lại nhà Lê cũ, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyên Phù Dung (nay là Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên), Tri phủ Thường Tín, Hà Nội, Cai bạ tỉnh Quảng Bình... Năm 1831 ông đi sứ Trung Quốc, khi về được thăng Tham tri bộ Lễ và giữ chức này cho đến khi mất.

Nguyễn Du đã để lại cuốn Truyện Kiều bất hủ cùng nhiều thơ nôm và thư chữ Hán giá trị. Ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Năm 1966 các châu lục đều tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO