Có phải cứ chia sẻ link bài báo lên Facebook là có thể bị xử phạt?

Tin tức - Ngày đăng : 11:53, 27/04/2020

Nhiều người khi chia sẻ link hay nội dung bài báo trên Facebook đã không để ý rằng, chỉ được thoải mái chia sẻ khi bài báo được tòa soạn cho phép chia sẻ (thể hiện bằng các kí hiệu "chia sẻ", hiểu tượng mạng xã hội Facebook, Twitter, Zalo... kèm bài).
Có phải cứ chia sẻ link bài báo lên Facebook là có thể bị xử phạt?

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 101 (Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội) quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi... đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội - cho rằng, thực tế trong cuộc sống hàng ngày, không phải ai cũng có hiểu biết nhất định về pháp luật sở hữu trí tuệ, hoặc biết nhưng không đầy đủ. Thường trong tiềm thức của mọi người, chỉ những hành vi tự ý sử dụng mà không được sự cho phép của tác giả thì mới là hành vi xâm phạm. Hay những bài văn, truyện, bài hát, … mới là đối tượng bảo hộ quyền tác giả, còn những bài báo họ viết ra cho mọi người đọc nên mình có thể tự do chia sẻ được.

Tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019, một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đó là tác phẩm văn học (được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác), tác phẩm báo chí và các tác phẩm nghệ thuật như tác phẩm âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh,…

Có phải cứ chia sẻ link bài báo lên Facebook là có thể bị xử phạt?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Đồng thời tại Điều 9 Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả, quyền liên quan quy định “tác phẩm báo chí được bảo hộ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.”

Điều kiện để một tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả chính là tác phẩm đó phải được sáng tạo trực tiếp bằng lao động trí tuệ của tác giả mà không có sự sao chép từ tác phẩm khác. Do đó, nếu tác phẩm báo đáp ứng được các điều kiện trên thì cũng thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019 quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có hành vi “Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”.

Đối với hành vi tự ý chia sẻ bài báo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo,…, dưới các hình thức như chia sẻ link, copy tác phẩm báo chí... mà không có sự cho phép của tác giả cũng là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

…đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;…

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”

Do đó, kể từ ngày 15/4/2020, các cá nhân lợi dụng mạng xã hội, có hành vi tự ý chia sẻ tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, hoặc thậm chí chia sẻ những tác phẩm đã bị tịch thu, cấm lưu hành có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm này.

Nếu bạn muốn chia sẻ một bài báo hay tới bạn bè? Vậy hãy tuân thủ đúng luật, xin phép và được sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả trước khi chia sẻ bất kì tác phẩm, bài viết nào đó.

Theo Phapluat.vn