Từ vụ chồng sát hại vợ trong bữa cơm: Vợ chồng còn làm điều này, mâu thuẫn nhỏ cũng thành bi kịch

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:36, 19/09/2019

Sự xuất hiện dồn dập án mạng trong gia đình, đối tượng phạm tội chính là những người thân trong một nhà với tính chất cuồng bạo đã gây bàng hoàng dư luận trong thời gian qua. Những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống anh chị em, vợ chồng khi không hóa giải, dần sẽ tạo nên hố sâu làm rạn nứt tình cảm và khi ấy, chỉ một câu nói, một ánh nhìn, một hành động không vừa ý cũng có thể trở thành bi kịch.
Từ vụ chồng sát hại vợ trong bữa cơm: Vợ chồng còn làm điều này, mâu thuẫn nhỏ cũng thành bi kịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Án mạng thường xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ

Gần đây, sự xuất hiện dồn dập án mạng trong gia đình, trong đó đối tượng phạm tội chính là những người chồng đã đương tâm sát hại người vợ của mình như chồng giết vợ với tính chất cuồng bạo đã không khỏi gây bàng hoàng dư luận. Như tối ngày 16/9 vừa qua vụ việc một người chồng đã dùng dao đâm vợ ngay trong bữa tối ở phường La Khê, quận Hà Đông (Hà Nội) đã khiến nhiều người giật mình. Nạn nhân là chị N.T.H (SN 1981) đã bị đối tượng Nguyễn Hải Hà (SN 1977) đâm tử vong tại chỗ.

Bỏ trốn sau khi gây án, được vận động, đối tượng đã ra công an đầu thú. Nguyên nhân xác định là do trong bữa ăn, con xin tiền bố mẹ nhưng Hà không cho. Vợ chồng lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn và trong cơn tức giận, người chồng đã vào bếp lấy dao tước đi mạng sống của vợ.

Theo những lời nhận xét của người dân địa phương thì đối tượng Hà có nhân thân rất tốt. Hai vợ chồng sống cũng hòa đồng, hạnh phúc. Nhiều người đặt ra câu hỏi không hiểu tại sao người chồng lại lỡ ra tay tàn ác với vợ như vậy.

Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, những vụ việc chồng đương tâm ra tay cướp đi mạng sống của người vợ, thậm chí là cả con chỉ vì những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình không phải hiếm. Các hành động mất tính người trong gia đình không chỉ nhiều về số lượng mà mức độ. Như một người cha không ngần ngại ném đứa con mới 1 tuổi xuống giếng chỉ vì giận vợ ở Nghệ An. Hay giận người chồng nói nhảm, vợ ném con gái 31 ngày tuổi xuống sông ở Sóc Trăng…

TS Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) cho rằng, đa phần các vụ án mạng liên quan đến nguyên nhân mâu thuẫn gia đình là những hành động bộc phát không có chủ ý trước. Bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng những người trong cuộc thiếu kiềm chế mà gây ra. Cũng có những vụ án giữa các cặp vợ chồng, nguyên nhân âm ỉ từ lâu, khi ra tay với đối phương hết sức tàn độc tạo ra những tấn bi kịch đau lòng.

Thường mâu thuẫn diễn ra ở mỗi gia đình ban đầu chỉ là những xích mích rất nhỏ, nhưng nếu không có hiểu biết, có lòng bao dung và kĩ năng xử lí thì mâu thuẫn đó lại dễ dẫn tới cao trào. Và thực tế như trên, nhiều mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết nên mới để lại hậu quả đáng tiếc như vậy.

"Đổ thêm dầu vào lửa" với những điều tệ hại này

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho hay, ở trong đời sống vợ chồng không thể luôn trọn vẹn, khó tránh những lúc bất hòa. Một khi tình yêu và niềm tin của vợ chồng dành cho nhau không đủ lớn rất dễ dẫn tới mâu thuẫn. Hơn nữa, ai cũng có cái tôi. Cái tôi của vợ và chồng quá lớn, không làm chủ được mình khi mâu thuẫn, ai cũng muốn thể hiện mình sẽ đẩy mâu thuẫn đến đỉnh điểm. Và ở trong phút nóng giận nào đó, chỉ thiếu đi sự kiềm chế, thiếu kĩ năng giải quyết xung đột rất dễ gây ra tội ác, nhất là khi có sử dụng các chất kích thích.

Hiếm có vợ hay chồng nào lên kế hoạch sát hại người "đầu gối tay ấp" của mình. Đa phần vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn vợ chồng là thường không có động cơ từ trước. Trong một thời khắc nhất định của mâu thuẫn, vợ hay chồng không kiềm chế được cơn nóng giận thường có tâm lý tìm những động cơ và nơi để trút bực dọc. Lúc này, đối phương chỉ cần có một lời nói, cử chỉ khó coi sẽ như "đổ thêm dầu vào lửa" dù trước đó có yêu thương nhau đến mấy. Mâu thuẫn nhỏ cũng sẽ thành tấn bi kịch.

Bởi vậy, khi vợ chồng đang căng thẳng với nhau tột độ, dù có liên quan hoặc không liên quan tới câu chuyện cũng chủ động nói ít đi một chút. Học cách biết lắng nghe đã giảm được 50% mâu thuẫn của cuộc chiến. Đối phương khi cảm thấy mình được lắng nghe nghĩa là được tôn trọng ý kiến sẽ dễ dàng tiếp thu lời đối đáp lại từ phía bạn.

Còn khi đã quá căng thẳng, một trong hai có thể đi ra ngoài rồi sau đó bình tĩnh thì nói chuyện rõ ràng với nhau. Khi cả hai cùng lắng nghe nhau sẽ hiểu nhanh chóng được vấn đề tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Ngược lại, thái độ coi thường, ngắt lời giữa chừng sẽ chỉ làm cho sự ức chế tăng lên mà thôi. Chắc hẳn, khi các cặp vợ chồng khi có một thời gian sống chung với nhau, ít nhiều sẽ hiểu được tính cách đối phương để dung hòa.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sai lầm mà nhiều cặp vợ chồng khi mâu thuẫn cũng mắc phải là lôi kéo người khác vào cuộc, thường là bố mẹ đôi bên. Các bậc phụ huynh lớn tuổi ít khi tâm lý mà ích kỷ nhiều hơn. Dù có nguyên nhân vì sao họ vẫn đứng về phía con ruột của mình, ngược lại có cái nhìn khắt khe hơn với con dâu hay con rể.

Ngoài ra, trong lúc cãi vã, tránh nhắc lại lỗi lầm cũ, bới móc những khuyết điểm của đối phương, chì chiết nhau. Mỗi người đặt quyền lợi của gia đình lên trên quyền lợi của cá nhân, hãy nghĩ đến những đứa con.

Phương Thuận/GiadinhNet