Ca sĩ Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ kể về hành trình 20 năm ca hát

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 08:42, 06/09/2018

Chiều 4-9, ca sĩ Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ đầu tay “Đi hết xuân thì” với 60 bài thơ mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong đó kể khá đầy đủ cuộc đời, số phận, con đường sự nghiệp âm nhạc của cô từ khi lập nghiệp đến nay.
Ca sĩ Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ kể về hành trình 20 năm ca hát
Ca sĩ Phạm Phương Thảo ra mắt tập thơ kể về 20 năm ca hát.

“Đi hết xuân thì” là dự án thứ 2 kỷ niệm 20 năm ca hát của Phương Thảo sau MV “Chàng vinh quy” đã ra mắt trước đó. Đây cũng là ca khúc giúp Phạm Phương Thảo giành Huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 vừa kết thúc tại TP Đà Nẵng. 

Nói về tập thơ “Đi hết xuân thì”, Phương Thảo cho biết, thơ như là cách để cô bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của mình về cuộc sống. Phạm Phương Thảo từng thành công với nhiều ca khúc do cô sáng tác, phổ thơ nhưng đây là lần đầu tiên cô chính thức trình làng một sản phẩm thơ trọn vẹn cả về hình ảnh lẫn ý tứ. 

Tập thơ “Đi hết xuân thì” được chia làm 3 phần. Phần 1 -Mơ duyên gồm những bài thơ về tình yêu, lời thơ nhẹ nhàng và có phần mơ mộng như: “Mơ duyên”, “Anh bảo đừng yêu nhau”, “Chiều nhớ”, “Em muốn”... Phần 2 - “Hoa trôi” là những vần thơ nói về thân phận người phụ nữ và những khát khao tình yêu. Phần 3 - “Lời mẹ cha” là những tâm tư, tình cảm về quê hương, cha mẹ, về những người có tầm ảnh hưởng tới Phương Thảo... 
Trong tập thơ mới của Phạm Phương Thảo, đáng chú ý là bài thơ được lấy tựa đề cho cả tập thơ - “Đi hết xuân thì” với 99 câu theo thể thơ lục bát. Đó là câu chuyện kể từ khi cô còn bé đến khi trưởng thành, cuộc sống từng qua “hai lần đò” cho đến những suy tư, khát vọng cống hiến cho nghệ thuật và cả những dự cảm cho tương lai của mình. 

Trong buổi ra mắt, nhận xét về tập thơ của ca sĩ Phạm Phương Thảo, nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, thơ của Thảo rất nữ tính, đằm thắm thể hiện rất rõ những trăn trở của người phụ nữ. Chính sự dịu dàng ấy khiến các bài thơ dễ nhận được sự đồng cảm của người đọc, đặc biệt là phái nữ.

HNM