Dự án đường nối Quốc lộ 3 - Cụm công nghiệp Sóc Sơn: 10 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Tin tức - Ngày đăng : 11:41, 19/09/2018

Được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2009, tuy nhiên sau gần 10 năm, dự án Xây dựng đường nối Quốc lộ 3 - Cụm công nghiệp tập trung huyện Sóc Sơn vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng 
Khi dự án trên được phê duyệt, gia đình anh Nguyễn Văn Minh, thôn Hương Đình (xã Mai Đình) là một trong những hộ thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên đến nay, do chưa bố trí được quỹ đất tái định cư, 12 người trong đại gia đình anh Minh vẫn phải chung sống trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 2000. “Do thuộc đất dự án nên gần 10 năm qua, gia đình tôi không được phép xây dựng, nâng cấp nhà ở. Không gian sống chật chội khiến cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều” - anh Minh bức xúc. 

Bà Trịnh Thị Tứ, hàng xóm của anh Minh, cũng thuộc diện cần phải di dời không giấu được vẻ thất vọng cho biết, không chỉ bị cấm xây dựng, nâng cấp nhà ở, mọi hoạt động xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế trên đất dự án cũng không thể thực hiện. Điều này khiến thu nhập của gia đình bà Tứ và hàng chục hộ dân khác bị giảm sút…

Theo tìm hiểu, dự án Xây dựng đường nối Quốc lộ 3 – Cụm công nghiệp tập trung huyện Sóc Sơn đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1501 ngày 1/9/2009. Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là 360 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 12/2010. Từ thời điểm đó đến năm 2013 đã được TP bố trí trên 216,3 tỷ đồng để triển khai. Tuy nhiên, do ngân sách TP khó khăn nên trong giai đoạn 2014 - 2016, dự án phải tạm dừng. 

Trong các năm 2017 - 2018, TP tiếp tục bố trí 120 tỷ đồng để huyện Sóc Sơn thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong hai năm qua, công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn, do chưa bố trí được quỹ đất tái định cư. Hệ quả là đến nay, hàng chục hộ dân vẫn phải sống bấp bênh với muôn vàn âu lo trên đất dự án. 

Mới thống nhất phương án tái định cư

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn Nguyễn Bá Hoàng, vì dự án trên kéo dài gần 10 năm nên 19 hộ dân có đất thổ cư thuộc diện phải thu hồi đã tự ý xây dựng nhiều công trình dân sinh, hạ tầng phát triển kinh tế. Những công trình này theo quy định chỉ được hỗ trợ 10% chi phí xây dựng, tuy nhiên, các hộ nhất định không đồng ý nhận tiền mà yêu cầu phải được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng. Liên quan tới vướng mắc này, ông Hoàng cho biết, sau nhiều lần đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ, huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 870 ngày 17/5/2018 báo cáo đề xuất TP nâng mức hỗ trợ cho người dân; tuy nhiên đến nay, vẫn chưa được TP chấp thuận.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn cũng đã có ý kiến đề nghị TP cho phép bố trí tái định cư cho 19 hộ thuộc diện bị thu hồi đất thổ cư, vào tái định cư tại khu đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thôn Hương Đình (xã Mai Đình). Điều này được xem là phù hợp, đáp ứng nguyện vọng được tái định cư tại chỗ của các hộ dân. Hiện, dự án xây dựng khu tái định cư cho 19 hộ phải di dời đang trong quá trình GPMB, phấn đấu khởi công trong năm 2018. 

“Vừa qua, liên ngành TP gồm các sở: TN&MT, Tài chính, Xây dựng, Ban Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã thống nhất, chấp thuận việc bố trí tái định cư cho các hộ vào khu đấu giá đất tại xã Mai Đình. Sau khi hoàn thành công tác GPMB, liên ngành sẽ báo cáo TP chấp thuận chủ trương, nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân vùng dự án…” - ông Hoàng thông tin thêm.

KTĐT