Bộ đội về làng

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:29, 12/07/2019

Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và bệnh viện quân y đang về nhiều làng quê của Hà Nội làm công tác dân vận. Nhiều công trình, việc làm ý nghĩa của bộ đội tại các địa phương đã tạo không khí ấm áp, gắn kết tình quân dân bền chặt.
Bộ đội về làng
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) giúp nhân dân xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) nhổ mạ, cấy lúa. Ảnh: Trương Huân

“Các anh về mái ấm nhà vui”

Mới 7h sáng nhưng hơn 100 đối tượng chính sách của thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) đã có mặt đông đủ tại trạm y tế. Hôm nay, Ban Chỉ huy quân sự huyện phối hợp với Viện Y học phòng không - không quân tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách. Tươi cười sau khi được các bác sĩ khám, tư vấn sức khỏe, bà Nguyễn Thị Ngà, đối tượng chính sách ở thôn Kim Lân (thị trấn Kim Bài) chia sẻ: “Tuổi già không tránh được bệnh tật nhưng được các bác sĩ quân y khám, tư vấn, dặn dò rất ân cần, chu đáo nên tôi thấy yên tâm”.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Kim Bài Hà Văn Thành cho biết: “Từ thị trấn Kim Bài đến các bệnh viện lớn không xa lắm nên mỗi khi mắc bệnh, người dân đều được khám, chữa kịp thời. Thế nhưng, khi biết tin được các bác sĩ quân y về trực tiếp thăm khám, các đối tượng chính sách của địa phương rất phấn khởi. Đây cũng là nguồn động viên để chúng tôi thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội”.

Ngoài niềm vui chung như nhiều người dân xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) được đón bộ đội về làng làm công tác dân vận, gia đình bệnh binh hạng 1/3 Đinh Văn Luân ở thôn Trinh Tiết càng vui hơn bởi được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Ngoài tiền hỗ trợ, Tiểu đoàn Thông tin 610 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) còn phối hợp với dân quân xã Đại Hưng ủng hộ ngày công xây dựng. Ông Đinh Văn Luân cho biết: “Ngôi nhà cũ của gia đình tôi được xây dựng cách đây 40 năm nên đã xuống cấp. Con trai út tôi đang có ý định lập gia đình nhưng vì nhà dột nát nên còn chần chừ. Nhất định khi làm xong nhà mới, chúng tôi sẽ lo cưới vợ cho con”.

Không chỉ giúp đỡ gia đình ông Đinh Văn Luân, hơn 10 ngày ở xã Đại Hưng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 610 còn hỗ trợ ngày công và kinh phí gần 30 triệu đồng để làm sân bóng đá của xã. Chủ tịch UBND xã Đại Hưng Đỗ Đức Trường chia sẻ: “Đây là món quà rất ý nghĩa với địa phương bởi có sân bóng, thanh niên sẽ luyện tập thể thao nhiều hơn, đây cũng là cách giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Chúng tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rất nhiều”.

Tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín), khi nghe tin bộ đội về làng cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc giúp dân, nhiều gia đình đã gặp lãnh đạo xã để xin được đón bộ đội về nhà mình ở. Là một trong số 15 hộ được đón bộ đội về nhà ở cùng, ông Nguyễn Thế Anh ở thôn Liễu Viên (xã Nghiêm Xuyên) chia sẻ: “Không chỉ nhà tôi mà cả thôn đều vui vì có bộ đội về ở cùng. Gia đình tôi sinh hoạt như thế nào thì anh em sinh hoạt như thế. Nhiều khi cả nhà đi vắng, tôi phải nhờ anh em trông coi nhà cửa”. Còn ông Bùi Văn Cường ở thôn Liễu Viên xúc động cho biết: “Nhà tôi còn mấy sào ruộng chưa cấy hết, trời nắng nóng là thế nhưng anh em bộ đội vẫn xắn tay áo người nhổ mạ, người cấy; loáng cái, mảnh ruộng đã bao trùm bởi màu xanh”.

Xây dựng địa bàn đóng quân vững chắc

Thực hiện huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận đã trở thành việc làm thường xuyên hằng năm của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Thiếu tá Chu Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Đợt hành quân dã ngoại tại xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) lần này tuy vào cao điểm nắng nóng nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều xác định khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành những phần việc đã đề ra, góp phần tô thắm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”.

Theo Đại tá Thái Tâm Tứ, Phó Chủ nhiệm Chính trị (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), nét mới trong huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội năm nay là cùng với việc huy động các đơn vị chủ lực còn có sự phối hợp của lực lượng dân quân tại các địa phương cùng tham gia giúp dân. Mỗi đợt được thực hiện trong thời gian hơn 10 ngày với các nội dung: Tham gia tu sửa, xây dựng các công trình dân sinh góp phần xây dựng nông thôn mới; tổ chức nói chuyện thời sự, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với thanh niên địa phương…

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn phối hợp với các bệnh viện quân đội tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công. Năm nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp cùng các bệnh viện tổ chức khám bệnh tại 47 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Thượng úy, bác sĩ Phan Thị Hoài Trang thuộc Bệnh viện Quân y 103 vừa hoàn thành việc khám bệnh cho đối tượng người có công của xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) chia sẻ: “Đây là việc làm rất ý nghĩa nên khi được giao nhiệm vụ tôi rất háo hức và cùng đồng đội chuẩn bị chu đáo”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết: “Nhiều năm qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đồng hành cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong hoạt động khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc dành phần kinh phí đáng kể để mua thuốc, tặng quà cho đối tượng chính sách, chúng tôi đều chọn những y, bác sĩ có chuyên môn cao để việc khám, tư vấn đạt kết quả tốt nhất”.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định: “Hơn 10 ngày về địa phương làm công tác dân vận, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều có những việc làm thiết thực, hiệu quả, tạo dấu ấn sâu đậm với người dân về hình ảnh bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương”. Việc huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận của lực lượng vũ trang Thủ đô vừa giúp địa phương giữ vững an ninh chính trị, vừa xây dựng địa bàn đóng quân vững chắc…”

Hiền Phương/HNM