Có một đêm...

Truyện - Ngày đăng : 10:03, 17/07/2018

Vừa về nghỉ được một ngày trong xóm nhỏ làng Tích Tường, tám giờ tối anh Mứt, anh Thưởng đến hầm bảo tôi cùng tiểu đội lên Cầu Sắt cáng thương, tôi hỏi: “Cáng về đâu hả anh?” Hai anh cùng chỉ cho tôi cáng về phía sau gần làng Như Lệ, tôi phải rẽ tay phải cạnh cây duối to, ra bãi cát bờ sông, khi nào có xuồng vận tải bên kia sông sang nhận giao xong thì về. Tôi chưa thật hiểu rõ nên các anh lại nói: "Cậu có nhớ cái đêm hành quân từ mương Đá Bạc ra nghỉ giải lao chờ trinh sát ở Tích Tường gần trường tiểu học
Có một đêm...
Đến gần cây duối, trời tối chúng tôi vừa đi vừa tìm đường, mấy thằng cứ lồm bồm nói tôi chẳng biết gì. Thằng Tỉnh còn đỡ chứ thằng Hùng thì ngang lắm. Nó hơn tôi bốn tuổi, lúc ở nhà nó đã là một tay thợ mộc cứng, đã từng đi kiếm cơm thiên hạ nên khôn lắm. Nó văng ra đủ thứ rằng: “Đã không biết đường lại dẫn chúng ông đi, chỉ thích làm cán bộ…”. Tôi nhớ hôm 27/7 ở chốt Gia Long cả đại đội tôi đang chiến đấu với bọn thủy quân lục chiến mãi nó mới mang khẩu RPK ra bắn liền được 6 viên đạn, rồi vác súng chạy về phía sau ngồi run, nó bị anh Mứt quạt cho một trận.

Hôm ấy đơn vị tôi 4 người bị thương nặng, gồm thằng Bét bắn B41 người Thanh Hóa, anh Tư, thằng Nho và thằng Chiến người Đường Lâm, Sơn Tây. Chẳng biết ở các đơn vị khác thế nào, chứ đơn vị tôi quân Thạch Thất chỉ hung hăng cãi nhau chứ gặp địch thì nhát lắm, chỉ lăm le chạy trước, không có gan như anh em ở Ba Vì, Mỹ Đức. 

Sau cùng, chúng tôi cũng tới được bờ sông. Đoạn này sông hẹp, bên bờ Nam dải cát mịn và bằng phẳng. Đặt thương binh xuống, tôi xem lại vết thương ở mặt cậu ta sưng to lắm, mồm mấp máy không nói nên lời. Còn ba thằng kia cùng khiêng cáng ngồi chụm lại với nhau, nói tôi không biết gì lại dám nhận liều cáng thương… Dưới ánh sáng đèn dù quanh thị xã Quảng Trị, cả bãi cát sáng rực lên. Đầu óc tôi suy nghĩ miên man. Khoác súng trên vai,  tôi bước chậm rãi theo triền sông, những con sóng nhỏ dập dờn liếm lên khiến đôi giày nằng nặng nước. Đi lại vài vòng chờ đợi, tôi thấy ba thằng kia ngồi túm lại một chỗ miệng vẫn làu bàu. Bực quá tôi gằn giọng quát: “Giờ thằng nào thích về tao cho về trước, đi đi.” Chúng ngồi im chẳng thằng nào dám đi vì đều sợ cả…

Khoảng 1 giờ sáng, có tiếng động lào xào bên kia sông, tôi vội nằm sấp xuống quan sát, đã thấy hai, ba cái xuồng cao su vượt sông sang bên này để đón thương binh. Tôi gặp ngay thằng Thân quê ở Đồng Mai, huyện Thanh Oai, từ đại đội 17 công binh của trung đoàn đến đón thương binh. Nhà nó cách nhà tôi khoảng 3 đến 4km. Mừng quá chúng tôi hỏi thăm nhau. Tôi dặn nó: “Nếu có ra Bắc, về nhà nói với bố mẹ tôi là tôi còn sống nhé”. 

Lúc này thương binh ở các nơi được đưa ra rất đông, nghĩ lại cả bốn đứa chúng tôi quá dại, nhưng lại may. Mọi lần cáng thương binh ra bãi muộn vì cứ tối đến là bến vượt lại bị pháo kích và bom, nhưng đêm nay không hiểu sao, thật may quá. Giao xong thương binh, chúng tôi quay về, ba thằng vừa đi vừa chạy trước tôi. Được một đoạn, phía trước bỗng có tiếng động, theo phản xạ tự nhiên, tôi nép sát người vào mép đường, tay rút quả lựu đạn mỏ vịt khỏi sợi dây lưng. Nhưng đấy lại là quân ta, họ đi ngược lại phía chúng tôi, đi tiếp một lát, có tiếng pháo kích rít lên, xé không khí, rơi vào cạnh chỗ chúng tôi. Cả mấy thằng chúng tôi nằm xuống, cũng may địch chỉ bắn vu vơ vài quả, xong lại thôi, chúng tôi gọi đó là pháo mồ côi, nghe tiếng mảnh bay vèo vèo qua người, mà rợn người. Dứt tiếng đạn pháo, tôi hô to: “Chạy đi”. Ba thằng phía trước, đều chồm dậy thi nhau chạy, bỗng đâu vướng vào dây thép gai, hai chân loạng choạng ngã bịch xuống... Lúc đi, tôi nhớ đã nhìn thấy đám dây thép gai bùng nhùng vương vãi trên đường gần về hầm trú ẩn. Tôi thận trọng, nhảy vọt qua từng thằng, chạy về hầm trước. Tôi báo cáo đại đội chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn, lúc ấy khoảng hơn 2 giờ sáng. Ba thằng về sau vào hầm, người đều sây sát, miệng lẩm bẩm tức tối. Còn tôi không sao nhịn được cười, tôi khẽ khàng nói mấy câu chọc tức chúng: “Sao mà dây thép gai nó quý người thế không biết, mình thì chẳng được quý để ngã cùng cho vui...”  

Trịnh Bá Sướng