Phường Cát Linh: Xây dựng môi trường không khói thuốc

Phương Linh| 14/12/2017 09:17

Thời gian qua, thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) được lãnh đạo phường Cát Linh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chú trọng bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp như: đưa nội dung cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy của cơ quan; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể phường tiến hành gắn các biển “cấm hút thuốc” tại những điểm sinh hoạt công cộng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn phường và đã thu được nhiều kết quả tích cực…

Quyết liệt từ cơ sở

Hiện nay, trên địa bàn cả nước nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng không khó để bắt gặp những hình ảnh của một số người dân hút thuốc lá. Không những thanh niên, trung niên, người già mà còn có cả phụ nữ và trẻ em dưới 15 tuổi cũng thấy hiện tượng hút thuốc mọi lúc, mọi nơi, thậm chí ngay cả những nơi kiêng kị nhất như bệnh viện, trường học… Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe còn nhiều hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân còn chưa đồng bộ, thiếu khoa học. Đặc biệt là công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá đến từng khu dân cư, tổ dân phố, các chủ nhà hàng, khách sạn, các điểm sinh hoạt công cộng…

Xây dựng môi trường không khói thuốc
Bác sĩ Đặng Minh Quang - Trưởng Trạm y tế phường Cát Linh

Nhận thức được tác hại của thuốc lá, UBND phường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã phát động phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu biết rõ hơn sự nguy hiểm của thuốc lá, từ đó tích cực tham gia xây dựng môi trường lành mạnh không khói thuốc. Trao đổi với phóng viên báo Người Hà Nội, bà Hoàng Thúy Lan - Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh cho biết, ngoài các biển “cấm hút thuốc lá” được gắn tại trụ sở hành chính, khu chung cư, khu sinh hoạt công cộng trên địa bàn phường, phường cũng yêu cầu 100% cán bộ phường, không sử dụng thuốc lá nơi làm việc, nơi sinh hoạt công cộng… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn được kèm theo những minh chứng thực tế cho người dân biết được tác hại của thuốc lá; quán triệt cán bộ, viên chức không hút thuốc, nhắc nhở, đưa ra các hình thức xử phạt hành chính đối với cán bộ, nhân viên nếu vi phạm hút thuốc nơi công cộng. 

“Đối với khu vực sinh hoạt công cộng như tòa nhà chung cư, nhà hàng, khách sạn việc tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá phải được thực hiện đúng theo tinh thần Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2013 của Quốc hội ban hành. Vì vậy, việc cấm hút thuốc lá khu vực này là một trong các giải pháp nhằm giảm nguy cơ cháy nổ. UBND phường yêu cầu các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tòa nhà, khu dân cư tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền không sử dụng thuốc lá để đảm bảo sức khỏe, xây dựng môi trường công cộng trong lành…” - Bà Hoàng Thúy Lan - Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh nhấn mạnh.

Bác sĩ Đặng Minh Quang - Trưởng Trạm y tế phường Cát Linh cho biết, thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, trạm y tế của phường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể phường tuyên truyền đến từng khu dân cư, tổ dân phố để người dân hiểu và nắm bắt tinh thần Luật phòng chống tác hại thuốc lá bằng nhiều hình thức như: dán các biển cấm hút thuốc lá, phát các tờ rơi, đề can tuyên truyền về tác hại thuốc lá, phát động phong trào xây dựng mô hình không khói thuốc… Đặc biệt, là tuyên truyền để người dân hiểu rõ những nguy cơ về bệnh tật từ việc hút thuốc lá. 

“Khi hút thuốc hoặc sống chung với người hút thuốc lá thì khói thuốc được hít qua mũi miệng vào phổi, rồi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày là nguyên nhân gây lên một số bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh răng lợi, ung thư và tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức cơ thể, mất ngủ và giảm thể lực do thiếu ôxy mãn tính. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp kinh tế, về sức khỏe đối với nam giới sẽ làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, có khả năng dẫn tới vô sinh. Đối với phụ nữ và bào thai làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi, trẻ đẻ ra có nguy cơ thiếu cân cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc. Đối với trẻ em dễ bị còi xương, chậm phát triển trí tuệ, suy dinh dưỡng do giảm tiết sữa ở người mẹ…” - bác sĩ Đặng Minh Quang – Trưởng Trạm y tế phường Cát Linh khuyến cáo.

