Hội thảo giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của 5 vùng Kinh đô xưa và nay

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:19, 07/12/2018

Ngày 7/12, tại khách sạn La Thành (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo “Giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của từng vùng kinh đô xưa và nay trong việc xây dựng văn hóa địa phương và cả nước” với sự tham dự của đông đảo quan khách, khách mời đại diện lãnh đạo các Hội, Liên hiệp hội VHNT thuộc 5 vùng kinh đô cũ của Việt Nam là: Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Hội thảo giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của 5 vùng Kinh đô xưa và nay

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Tham gia điều hành Hội thảo gồm: NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; Nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình; Nhà báo Đỗ Quốc Long, Chủ tịch hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ; nhà thơ Nguyễn Văn Túy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Thanh Hóa; Ông Cao Chí Hải đại diện liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế.

Về dự Hội thảo còn có các đại diện của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Công an Tp. Hà Nội, cùng các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 5 vùng kinh đô (Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế).

Hội thảo giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của 5 vùng Kinh đô xưa và nay

NSND Trần Quốc Chiêm phát biểu đề dẫn Hội thảo

NSND Trần Quốc Chiêm phát biểu đề dẫn Hội thảo: Chúng ta đang sống trong thời đại Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều thuận lợi, thời cơ đồng thời khó khăn, thách thức cũng không ít. Các thế lực phản động ra sức chống phá trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong thời gian tới, các Văn nghệ sỹ của 05 vùng Kinh đô cần giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, nâng cao ý thức công dân và trách nhiệm văn nghệ sĩ, tích cực tham gia Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện những nội dung trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 -NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hội thảo giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của 5 vùng Kinh đô xưa và nay

Nhà báo Đỗ Quốc Long phát biểu tham luận tại Hội thảo

Về dự Hội thảo này, Nhà báo Đỗ Quốc Long đóng góp tham luận “Văn học Nghệ thuật Phú Thọ với bảo tồn phát huy nét văn hóa đặc trưng của vùng đất phát tích của dân tộc”. Nhà báo đặc biệt nhấn mạnh dấu tích về 3 nền văn hóa cổ xưa độc đáo đó là văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun; Các làng cổ mang dấu ấn của thời đại Hùng Vương; Lễ hội Đền Hùng – lễ hội lớn nhất cả nước được tổ chức tại Việt Trì.

Hội thảo giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của 5 vùng Kinh đô xưa và nay

Nhà văn Cao Ngọc Thắng phát biểu tham luận “5 vùng Kinh đô và quan điểm vùng kinh tế”

Nhà văn Cao Ngọc Thắng, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng đã có tham luận “5 vùng Kinh đô và quan điểm vùng kinh tế” gửi Hội thảo. Qua đó đề xuất thành lập một Hiệp hội bảo vệ di sản 5 vùng Kinh đô, nhằm: Liên kết các nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành một cách cụ thể và sâu sắc, phục vụ trực tiếp công tác bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của từng vùng và của 5 vùng Kinh đô; Liên kết các nghiên cứu về phương thức tổ chức kinh doanh du lịch ở mỗi vùng và 5 vùng Kinh đô thành mạng lưới vừa thống nhất vừa mang tính “cá thể”, để khai thác hiệu quả tiềm năng các vùng di sản; Liên kết các nghiên cứu bảo vệ môi trường cho từng vùng Kinh đô; Liên kết sự quảng bá du lịch cho từng vùng và 5 vùng Kinh đô...

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhà báo đã tích cực tham gia bàn thảo, trao đổi ý kiến, kiến nghị nhằm gìn giữ và phát huy những nét đặc trưng văn hóa, hình thành thói quen mới, khôi phục nét đẹp cũ đưa văn hóa Việt Nam ngày càng đi lên.

Hội thảo giữ gìn và phát huy nét đặc trưng văn hóa của 5 vùng Kinh đô xưa và nay

Các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ của 5 vùng kinh đô đến tham dự Hội thảo

Các tham luận tại Hội thảo với góc nhìn đa chiều, toàn diện đã gợi ý cho người nghe nhiều liên tưởng thú vị, nhiều ý kiến gợi mở giúp các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các văn nghệ sĩ có thêm nhiều ý tưởng mới nhằm góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa trên nhiều kênh thông tin giữa các văn nghệ sĩ của các vùng Kinh đô, làm phong phú thêm những di sản văn hóa.

Mai Sương