Nhọc nhằn nghề muối

Truyện - Ngày đăng : 07:48, 20/07/2018

Nhà ngoại tôi nằm ở ven biển. Hằng đêm nghe sóng vỗ rì rào, sóng biển bao đời nay vẫn thế, ướp mặn cả đời người bằng tiếng vỗ khôn nguôi.
Nhọc nhằn nghề muối

Phía ven biển ấy có những khuông đầm rộng hàng hecta. Phải như ở đồng bằng trung du, mỗi nhà có trong tay cả mớ đất tha hồ canh tác, làm giàu. Nhưng ở đây thì hoàn toàn trái ngược, ruộng đất chẳng thể làm gì ngoài ngâm mình trong từng khoang nước nhuốm vị mặn mòi từ tháng này qua tháng nọ. Nơi ấy, những người dân lương thiện vùi cả đời mình vào chuỗi ngày dài để làm thành vị mặn, nêm vào cuộc sống nhạt nhẽo ngoài kia như người già vẫn thường rỉ tai nhau khi ngồi ngâm nghê bên ấm chè xanh loang khói ấm nồng.

Người ta gọi những người trồng muối là diêm dân. Một cái tên lạ lẫm và chẳng thể cắt nghĩa nếu lần đầu đặt chân đến.

Sáng sớm, cả làng bắt đầu thức dậy hò nhau ra đồng. Chẳng cần chiếc đồng hồ báo thức inh tai. Có chăng vài con gà trống thả vườn làm chiếc chuông báo thức quen thuộc. Tiếng gà gáy tự bao đời nay trở thành âm thanh thân thuộc của làng quê, của những hoài niệm rưng rưng để những người con xa quê nhớ về.

Trẻ con cũng theo bố mẹ dậy từ tang tảng sáng, ríu ran gọi nhau bước đi với những cuốc những sàng hăm hở trên tay. Mùa muối trở thành mùa canh tác nuôi sống bao đời người dân xóm biển. Những công đoạn tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật và sự cần mẫn, muốn có hạt muối ngon phải làm theo đúng trình tự mới cho ra thành phẩm ưng ý. Từ xe cát, trang cát, phơi cát rồi lọc chạt… Tiếp đó là đến khâu thu cát lại, chắt lọc lấy nước mặn, tỉ mỉ đổ từng gánh nước lọc vào từng ô nề ngay ngắn. Chỉ cần phơi nắng đủ một ngày là những hạt muối kết tinh trắng ngần dần dần hiện ra trong từng khuông đất to nhỏ dưới từng vạt nắng vàng ươm.

Đổi lại diêm dân phải oằn mình trong những cơn nắng oi nồng, mồ hôi thấm nhuần bao gánh muối nặng oằn trên vai.

Trời nắng đã vậy, trời mưa lại càng khổ ải hơn. Trong xóm nhà nào nhà nấy đi làm đều giắt bên hông chiếc radio mở sóng để nghe dự báo thời tiết. Nhớ những đêm nằm nghe gió lùa về bằng vài ba giọt mưa tí tách, cả làng lại hò nhau ra đồng đậy bạt che chắn để hạt mưa không làm hỏng vựa muối chưa kịp thu về. Có những nhà cẩn thận còn dựng lều ngủ ngoài vuông, sáng sớm trở về nghe hương muối mặn chát nơi những mái đầu bạc phếch.

Nghề muối cực nhọc là thế, nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Nhiều người dân xóm biển qua thời gian chẳng còn mặn mà với nghề gia truyền cha ông để lại, cũng như nghề truyền thống mang vị mặn cho đời. Người trẻ lớn lên rồi tìm đường ra phố mưu sinh bằng bao ngành nghề khác nhau, lảng tránh những tháng ngày cơ cực dưới cơn nắng gắt gỏng. Chỉ người già cố bám trụ lại, như sinh mệnh của cuộc đời gắn vào vuông muối mằn mặn kết tinh từ những mồ hôi và bao gom góp nhọc nhằn.

Để rồi một ngày trở lại nơi tôi đã có khoảng thời ấu thơ bên gánh muối chiều hôm thơm mùi nắng biển, nắm trong tay kết tinh của đời ngoại vất vả, chậm rãi nhấm nháp từng vị mặn thấm vào nơi cổ họng, bỗng dâng trào cảm xúc ngậm ngùi bởi những đau đáu, rưng rưng thông thốc theo gió nhuộm cùng hương muối ngoài khuông, tràn về chát mặn. 

Song Sinh