Đầu tư hơn 60 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa

Tin tức - Ngày đăng : 11:34, 15/08/2018

Ngày 6/8, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4014/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành. Xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp đối với mỗi loại hình. Xác định những nguy cơ làm ảnh hưởng tới các giá trị của khu di tích và đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để. Bảo vệ khu di tích hài hòa với nhu cầu phát triển về môi trường, du lịch, đảm bảo điều kiện sống của dân cư trong khu vực di tích. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ di tích gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người dân địa phương, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại tới giá trị di tích. Nâng cao năng lực quản lý di tích của cán bộ Ban quản lý khu di tích Cổ Loa và các bên liên quan. Từng bước hiện thực hóa Quy hoạch Khu di tích thành Cổ Loa theo Quyết định số 1004/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa… 

Đầu tư hơn 60 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa
Kiến trúc đền Thượng. Ảnh: Trần Tuấn Anh
Phạm vi kế hoạch được xác định thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ của huyện Đông Anh với quy mô 860,4ha. Kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020 dự tính khoảng 60,710 tỷ đồng trong đó nguồn ngân sách thành phố là 60.410 tỷ đồng, nguồn thu phí, lệ phí là 300 triệu đồng.

Theo kế hoạch nội dung và giải pháp thực hiện bao gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; quản lý bảo tồn các di tích; quản lý dân cư và sức ép phát triển; quản lý bảo vệ môi trường, cảnh quan; nâng cao năng lực quản lý di tích; nghiên cứu các giá trị của khu di tích; quản lý hoạt động khai thác và phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý di tích. Đáng chú ý, là các giải pháp về quản lý bảo tồn các di tích trong đó tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết khu di tích tỷ lệ 1/500, xây dựng dự án bảo tồn phát huy giá trị khu vực lõi thành Cổ Loa; xây dựng kế hoạch định kỳ khảo sát, kiểm tra, theo dõi đánh giá tình trạng, kỹ thuật các di tích kiến trục và hệ thống thành hào, hoành thành việc cắm mốc giới bảo vệ di tích.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được giao là cơ quan đầu mối điều phối chung và giám sát việc triển khai các hoạt động của kế hoạch; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, trưng bày tư liệu có liên quan tới khu di tích; Chủ trì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về khu di tích; Xây dựng các nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ di tích, quy chế hoạt động tham quan du lịch tại khu di tích. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và quản lý mốc giới sau khi được cắm mốc. Kiểm tra, giám sát, tham gia thẩm định các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ di tích, dự án đầu tư kinh doanh - dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội tại khu di tích theo thẩm quyền được phân cấp. Phát hiện những vi phạm trong quản lý di tích đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp khắc phục hoặc xử lý theo quy định của pháp luật… 

Hà Thao