Người tạc chân dung thời gian

Truyện - Ngày đăng : 14:57, 07/08/2019

Độ mươi phút sau, trước mắt tôi, Nguyễn Chính dáng cao đậm, nhanh nhẹn kiểu nhà binh. Quán bia bình dân hẹn, chạm cốc, Chính chớm chớp cười, đưa tôi quyển "Tiếng vọng thời gian" với gam màu xanh, núi sẫm, mây như sóng nước vỗ lên khoảng không ảo mờ.
Người tạc chân dung thời gian
 - A lô! Có phải số... 

- Vâng! Thưa, tôi có thể giúp được gì?

Một giọng vang, xưng danh: Nguyễn Chính đây ạ! Muốn tặng bác tập thơ vừa mới xuất bản?
- Ồ, chúc mừng đã.

Độ mươi phút sau, trước mắt tôi, Nguyễn Chính dáng cao đậm, nhanh nhẹn kiểu nhà binh. Quán bia bình dân hẹn, chạm cốc, Chính chớm chớp cười, đưa tôi quyển "Tiếng vọng thời gian" với gam màu xanh, núi sẫm, mây như sóng nước vỗ lên khoảng không ảo mờ. Đẹp, ý niệm và ảnh thật trang nhã. Bắt tay tác giả, tôi lướt qua đôi trang tấm tắc cảm thấu sự nghề trong cách trình đạt mang vẻ tự nhiên. Lần giở những trang người qua tiếng vọng hồi đáp đó chăng? Bia, lại bia, thơm ngậy mùi lạc luộc, hơi ngà ngà trưa bất giác, hứng khởi lật tờ: 

Bước chân năm tháng về đâu
Tuổi già ngồi lặng mái đầu 
khói sương 
 Cứ theo đà, cuốn dòng mới chợt tỉnh, ngấm:
Chạm vào em thăm thẳm
Chạm vào tôi kiếp người
Tôi buột kêu: Chà thơ chi mà say đến vậy? Toàn trỗi thức lẽ đời. Thời gian vụt sáng lên trên con đường thiên lý. Nhưng, đâu đấy khác lạ chốn này, trong thảng thốt giấc chiêm giữa thế giới biến động của tâm cảm Nguyễn Chính. Giật mình, tôi đọc:

Thời gian trôi ngẫm nghĩ
Bầu trời xanh mỉm cười
Nguyễn Chính lặng nhìn khoảng ồn ào phố. Sau bữa men nhẹ. Tôi về. Quên bẵng mấy ngày rằng tập thơ đang đọc dang dở, chưa rảnh thời giờ nghiền tiếp. Phút này, tôi mới thực sự xem tìm thơ Nguyễn Chính viết những gì, cấu từ, ngôn ngữ, hình ảnh mường tượng ra sao, tư tưởng có thoát bậc để làm mới chính mình?

Tôi tự nhủ: Phải đọc bằng  hết, đọc kỹ và chậm rãi từng bài, ghi chép lại ấn tượng câu chữ, đã trúng thơ chưa? Thì đây:
Núi non nhuốm màu sương phủ
Hồn người trắng mãi bơ vơ
Từng trải lắm sự đời, có lẽ thế! Nhà thơ Nguyễn Chính đi và tới nhiều miền trời đất, biết mấy việc nhân quần, thời gian tựa gió thoảng, lòng trắc trở người xiết bao lường tỏ. Thơ Nguyễn Chính bắt nguồn từ cảm giác, tạo thành cảm giác, bởi thơ ông đậm sâu nặng nghĩa tình, tình người trận mạc hóa phận sợi qua tính cách:

Giã từ khẩu súng vai mang
Tóc hoa râm vẫn ngang tàng 
câu thơ
Thẳng lưng thêm chút dại khờ
 Yêu là yêu thật chẳng 
vờ vịt đâu!
(Khẩu súng và câu thơ)

Chỉ là người trong cuộc, thấu hiểu nỗi người chân thực và yêu người, vì con người, đi hết lè con người mới hay sự người. Thơ Chính, tạc tâm thế con người ở cái sự nghiệt ngã của đời sống mang vẻ đẹp, buồn, cao rộng... Dòng lục bát nhuyễn thể, cảm hóa và lay động.