Cấm hút thuốc vẫn tăng doanh thu

“Nhà hàng gắn biến “cấm hút thuốc” khách hàng đến với nhà hàng vẫn rất đông; cấm hút thuốc lá nhưng không mất khách; kinh doanh vẫn có lãi mà môi trường trong lành, sạch sẽ, văn minh…” - Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Thảo Linh – Chủ cơ sở chuỗi nhà hàng gia đình 3B (số 109 – K1 Giảng Võ, Hà Nội).

Xây dựng môi trường không khói thuốc
Xây dựng mô hình nhà hàng không khói thuốc, kinh doanh vẫn có lãi mà môi trường trong lành, sạch sẽ

Theo chị Linh, người kinh doanh là phải tính đến lợi nhuận, chính vì thế, lúc đầu khi triển khai mô hình nhà hàng không khói thuốc, chị cũng lo ngại sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Nhưng như chúng ta đã biết, khói thuốc chứa nhiều chất độc hại gây ung thư, việc thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ có nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổi, tim mạch, bệnh đường hô hấp, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đẻ non và đột tử ở trẻ sơ sinh… “Nếu nhà hàng không cấm hút thuốc thì chính nhân viên và khách của nhà hàng là bị ô nhiễm khói thuốc lá. Bởi vậy, xây dựng mô hình nhà hàng không khói thuốc lá sẽ giúp giảm các chi phí vệ sinh môi trường và bảo trì đồ đạc như khử mùi, lau chùi, tẩy rửa rèm, trần, đệm ghế, thảm, bảo dưỡng điều hòa… Bên cạnh đó còn giảm các nguy cơ về cháy nổ, giảm nguy cơ nhân viên bị ốm, bị các bệnh lý liên quan đến khói thuốc lá. Đồng thời, tạo phong cách văn minh, lịch sự, thu hút khách hàng” - chị Linh chia sẻ.

Minh chứng cho điều này, chị Nguyễn Thảo Linh cho biết thêm: “Toàn bộ hệ thống nhà hàng của chúng tôi đều quy định không hút thuốc lá, đặc biệt là nhân viên nam mặc dù chiếm đến 60% nhưng không ai hút thuốc. Trên thực tế, số lượng khách đến đây vẫn rất đông nhất là khách công sở vào buổi trưa với các đồ ăn nhanh, buổi tối là gia đình có cả trẻ em và phụ nữ và họ khá thích thú với mô hình nhà hàng không khói thuốc, họ không còn lo sợ khói thuốc lá từ những người khác đe dọa sức khỏe của mình nữa, cho nên hoạt động kinh doanh vẫn gia tăng đáng kể”.

Tuy nhiên, để đạt được sự hài lòng của khách hàng khi xây dựng mô hình nhà hàng không khói thuốc, nhất là với khách hàng có hút thuốc thì không phải điều dễ dàng. Muốn làm được điều này, chủ cơ sở nhà hàng gia đình 3B cũng cho biết, các nhân viên phục vụ phải nắm được về các quy định pháp luật, lợi ích của thực thi mô hình nhà hàng không khói thuốc. Bản thân nhân viên phục vụ không hút thuốc, không phối hợp với các đơn vị kinh doanh, tài trợ liên quan đến thuốc lá. Phải bỏ tất cả các công cụ dành cho việc hút thuốc (như bật lửa, gạt tàn, áp phích quảng cáo thuốc lá…). Nhà hàng treo, đặt biển báo “Không hút thuốc” tại các địa điểm dễ quan sát. Bên cạnh đó phải đào tạo cho nhân viên các kỹ năng hướng dẫn khách hàng. Theo dõi thường xuyên việc thực hiện quy định cấm hút thuốc… giải thích cho khách hàng nếu có trường hợp khách hút thuốc.

Có thể nói, thói quen của từng cá nhân khi sử dụng thuốc lá đã tác động lớn tới không chỉ đời sống của cá nhân mà còn có tác động tới gia đình, xã hội về vấn đề kinh tế, xã hội, bệnh tật và những chi phí khác. Chính vì một môi trường trong lành cả xã hội cần phải chung tay hạn chế tối đa tác hại thuốc lá đến cộng đồng. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phường Cát Linh: Xây dựng môi trường không khói thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO