Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới

Hà Thanh| 17/05/2018 10:47

Dự án mới trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, bạo lực gia đình và giải quyết vấn đề liên quan đến mại dâm do Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) hỗ trợ đang được triển khai tại Việt Nam.

Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Ảnh minh họa

Dự án được thực hiện qua các nội dung như xây dựng, hoàn thiện và triển khai pháp luật, chính sách, chương trình và dịch vụ liên quan đến phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình; giải quyết vấn đề mại dâm dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận quyền con người. Với tổng ngân sách là 4,1 triệu đô-la Mỹ cho giai đoạn năm năm từ 2017 đến 2021, trong đó 3,7 triệu đô-la Mỹ do UNFPA tài trợ, dự án sẽ tập trung vào 4 nhóm mục tiêu chính bao gồm: Hỗ trợ việc cung cấp bằng chứng để vận động xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi Luật bình đẳng giới (BĐG), Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), các chính sách, chương trình về phòng ngừa và ứng phó với BLG, BLGĐ. Nâng cao năng lực điều phối và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, các tổ chức liên quan về phòng ngừa và ứng phó với BLG, BLGĐ. Vận động sự thay đổi nhận thức và hành vi của những nhà hoạch định chính sách và cộng đồng, đặc biệt là nam giới về phòng ngừa và ứng phó với BLG, BLGĐ. Hỗ trợ việc sử dụng bằng chứng và lồng ghép tiếp cận dựa trên quyền trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chính sách và chương trình liên quan đến vấn đề mại dâm.

Bình đẳng giới tiếp tục là nội dung đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là một trong những nội dung ưu tiên dành nguồn lực trong thực hiện công tác bình đẳng giới tại các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại cần tiếp tục giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong giai đoạn tới. Theo số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi từ 18 - 60 đã phải chịu bạo lực ít nhất một lần trong đời. Nghiên cứu đã khẳng định bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là có tới 87% phụ nữ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. 

Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB & XH, với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, lĩnh vực bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức và đòi hỏi cần có những giải pháp, cách thức triển khai hiệu quả hơn. Ví dụ như: vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa luật và thực tiễn; phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân chủ yếu của tình trạng bạo lực; các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực chưa được chuẩn hóa; số liệu về bạo lực trên cơ sở giới đã lỗi thời chưa được cập nhật; vấn đề mại dâm còn nhiều diễn biến phức tạp. “Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, chúng tôi hy vọng việc thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chương trình, chiến lược về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới/ bạo lực gia đình, vấn đề mại dâm và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.” – Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh. 

Bà Astrid Bant, Trưởng Đại Diện UNFPA tại Việt Nam thì cho rằng, tất cả mọi người đều có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực. Tuy nhiên bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện vẫn đang là một vấn nạn diễn ra trên phạm vi toàn cầu khi cứ ba phụ nữ thì có một người đã từng là nạn nhân của bạo lực do nam giới gây ra. Thế nhưng phần lớn các trường hợp bạo lực thường không được trình báo và chưa được biết đến một cách rộng rãi. Nạn nhân sau khi bị bạo lực thường im lặng gánh chịu những tổn thương và sống một cuộc sống đau khổ và vô hình. 

Vì thế, bên cạnh việc đánh giá cao sự hợp tác và cam kết của Bộ LĐ – TB & XH, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc phối hợp và triển khai các hoạt động liên ngành, bà Astrid Bant lưu ý vẫn còn rất nhiều công việc cần thực hiện nhằm củng cố việc thực thi các chính sách một cách hiệu quả để có thể chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cụ thể: cần cải thiện hệ thống luật pháp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới/ bạo lực gia đình, giải quyết các vấn đề mại dâm trên cơ sở quyền con người. Cần xây dựng tiêu chuẩn cho các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới đảm bảo tính dễ tiếp cận và sẵn có nhằm tăng cường xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ cho nạn nhân và người gây bạo lực giới. Thực hiện điều tra về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp bằng chứng cho vận động chính sách, chương trình và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu về bạo lực giới làm căn cứ giúp các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, chương trình can thiệp, giám sát công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trên phạm vi toàn quốc. Thay đổi nhận thức và hành vi của những nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về bạo lực giới, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai thông qua các chiến dịch truyền thông, vận động chính sách và thay đổi hành vi. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO