Tự động hóa doanh nghiệp: Vốn và nhân lực đóng vai trò quan trọng

Tin tức - Ngày đăng : 09:45, 13/08/2019

Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về Điều khiển và Tự động hoá - VCCA 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 4-7/9/2019 tại Hà Nội. TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có cuộc trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn về những nội dung chính của sự kiện này và đánh giá tiến trình tự động hóa của doanh nghiệp Việt.
Tự động hóa doanh nghiệp: Vốn và nhân lực đóng vai trò quan trọng
TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam

Thưa ông, vì sao Ban tổ chức lại chọn chủ đề của hội nghị lần này “điều khiển và tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Việc chọn chủ đề này là theo xu thế chung của đất nước và của thời đại. Kể từ năm 2016 trên thế giới đưa ra khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Trong xu thế đó từ các lãnh đạo cấp cao đến các doanh nghiệp Việt Nam đều quan tâm đến cuộc cách mạng này. Chính vì vậy, khi chọn chủ đề cho hội nghị và triển lãm năm nay chúng tôi muốn nhấn mạnh đến công nghệ tự động hóa - công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. Nó tích hợp rất nhiều các công nghệ khác nhau để trở thành tự động hóa. Biểu hiện cao nhất của tự động hóa chính là AI- trí tuệ nhân tạo, mô phỏng hoạt động của con người để tạo ra những thiết bị máy móc hoạt động và biết tư duy như một con người. Và công nghệ tự động hóa đóng vai trò rất quan trọng trong trí tuệ nhân tạo.

Qua những lần tổ chức hội nghị, hội thảo ông có nhìn nhận lĩnh vực nào áp dụng tự động hóa mạnh nhất tại Việt Nam?

Hiện nay, qua theo dõi tôi thấy có ba lĩnh vực áp dụng tự động hóa nhiều nhất gồm lĩnh vực: đồ uống; điện tử, công nghệ thông tin; và ô tô, xe máy. Sở dĩ các lĩnh vực trên được ứng dụng tự động hóa nhiều nhất vì sản phẩm đầu ra của họ tương đối ổn định và thị trường rất lớn. Hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này thường có tiềm lực về tài chính, doanh thu của họ rất lớn nên có thể tái đầu tư cho tự động hóa.

Có ý kiến cho rằng, tiến trình tự động hóa không có “đất” cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thưa ông?

Không phải như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể triển khai tự động hóa nhưng là tự động hóa từng phần, từng bộ phận. Thậm chí tự động hóa không chỉ là một một thuật ngữ chung không chỉ là tự động hóa công nghệ sản xuất mà còn là tự động hóa trong quản lý sản xuất. Ví dụ, như thông qua các phần mềm quản lý máy tính để tối ưu hóa quá trình quản lý cho một dây chuyền quản lý hay cho doanh nghiệp thì cũng được coi là tự động hóa.

Tự động hóa doanh nghiệp: Vốn và nhân lực đóng vai trò quan trọng
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy được tự động hóa nhiều nhất

Các doanh nghiệp cho rằng, vấn đề quan trọng với họ hiện nay trong tiến trình tự động hóa là nguồn vốn và nhân lực?

Thực ra vấn đề nguồn lực là một vấn đề rất nan giải bởi đã đầu tư cho tự động hóa thì nguồn lực phải rất lớn kể cả tự động hóa cho một công đoạn. Những thiết bị tự động hóa tương đối đắt tiền, hiện đại vì vậy đòi hỏi trình độ của nguồn nhân lực phải tương đối cao. Để có thể đáp ứng việc làm chủ được công nghệ, làm chủ được các trang thiết bị, các doanh nghiệp nhỏ của chúng ta rất khó để đầu tư cả về vốn và nhân lực. Nhưng các doanh nghiệp cỡ vừa thì có thể tính đến được đầu tư rồi.

Hiện nay tại Việt Nam các nguồn lực đầu tư của nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế do ngân sách phải chia sẻ cho rất nhiều lĩnh vực, do đó chỉ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các nguồn vay ưu đãi.

Những chính sách nào đã và đang được Nhà nước hỗ trợ đối với tự động hóa doanh nghiệp, thưa ông?

Gần đây Nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được thành lập. Ngoài ra Nhà nước cũng đang xúc tiến các quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay hầu hết cũng sẽ ứng dụng tự động hóa kể cả tự động hóa quản lý đến tự động hóa sản xuất.

Bây giờ khởi nghiệp người ta không còn thiên về khởi nghiệp cổ điển bằng các công nghệ truyền thống mà phải nghĩ đến công nghệ cao và những công nghệ có sức cạnh tranh.

Sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư  hoàn thiện Quỹ đầu tư khởi nghiệp sẽ tạo ra được sự phát triển tương đối bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao tại các địa phương các doanh nghiệp cũng phải tự liên kết với nhau để có thể hỗ trợ lẫn nhau qua quỹ phát triển công nghệ của các địa phương. Chính phủ cũng đã có quy định đóng góp một phần lợi nhuận của mình vào quỹ phát triển của công nghệ của tỉnh, quỹ đó sẽ có nguồn lực đủ lớn để đầu tư cho một số doanh nghiệp tiềm năng, có thị trường để phát triển trước, sau đó các doanh nghiệp khác sẽ được lần lượt đầu tư từ quỹ này. Và các doanh nghiệp nhà nước buộc phải để ra từ 3% đến 5% lợi nhuận để đóng góp cho quỹ; Các doanh nghiệp ngoài nhà nước không bắt buộc mà chỉ khuyến khích, chỉ có như thế chúng ta mới có đủ nguồn lực để đầu tư cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhất.

Xin cảm ơn ông!

Chí Kiên/Thoibaonganhang