Thơ Nguyễn Chính viết về trải nghiệm, trữ tình, ảo diệu, phác họa vài nét, tưởng chừng nhỏ nhặt, ấy vậy, bỗng lớn dậy:
Mẹ già bưng bát cơm chan 
Cố lùa cho hết thế gian 
vào mình
Chồng con đều đã hy sinh
Chiến tranh tàn khốc còn hình bóng thôi! 
(Bữa cơm sau chiến tranh)

Khơi gợi, giản dị, nhưng nhói thắt không gì có thể sánh nổi trận người. Con người, cảnh vật ngộ lẽ vô thường. Thơ Nguyễn Chính đầy âm điệu, khoát nhiên phía bên trong của tâm trạng. Ngữ cảm thơ chảy từ truyền thống dân dã, tự thân:

Ngồi ở trong phòng kín
Có một người lặng im
Nghe tim mình thứ đập
Lần mùa đông đi tìm
(Mùa đông đi tìm)

Thời gian trong thơ Nguyễn Chính là thời gian động tìm, thời gian của mỗi số phận xoay quanh trục dẫn là người lính. Y hệt màu quân phục không bao giờ yên, hàm chứa đủ các dáng vẻ. Dấu chân năm tháng mở ra ngưỡng cửa vũ trụ quan. Sự sống và cái chết luôn đặt chiều ngẫm. Thơ Nguyễn Chính là thơ tuệ cảm, bằng chân dung, mỗi bài vẽ một nét riêng không trùng lặp vay mượn. Cho nên thơ ông dễ địc, nhanh thuộc. "Tiếng vọng thời gian", dội hưởng như những nốt nhạc phổ quát trạng huống. Và, ngày tháng cứ trôi đi, vạn vật đổi mùa. Tôi cảm được đôi bàn tay nở hoa thiền định nơi khẩu độ ánh sáng đặc trưng vị "Chùa quê". Thơ xé ra từng mảnh ghép, nhịp tốc an nhiên, ngỡ tĩnh mà trào dâng. Nghe vọng lên tiếng chuông thoát tục, nhắc cõi ta bà với biết nhường nào biến thiên chia lìa, sum vầy. Bài thơ nổi trội hay ở cách nghĩ, cách diễn đạt mới lạ, khác biệt, đằm chín tình, sự, lẽ... vượt tầng cảm:

"Hoa đại thơm/ tay em thơm/ bay lên trời/ cùng ngân tiếng chuông/ Chiều đủ lạnh/ tôi se lại/ tấm áo nâu sồng/ không phất bay/ Và cứ thế/ như bước từng bước một/ lòng an nhiên/ trong tiếng chuông chùa/ Khói nhang trầm/ có tan vào sương/ mà mờ ảo/ lẫn trong chiều hư thực/ Tràng hạt lần/ ra khỏi vòng trần tục/ nhịp nam mô/ cốc cốc nhủ thầm/ Có ai về/ đường quên... mưa xuân/ mưa trắng trời/ chùa quên... ngói thâm"

Gia đình, tình yêu, bạn hữu, cảnh sắc những vùng miền cất hiện hóa niệm đắc trong thời gian suy tư "chảy mãi mơ hồ", vọng tưởng qua hoài niệm quãng đời, thơ tạo dựng phép thần thi:

Trên gương mặt
không xót xa
                   giận dữ
tiếng dạ ngọt ngào tôi thấy cả 
miền Nam
(Chảy mãi mơ hồ)

Có thể khẳng định thơ Nguyễn Chính say đượm, viết tự tiềm thức qua vô thức khiến câu thơ bất ngờ, cảm động :
Tàn canh nghe tiếng thở dài
Buồn trông trái đất 
không ngoài thương đau          
(Đêm đông)

Chỉ cần cặp thơ sáu tám này thôi cũng cho ta tường tính khái quát, minh triết từ Nguyễn Chính.
Ngót nghét gần bảy chục tiêu đề của từng tứ thơ đã được thi sĩ nhân hóa, cách điệu mang khí chất anh bộ đội giàu huyền dấu, phẩm chất nghệ thuật thi ca vang vọng, giao mùa, theo cách viết của người đương đại:
Ngọt ngào hay đắng thức
Gió bấc về đêm qua...

Vũ Xuân Hoát