Hệ sinh thái AI và nhu cầu nguồn nhân lực

Tin tức - Ngày đăng : 14:14, 21/08/2019

Hiện có nhiều người Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình phát triển công nghệ thông tin, AI trên toàn cầu khiến cộng đồng AI ở Việt Nam ngày càng mở rộng, hoạt động sôi nổi.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có bước phát triển mạnh. Năm 2018, ngành công nghiệp này tăng trưởng hơn 70%, tương đương 200 tỷ USD so với năm 2017.

Công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers dự đoán đến năm 2030, AI sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 14% (khoảng 15,7 nghìn tỷ USD). Theo đó, AI sẽ có tác động lớn nhất trong các lĩnh vực: y tế, xe hơi, dịch vụ tài chính, bán lẻ và tiêu dùng, sản xuất và chế tạo, năng lượng, giao thông và logistics.

Hệ sinh thái AI và nhu cầu nguồn nhân lực
AI giúp Việt Nam có bước tiến nhanh hơn, bền vững hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, với những đóng góp đột phá, AI chính là công cụ để Việt Nam giải quyết hiệu quả  nhất những bài toán rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.

AI đã vượt ra khỏi lĩnh vực khoa học công nghệ, để tham gia đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự thay đổi của thế giới, xã hội, mọi người dân trong quá trình phát triển dẫn đến yêu cầu phải kết nối toàn cầu ở mọi cấp độ: máy với máy, máy với người, người với người, chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và ngược lại… Ở chiều ngược lại, đây lại là nền tảng tạo nên các dữ liệu lớn kết hợp với năng lực tính toán tiến bộ vượt bậc, thúc đẩy sự phát triển của AI nhằm phục vụ con người, Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Hiện, có nhiều người Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình phát triển công nghệ thông tin (CNTT), AI trên toàn cầu khiến cộng đồng AI ở Việt Nam ngày càng mở rộng, hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp hơn so với các nước, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn về AI. CNTT, khoa học và AI là công cụ mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng có thể cơ hội sẽ qua đi nhanh chóng.

Khi thế giới đã thay đổi, minh bạch hơn, kết nối hơn với mối liên kết giữa con người, máy móc, Chính phủ, doanh nghiệp, trường học... càng cần nguồn dữ liệu lớn hơn. Vì vậy, sự ra mắt của Liên hiệp Các cộng đồng AI tại Việt Nam trong khuôn khổ AI4VN Summit 2019 là rất quan trọng, bởi khi cộng đồng CNTT, AI ở Việt Nam cùng chung tay làm những việc thiết thực - kết nối để có trách nhiệm cùng nhau xây dựng nền tảng dữ liệu mở, chia sẻ để tất cả cùng phát triển, không chỉ cho Việt Nam mà đóng góp cho cộng đồng thế giới.

Để từng bước hiện thực hóa vấn đề này thì từng cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thay đổi thói quen, luôn làm việc hệ thống, có dữ liệu ban đầu và cập nhật liên tục. Những việc nhỏ này sẽ góp phần vào phát triển CNTT, AI và góp phần cùng giải quyết những bài toán của nhân loại. Để đảm bảo quá trình kết nối, chia sẻ thông  suốt thì vai trò của nguồn nhân lực đặc biệt rất quan trọng. Bên cạnh một bộ phận nhân lực ở trình độ rất cao thì Việt Nam cần đào tạo nhiều hơn nữa nhân lực chất lượng cao ở những trình độ khác nhau làm trong các chuyên ngành CNTT, AI mới mong lan toả những kiến thức CNTT, trong đó có AI đến mọi người dân, những người sẽ sử dụng các ứng dụng, sản phẩm CNTT hay AI.

Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển ngành AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo trong bậc đại học, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong thời gian vừa qua đã có 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho startup Việt trong 3 năm tới.

Trong một nỗ lực chung tay phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam, mới đây, Bộ Công thương và Google đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 - một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số miễn phí cho 500 nghìn người lao động của các DNNVV. Khi người Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều hơn với những công cụ, dịch vụ, thông tin và khóa đào tạo trực tuyến như thế này, thì họ có nhiều khả năng biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Như vậy, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực này không chỉ dựa vào hệ thống đào tạo chính quy, mà còn dựa vào việc đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, đa dạng hóa các hình thức đào tạo cho nhóm nguồn nhân lực này. Với quy mô của một nền kinh tế có trên 700 nghìn doanh nghiệp, cùng với hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, thì việc đào tạo nhân lực có kỹ năng số cho khối này đòi hỏi một nỗ lực vô cùng to lớn để nhiều chủ thể cùng tham gia.

Thoibaonganhang